THCL Hai tỉnh Bình Định và Cần Thơ vừa đưa ra quyết định sẽ “khai tử” Dự án Nhà máy Lọc hóa dầu Nhơn Hội và Dự án Nhà máy Lọc dầu Cần Thơ. Đây được coi là những siêu dự án có vốn đầu tư lên tới hàng nghìn tỷ đồng.

Tại phiên giải trình ở kỳ họp thứ 2 - Khóa 12 HĐND tỉnh (nhiệm kỳ 2016 - 2021) sáng 22/7, ông Hồ Quốc Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định xác nhận, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đồng ý chấm dứt thu hút Tổ hợp Dự án lọc hóa dầu Nhơn Hội.

Nguyên nhân chính do dự án này đến nay không đảm bảo tính khả thi và thời gian chờ đợi đối tác đầu tư quá dài và không đạt kết quả nên đã ảnh hưởng đến việc thu hút đầu tư của các đối tác khác vào đầu tư tại khu kinh tế Nhơn Hội. Thứ hai, nếu dự án Tổ hợp lọc hóa dầu Nhơn Hội đầu tư sẽ ảnh hưởng đến môi trường, nhất là đối với TP. Quy Nhơn vì đây là một địa điểm nhạy cảm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường.

Vì vậy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy quyết định không đi theo hướng đầu tư dự án lọc hóa dầu mà sẽ chuyển hướng vào đầu tư du lịch. Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng quyết định không cho các nhà đầu tư cấp 1 thu hút các dự án lọc hóa dầu vào Khu kinh tế Nhơn Hội. Đồng thời, đề nghị Chính phủ đưa ra khỏi quy hoạch khu kinh tế Nhơn Hội là các dự án lọc hóa dầu.

Có thể thấy rằng, nếu siêu dự án này dừng, Bình Định sẽ mất đi một đòn bẩy lớn cho sự phát triển kinh tế của địa phương. Tuy nhiên, có thể đây lại là tin vui với cả nước nói chung. Bài học về Formosa đã nhắc nhở rằng cái giá phải trả để thu hút một dự án lớn là quá đắt. Từ lâu, nhiều chuyên gia kinh tế đã lên tiếng phản đối chuyện các địa phương đua nhau thu hút các dự án lọc hóa dầu. Không phải họ không nhìn thấy nguồn lợi mà những dự án này mang lại, nhưng điều họ quan ngại là những tác động về môi trường mà một dự án lọc hóa dầu có thể gây ra.

“Thái Lan cũng đang rất cần vốn đầu tư nước ngoài. Tại sao một tập đoàn của Thái Lan lại mang hàng chục tỷ USD sang Việt Nam để xây nhà máy lọc hóa dầu mà không xây ở Thái Lan?”, Giáo sư Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đặt câu hỏi.Theo ông Mại, chỉ có thể lý giải là vì người Thái cũng không muốn đặt một nhà máy lọc hóa dầu quy mô lớn như vậy trên đất họ, và họ muốn chuyển rủi ro tiềm ẩn của nhà máy sang một nước khác.

Những siêu dự án lọc hóa dầu bị “khai tử” - Hình 1

Ảnh minh họa

Không chỉ có Bình Định, mới đây, Cần Thơ cũng đã “khai tử” Nhà máy Lọc dầu Cần Thơ vì chủ đầu tư không thực hiện dự án theo tiến độ đăng ký với cơ quan đăng ký đầu tư theo quy định tại Luật Đầu tư 2014.

Theo Sở KH&ĐT Cần Thơ, Dự án Nhà máy Lọc dầu Cần Thơ có công suất 2 triệu tấn/năm, được cấp giấy chứng nhận đầu tư vào ngày 19/5/2008, vốn đầu tư đăng ký 538 triệu USD.

Dự án này, do Công ty TNHH Nhà máy Lọc dầu Cần Thơ - Liên doanh giữa Công ty CP Đầu tư Thương mại Viễn Đông góp 30% vốn điều lệ và Công ty Semtech Limited B.V.I của Mỹ (góp 70% vốn điều lệ).

Theo phê duyệt, nhà máy được xây dựng tại Khu công nghiệp Ô Môn (quận Ô Môn), sử dụng đất 250 ha, công suất 2 triệu tấn/năm sản xuất ra xăng A95, dầu diesel, dự kiến đi vào hoạt động sau 24 tháng xây dựng cơ bản vận hành thử. Tuy nhiên, do khó khăn về tài chính, tháng 11/2009, Công ty Semtech Limited B.V.I đã rút khỏi liên doanh, buộc chủ đầu tư phải tìm đối tác khác để thực hiện dự án; đồng thời xin điều chỉnh dự án xuống còn quy mô 50 ha, giảm vốn đầu tư còn 350 triệu USD.

Tháng 6/2015, Công ty Razeedland Plaza SDN. BHD (Vương quốc Brunei Darussalam) được chấp thuận là đơn vị liên doanh tại dự án trên. Tuy nhiên, kết quả cũng không sáng sủa là bao.

Có thể thấy rằng, Dự án Nhà máy Lọc dầu Cần Thơ là dự án FDI có vốn đầu tư lớn nhất trong các dự án FDI đầu tư vào Cần Thơ từ trước đến nay, chiếm đến 80% so với tổng nguồn vốn FDI đăng ký đầu tư vào Cần Thơ tại thời điểm 2008. Dự kiến, dự án sẽ đi vào hoạt động sau 24 tháng thi công và vận hành thử.

Đáng lưu ý, kể từ khi được cấp chứng nhận đầu tư, chủ đầu tư phía Việt Nam đã 3 lần xin thay đổi đối tác liên doanh. Dự án Nhà máy Lọc dầu Cần Thơ cũng từng xin điều chỉnh giảm vốn từ 538 triệu USD xuống còn 350 triệu USD, diện tích thuê đất giảm từ 250 ha xuống còn 50 ha, nhưng công suất vẫn giữ nguyên 2 triệu tấn/năm, giai đoạn 1 chỉ thực hiện 1 triệu tấn/năm.

Đầu năm 2015, do dự án quá chậm trễ nên Sở KH&ĐT Cần Thơ đã tiến hành các thủ tục để trình UBND thành phố ra quyết định thu hồi Dự án Nhà máy Lọc dầu Cần Thơ; tuy nhiên thời điểm này, đối tác Brunei đã xuất hiện nhưng kết quả cuối cùng, dự án vẫn bị "khai tử" vì không thực hiện dự án theo tiến độ đăng ký với cơ quan đăng ký đầu tư theo quy định.

Theo thống kê, hiện nay có khá nhiều dự án lọc hóa dầu vẫn trì trệ, thậm chí nhiều dự án vẫn còn nằm trên giấy như Dự án Long Sơn (Bà Rịa - Vũng Tàu) cũng đã trì hoãn 8 năm, trong đó có nguyên nhân, Tập đoàn Qatar Petroleum (Qatar) đã rút khỏi dự án vào năm 2015.

tại Dự án lọc dầu Vũng Rô, chủ đầu tư là Technostar Management Limited từng cho biết sẽ đưa nhà máy vào hoạt động năm 2016 sau gần 10 năm trì hoãn, nhưng lại tiếp tục trễ hẹn, dự án vẫn chỉ nằm trên giấy.

Dự án này có công suất dự kiến 8 triệu tấn dầu thô, diện tích sử dụng 538 ha, trong đó đất xây dựng nhà máy 404 ha, đất mặt bằng xây dựng cảng Bãi Gốc 134 ha. Ngoài ra, Vũng Rô Petroleum cũng được phê duyệt sử dụng từ 500 ha đến 1.300 ha diện tích mặt nước. Tuy nhiên, dự án chưa thể triển khai do địa phương chưa bàn giao được mặt bằng cho chủ đầu tư...

Ngọc Linh