Cụ thể, nền kinh tế Đông Nam Á dự kiến sẽ tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) với tốc độ trung bình hằng năm là 5,1%. Việt Nam và Philippines sẽ dẫn dắt tăng trưởng của khu vực với tốc độ tăng trưởng trên 6% ở mỗi nước. Indonesia sẽ bám sát phía sau với mức tăng trưởng 5,7%.
Báo cáo của Ngân hàng DBS (Singapore) còn thể hiện, nền kinh tế Thái Lan được dự báo sẽ tăng trưởng trung bình 2,8% mỗi năm trong thập niên tới. Theo đó, các động lực tích cực tại Thái Lan là sự phục hồi của ngành du lịch, vị thế trung tâm ô tô quan trọng trong khu vực với cơ sở hạ tầng được kết nối tốt và thực tế là các tập đoàn lớn hàng đầu của xứ chùa vàng như: Charoen Pokphand, Central Group, PTT, Siam Cement và Thai Union mang tính khu vực hơn so với các doanh nghiệp ở Đông Nam Á.
Tuy nhiên, các yếu tố tiêu cực vẫn tồn tại là bối cảnh chính trị không chắc chắn, cùng mối lo ngại về việc hợp nhất trong các lĩnh vực quan trọng bao gồm bán lẻ và viễn thông cũng như thách thức về nhân khẩu học.
Năm 2023, FDI vào 6 nền kinh tế Đông Nam Á gồm: Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam - lên tới 206 tỷ USD.
Các nền kinh tế Đông Nam Á cũng cần giải quyết các yếu tố cơ bản về kinh tế và kinh doanh bằng cách tăng đầu tư vốn con người (giáo dục, đào tạo nghề, sức khỏe người lao động) và quản trị tốt.
Giám đốc điều hành và nhà kinh tế trưởng tại Ngân hàng DBS Taimur Baig cho biết, xu hướng bảo hộ và hướng nội ngày càng tăng của nền kinh tế toàn cầu ít có khả năng thay đổi trong thời gian tới.
Tuy nhiên, ông lưu ý, hầu hết các nền kinh tế và các doanh nghiệp ở Đông Nam Á đều có điều kiện thuận lợi để tìm kiếm cơ hội khi việc phân bổ vốn được điều chỉnh lại theo các khu vực địa lý và lĩnh vực, đồng thời đối phó với sự gián đoạn công nghệ và biến đổi khí hậu.
PV (t/h)