THCL Việc thu thập chứng cứ trong nhiều vụ án rất khó thực hiện dẫn tới việc các cơ quan tiến hành tố tụng cho rằng không có căn cứ để xử lý.
Tâm lý e ngại khiến nhiều vụ xâm hại tình dục trẻ em khó bị phát hiện (Ảnh minh họa)
Cùng với sự lên tiếng mạnh mẽ của dư luận xã hội và sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, nhiều vụ xâm hại trẻ em đang được đưa ra khởi tố, điều tra, xét xử.
Tâm lý e ngại nên khó bị phát hiện
Là luật sư từng tham gia bảo vệ bị hại trong các vụ án xâm hại trẻ em, luật sư Tạ Ngọc Vân (luật sư của Tổ chức trẻ em Rồng Xanh) chia sẻ, ông không khỏi đau xót và căm phẫn khi nhiều trẻ em đang bị các đối tượng xấu lợi dụng sự ngây thơ, non nớt của các em để thực hiện hành vi phạm tội.
Hậu quả của hành vi xâm hại tình dục không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, danh dự, nhân phẩm mà còn tác động lâu dài đến tâm lý của các em. Những vết thương về tinh thần của các em phải mất rất nhiều thời gian mới được chữa lành.
Có nhiều em trước khi bị xâm hại là một đứa trẻ vui vẻ, hoạt bát, nhưng sau đó bị bệnh trầm cảm, cắt da thịt tự hủy hoại bản thân, thậm chí có nhiều em có ý định hoặc thực hiện hành vi tự tử.
Không chỉ bản thân các em phải gánh chịu nỗi đau cả về thể xác lẫn tinh thần, mà gia đình các em ngoài việc phải giúp các em vượt qua khó khăn, tránh lời điều tiếng của cộng đồng, còn phải tham gia vào một hành trình pháp lý phức tạp, mệt mỏi để đòi công lý.
Theo luật sư Tạ Ngọc Vân, có rất nhiều khó khăn khiến những vụ án xâm hại trẻ em khó bị phát hiện; hoặc phát hiện được nhưng không được giải quyết hoặc giải quyết không khách quan. Trước hết là tâm lý xấu hổ, e ngại, không muốn đứng ra tố cáo khi sự việc bị phát hiện của gia đình bị hại. Hay như, có những gia đình bị đe dọa không dám tố cáo. Đây là một trong những lý do chính khiến những vụ xâm hại trẻ em khó bị phát hiện.
Quy định của luật chưa rõ ràng, thống nhất
Bên cạnh đó, theo luật sư Tạ Ngọc Vân, quy định của luật về chứng cứ để chứng minh các tội phạm liên quan đến xâm hại tình dục trẻ em không rõ ràng. Sự việc xảy ra sau một thời gian mà không được phát hiện hoặc tố cáo sẽ rất khó để thu thập chứng cứ (giám định, truy nguyên mẫu tinh dịch…).
Trong những vụ án hiếp dâm, đặc biệt là các vụ án dâm ô (hành vi dâm ô chỉ là “sờ nắn bên ngoài bộ phận sinh dục” nhưng không nhằm mục đích giao cấu), việc chứng minh được đối tượng “có sờ nắn hay không” hoặc có phạm tội hay không là rất khó khăn, vì hành vi chỉ xảy ra ở bên ngoài. Đôi khi sự việc chỉ dựa vào lời khai của nạn nhân khiến các cơ quan tiến hành tố tụng cho rằng, không có căn cứ để xử lý vụ việc.
Một điểm đáng chú ý nữa đó là trong các vụ án nạn nhân bị xâm hại là trẻ em nam, quy định của pháp luật cũng không rõ ràng và thống nhất. Trong khi BLHS có 10 tội liên quan đến hành vi “giao cấu”, nhưng trong các vụ án nạn nhân là trẻ em nam hoặc nam giới nói chung bị “giao cấu trái ý muốn”, các cơ quan chức năng chỉ xử lý được một hành vi “Dâm ô trẻ em” theo Điều 116 BLHS, với khung hình phạt cao nhất là 12 năm tù.
Lý do là hành vi “giao cấu” hiện vẫn được hiểu là “sự cọ xát dương vật vào bộ phận sinh dục người phụ nữ…”. Tức là, chủ thể phạm tội hiếp dâm chỉ có thể thuộc giới tính nam và nạn nhân thuộc giới tính nữ.
Luật sư Tạ Ngọc Vân cho rằng, trước thực tế các vụ án liên quan đến xâm hại tình dục hiện nay, các quy định trong luật cần được nới rộng phạm vi hơn bởi những đối tượng đồng tính xâm hại trẻ em nam thì không thể có hành vi “giao cấu”, dù hậu quả của những vụ việc lại vô cùng đáng sợ.
Trong khi đó, nữ giới hoặc trẻ em gái bị đối tượng dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực buộc phải giao cấu (thỏa mãn nhu cầu tình dục) trái với ý muốn thì rất có thể đối tượng sẽ phải chịu khung hình phạt cao nhất, như chung thân hoặc tử hình (Khoản 4 Điều 112, Tội hiếp dâm trẻ em; Khoản 3 Điều 114, Tội cưỡng dâm trẻ em - BLHS).
Bồi thường còn rất thấp
Luật sư Vân cũng cho rằng, các quy định của luật đối với người tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại trong các vụ án xâm hại tình dục còn quá nhiều bất cập. Cụ thể, BLTTHS hiện hành không quy định rõ thời điểm tham gia của luật sư là người bảo vệ quyền lợi cho bị hại cũng như thủ tục tham gia bảo vệ khiến cho quyền của người bảo vệ quyền lợi cho bị hại hạn chế rất nhiều, trong đó có việc không được tiếp xúc với bị can, bị cáo, không được tham gia ngay từ khi khởi tố vụ án, khởi tố bị can.
Đặc biệt, trong những vụ án, bị hại là người chưa thành niên thì không được chỉ định để bảo vệ quyền lợi. Trong khi bị cáo là người chưa thành niên được trợ giúp pháp lý và được chỉ định luật sư.
Việc xâm hại tình dục trẻ em để lại hậu quả rất lâu dài, gia đình và bị hại đôi khi không thể cảm nhận ngay được. Và cũng không có gì có thể bù đắp được những vết thương về thể chất và tinh thần mà bị hại và người thân của họ phải gánh chịu. Theo luật sư Tạ Ngọc Vân, việc quy định bồi thường thỏa đáng cho bị hại và người thân của họ là cần thiết, góp phần xoa dịu nỗi đau của họ.
Tuy nhiên, quy định của luật về bồi thường thiệt hại cho sức khỏe, danh dự, nhân phẩm và tổn thất tinh thần của nạn nhân bị xâm hại còn rất thấp, chưa kể cũng không có quy định bồi thường tổn thất tinh thần cho gia đình, người thân của nạn nhân – những người cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng của tội phạm xâm hại tình dục.
Luật sư Vân cũng kiến nghị, ngoài việc xử lý hành vi phạm tội, cần có cơ chế giám sát đối tượng đã từng phạm tội liên quan đến xâm hại tình dục trẻ em, kể cả những đối tượng chưa đủ điều kiện xử lý hình sự: ví như cấm đảm nhiệm hoặc làm những nghề liên quan đến trẻ em; cấm đến gần những nơi có nhiều trẻ em. Đồng thời phải có thông báo và lập danh sách rõ ràng những đối tượng này để chính quyền nơi cư trú, tạm trú của đối tượng quản lý.
Theo VOV