Nam Định - mảnh đất giàu truyền thống văn hóa, một trong những nét đặc trưng làm nên nét đẹp này, đó là vùng đất có nhiều lễ hội gắn với các di tích lịch sử văn hóa của dân tộc. Về Nam Định là về với mảnh đất địa linh mà ở đó lễ hội được người dân gìn giữ từ nhiều đời như mạch nguồn sức mạnh của tinh thần yêu nước, yêu quê hương.

Đầu xuân, khi không khí tưng bừng đón Tết cổ truyền vẫn còn lan toả, mọi người lại nô nức rủ nhau trẩy hội chợ Viềng. Đây là phiên chợ chỉ diễn ra vào đêm mùng 7 rạng sáng mùng 8 tháng giêng nên không chỉ người dân trong tỉnh mà du khách thập phương về chơi chợ, mua sắm cầu may.

Nam Định – Vùng đất của những lễ hội - Hình 1

Từ lâu, chợ Viềng đã trở thành một lễ hội chợ truyền thống đặc sắc, mang đậm sắc thái văn hóa dân gian

Chợ Viềng xuân thực sự là hội chợ đặc trưng của miền quê nông nghiệp giàu sản vật, một loại hội chợ "đấu xảo sinh động ngoài trời, trưng bày, giới thiệu, trao đổi những sản phẩm nông nghiệp do người nông dân làm ra, nhất là những loại cây cảnh, cây trồng đặc sản, cũng như những sản phẩm thủ công tinh xảo; từ đồ dùng sinh hoạt đến công cụ lao động bằng đồng, bằng sắt; từ đồ tế tự đến đồ trang sức mỹ nghệ, đồ chơi trẻ nhỏ,...

Đặc biệt hơn cả, ai về chợ Viềng xuân cũng mua cho bằng được thịt bê thui, coi đó là món quà chợ, lộc hội không thể thiếu được trong tâm thức cầu may đầu xuân đi hội chợ Viềng. Những năm gần đây, du xuân chợ Viềng đã trở thành nét đẹp văn hoá trong đời sống tinh thần của nhân dân địa phương, đáp ứng được sự ngưỡng vọng của khách thập phương đối với vùng đất giàu truyền thống lịch sử, cách mạng, đậm đà sắc thái văn hoá dân gian.

Đến với Lễ hội, mọi người mong sao cuộc sống có nhiều thay đổi tốt đẹp. Con người lại tìm về cội nguồn, nhớ đến tổ tiên, nhắc nhở về lịch sử và truyền thống hào hùng của dân tộc qua những hình thức của lễ hội và sinh hoạt văn hóa dân gian. Vào mùa xuân, mùa của lễ hội với khách thập phương dập dìu nô nức chờ đón…

Nam Định – Vùng đất của những lễ hội - Hình 2

Lễ hội khai ấn đền Trần – mảnh ghép tâm linh đất Thành Nam

Du xuân trên đất Nam Định còn rất tưng bừng ở Khu di tích đền Trần- chùa Tháp, người Việt nào cũng ước ao có một lần trong đời được dâng nén tâm hương đầu tiên trong năm mới tại Đền thờ Quốc công Tiết chế Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn và tham dự lễ Khai ấn đầu năm- một phong tục đặc sắc được truyền lại từ đời vua Trần. 

Theo nhân dân kể lại, dịp đầu năm tại Đền Trần dân làng Tức Mặc bao giờ cũng tổ chức khai ấn. Buổi lễ trọng thể này được diễn ra vào giữa đêm 14 và mở đầu cho ngày 15 tháng giêng đây là sự hồi ảnh của tập tục cổ. Lễ rước ấn bắt đầu từ đền Cố Trạch sang đền Thiên Trường.

Sau đó, hòm ấn được đặt trang trọng trên ban thờ, trong hòm có hai con dấu. Quả nhỏ trên mặt khắc hai chữ “Trần Miếu”, quả lớn có khắc những chữ: “Trần Triều Tự Điển, Tứ phúc vô cương” theo kiểu chữ triện. Đúng giờ tý (12 giờ đêm) buổi lễ bắt đầu một cụ cao niên nhất đứng ra thay mặt dân làng làm lễ.

Tiếp đó, người rước hòm ấn đi theo nhịp trống, chiêng cùng ánh đèn, nến, tiến sang đền Thiên Trường tiếp tục làm lễ, cuối cùng là tổ chức đóng dấu son đỏ trên các tờ giấy vàng chia phát cho những người tham gia dự buổi lễ, chia về treo tại nhà để cầu phúc, cầu may, tránh mọi hoạn nạn rủi ro trong năm. 

Lễ khai ấn là một tập tục văn hóa mang tính nhân văn để nhà vua tế lễ Trời, Đất, Tiên tổ thể hiện lòng thành kính biết ơn non sông, cha ông. Và cũng là tín hiệu nhắc nhở chấm dứt ngày Tết, thực sự bắt tay vào công việc.

Cùng với các lễ hội đầu xuân của địa phương, lễ Khai ấn đền Trần ngày càng thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân và du khách thập phương, bởi nó mang đậm nét văn hoá cổ truyền và ý nghĩa tâm linh đối với mỗi người.

Nam Định – Vùng đất của những lễ hội - Hình 3

Lễ hội mùa Xuân ở Nam Định mang đậm tính nhân văn, thể hiện ước nguyện cầu phúc, cầu lộc, cầu may trong dịp đầu năm mới 

Trong dịp đầu năm, tại Nam Định còn có lễ hội Phủ Dầy – quần thể tín ngưỡng truyền thống, được tổ chức quy mô và thu hút rất nhiều du khách. Lễ hội Phủ Dầy được tổ chức để tôn vinh Thánh Mẫu Liễu Hạnh, là một vị thần chủ trong tứ bất tử của người Việt Nam và của tín ngưỡng thờ Mẫu truyền thống.

Lễ hội diễn ra trong 10 ngày, mùng 1 là ngày khai hội, mùng 2 là làng Tiên Hương tổ chức rước nước, mùng 3 là ngày dâng lễ vật với bánh dầy, lợn, xôi, hoa quả, rượu,… Đến ngày mùng 4 là chính giỗ ở phủ Vân Cát và rước Thánh Mẫu lên chùa Dần vào ngày mùng 5.

Vào ngày mùng 6, phủ Tiên Hương tiếp tục rước Thánh Mẫu xuống chùa Gôi. Nghi thức rước Thánh được tổ chức long trọng trong không khí thành kính, trang nghiêm, gợi nhắc cội nguồn. Cùng với phần lễ, hầu bóng cũng là một nét đặc trưng của đạo Mẫu Việt Nam.

Không chỉ là vùng đất của những lễ hội, Nam Định còn được biết đến là vùng đất  đặc trưng với những món ăn, những đặc sản nổi tiếng làm nên thương hiệu cho vùng đất Thành Nam như phở Nam Định, bánh cuốn làng Kênh, bánh gai bà Thi, Kẹo lạc Sìu Châu, nem nắm Giao Thuỷ, gạo tám xoan Xuân Đài, huyện Xuân Trường… Nam Định còn nhiều điều thú vị đang chờ đón du khách đến trải nghiệm.

Ngọc Linh