THCL - Thủ tướng Nhật Bản sẽ dùng con bài kinh tế là gói đầu tư vào vùng Viễn Đông và ngành CNTT để trao đổi lấy 4 hòn đảo tranh chấp.
Mới đây, tờ Izvestia của Nga có bài viết cho rằng Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe được cho là sẽ đề nghị Tổng thống Nga Putin trả lại quần đảo Kuril (Nhật Bản gọi là vùng lãnh thổ phía Bắc) để đổi lấy một gói đầu tư cơ sở hạ tầng khổng lồ vào khu vực Viễn Đông và ngành công nghệ thông tin của Nga.
Tờ báo viết: "Nhật Bản sẽ tập trung vào 2 đảo nhỏ thuộc quần đảo Kuril là Shikotan và Habomai. Mục tiêu chính của Tokyo, đó là bắt đầu tiến trình trao đổi hoặc ít nhất là thảo luận về đề xuất này với Nga trong chuyến công du Nhật Bản của Tổng thống Putin vào tháng 12.
Nhật Bản đã sẵn sàng đầu tư vào vùng Viễn Đông của Nga và Tokyo sẽ xây dựng cơ sở hạ tầng trong dài hạn”.
Vùng đảo tranh chấp giữa Nga- Nhật lâu nay. Ảnh: Stratfor
Bên cạnh đó, Nhật Bản cũng muốn đầu tư vào ngành CNTT của Nga, tổng giá trị đầu tư có thể đạt tới mức 200 tỉ USD trong vòng 10 năm để đổi lấy được quần đảo Kuril.
Tổng thống Nga Vladimir Putin từng khẳng định rằng, Moscow không trao đổi chủ quyền với lợi ích kinh tế, tuy nhiên, sẵn sàng đàm phán với Nhật Bản về vấn đề quần đảo Kuril.
Trung tâm nghiên cứu phương Đông Ba Lan (OSW) của chuyên gia Witold Rodkiewicz cho rằng, trong cuộc gặp hồi đầu tháng 9 tại Vladivostok (Nga) Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã thống nhất chuyến thăm chính thức tới Nhật Bản của ông Putin sẽ diễn ra vào ngày 15/12.
Thủ tướng Abe cũng tuyên bố Tokyo sẵn sàng tăng cường hợp tác kinh tế với Nga mà không đợi cho tới khi tìm được giải pháp cho tranh chấp quần đảo Kuril. Trong khi đó, Tổng thống Nga không loại trừ khả năng Moskva sẽ chấp nhận thỏa hiệp trong việc giải quyết tranh chấp quần đảo trên trong trường hợp quan hệ kinh tế song phương được củng cố.
Các động thái trên chỉ là một phần trong tiến trình cải thiện quan hệ Nga-Nhật Bản do Thủ tướng Abe khởi xướng từ năm 2013. Tiến trình này bị đóng băng khi Nhật Bản tham gia cùng các nước phương Tây trong việc trừng phạt kinh tế đối với Nga liên quan đến việc sáp nhập bán đảo Crimea năm 2014.
Tuy nhiên nó đã được khôi phục lại sau chuyến thăm tới Sochi (Nga) của Thủ tướng Abe hồi đầu tháng 5 năm nay.
Quan hệ Nhật Bản - Nga ấm lên: Giải quyết bài toán Trung Quốc
Vùng Viễn Đông của Nga giáp ranh Trung Quốc có diện tích 6.2 triệu km² nhưng dân cư thưa thớt và kinh tế trì trệ đang là điểm yếu của Nga. Năm 2010, Công báo Nga từng đề nghị chính phủ Nga nhờ Nhật Bản ngăn chặn nguy cơ Trung Quốc tại khu vực này.
Gần đây, vai trò của Nga trong ván cờ Trung – Nhật nổi lên mạnh mẽ: Trung Quốc muốn lôi kéo Nga trợ giúp trong trò chơi bành trướng tại Biển Đông nhằm chống lại liên minh Mỹ - Nhật.
Còn Nhật Bản thì bất chấp phản đối của Mỹ, muốn thực hiện kế hoạch hợp tác toàn diện với Nga. Từ hành động của Nhật, có quan điểm cho rằng Nhật Bản đang muốn bắn một mũi tên trúng hai đích: thứ nhất, dùng hợp tác kinh tế để giải quyết vấn đề chủ quyền lãnh thổ với Nga, thứ hai là bao vây Trung Quốc.
Bên cạnh đó, Nga còn thực hiện nhiều kế hoạch khác trong ứng phó Trung Quốc, tiêu biểu như bán máy bay chiến đấu hiện đại cho Ấn Độ và Việt Nam, tác động vào tình hình an ninh Trung Quốc.
Đề nghị của Nhật Bản đã đáp ứng mong mỏi của Nga, mở cánh cửa tháo gỡ khó khăn cho Nga trước tình trạng bị các nước phương Tây cấm vận.
Tổng thống Nga và Thủ tướng Nhật Bản thân thiết .
Chuyến thăm của ông Putin vào tháng 12 tới sẽ là chuyến thăm đầu tiên của Tổng thống Nga kể từ khi ông Abe lên nắm quyền vào cuối năm 2012, mặc dù ông Abe đã nhiều lần thăm Nga, tìm kiếm quan hệ thân thiết hơn với Nga để chống lại ảnh hưởng của nước láng giềng to lớn đang gia tăng sức ép trong khu vực Đông Bắc Á.
Trong cuộc gặp, lãnh đạo hai nước đã nhất trí chuyến thăm chính thức Nhật Bản của Tổng thống Nga Putin sẽ diễn ra vào ngày 15/12 tại thành phố Yamaguchi - quê hương của Thủ tướng Abe.
Cựu nghị sĩ Nhật Bản, ông Muneo Suzuki cho rằng, các mối quan hệ kinh tế rộng lớn hơn với mục đích tìm kiếm giải pháp cuối cùng về tranh chấp các đảo ở Tây Thái Bình Dương là điều có ý nghĩa, bởi các nguồn tài nguyên năng lượng của Nga và công nghệ cũng như đầu tư của Nhật Bản là rất thích hợp với nhau.
Viện nghiên cứu chiến lược London (IISS) thì bình luận rằng, Nhật và Nga có thể chia sẻ mối quan ngại chung đối với một số nước trong khu vực đang nổi lên, có lực lượng quân sự mạnh cùng với xu hướng dân tộc chủ nghĩa, nên trong toan tính cân bằng quyền lực ở châu Á- Thái Bình Dương thì hai cường quốc này không thể không xích lại gần nhau.
Đông Phong – Đất Việt