Cơ quan Trung ương của Hiệp hội Chống hàng giả & Bảo vệ thương hiệu Việt Nam
  • Click để copy

Nữ Giám đốc Trung tâm Vì Ngày Mai: “Hãy sống vì ngày mai”

Ở tuổi gần thất thập, sức khỏe của chị Hiền ngày càng giảm sút. Nhìn vào đôi mắt người nữ giám đốc đầy nghị lực ấy, tôi biết rằng, chị đã - đang và sẽ sống hết mình để có thể dang tay đón thêm nhiều mảnh đời bất hạnh…

Kỳ 2: Tâm huyết & kỳ vọng   

Ở tuổi gần thất thập, sức khỏe của chị Hiền ngày càng giảm sút. Nhìn vào đôi mắt người nữ giám đốc đầy nghị lực ấy, tôi biết rằng, chị đã - đang và sẽ sống hết mình để có thể dang tay đón thêm nhiều mảnh đời bất hạnh…

Nữ Giám đốc Trung tâm Vì Ngày Mai: “Hãy sống vì ngày mai” - Hình 1

Giám đốc Trung tâm Vì Ngày Mai Lê Minh Hiền

Chắp cánh những ước mơ   

Có lẽ, xuất phát từ tấm gương vượt qua khó khăn vươn lên - với tấm lòng thơm thảo của người mẹ mà các con của chị đều học giỏi, phương trưởng…

Những người con của chị đều trưởng thành và không ai muốn mẹ mình phải vất vả, lao tâm khổ tứ. Nhưng chị nói: “Mẹ có thể nghỉ, Trung tâm Vì Ngày Mai có thể đóng cửa, nhưng hàng trăm em bơ vơ thì ai có thể giúp đỡ, cưu mang? Cả cuộc đời mẹ, đã dành tình cảm, sự yêu thương không chỉ cho những người con ruột thịt, mà còn cho các em khuyết tật. Trung tâm là tâm huyết cả đời, nếu mất đi thì rất tiếc. Trung tâm lại có cả trẻ mồ côi, không có ai duy trì trung tâm thì những đứa trẻ đó sẽ biết đi về đâu?”.

Chỉ một chi tiết đó thôi, cũng đủ thấy, nữ doanh nhân - Giám đốc Lê Minh Hiền là một người phụ nữ đáng để cho chúng ta, những người bình thường cảm phục, tin yêu. Chị gắn với trung tâm, không đòi hỏi một điều gì cho riêng mình. Chị mời gọi những người khuyết tật thành nghề về dạy cho các em, còn mình dù sức khỏe yếu vẫn chạy đôn chạy đáo khắp nơi tìm kiếm nguồn tiêu thụ hàng hóa, tạo thêm nhiều việc làm cho người khuyết tật.

Còn có một điều kỳ diệu nữa mà người nữ Giám đốc Lê Minh Hiền đã làm được và không phải trung tâm hỗ trợ người khuyết tật nào cũng có thể làm được: chị đã trực tiếp đứng ra làm “cầu nối” kết duyên cho hơn 30 cặp vợ chồng tại chính mái nhà Vì Ngày Mai.

Có người thắc mắc: Đã là người khuyết tật (nhất lại là khuyết tật bẩm sinh), “kết tóc xe duyên” liệu có nên?

Chị Hiền từ tốn: Đối với những người không may bị khuyết tật, lâu nay - gia đình và xã hội thường có cái nhìn khác về họ; chưa hiểu hết về họ, chưa thấu đáo đúng vị trí của họ; thậm chí có người nhìn nhận “đã là người khuyết tật thì còn lấy vợ lấy chồng làm gì” và rằng “người khuyết tật là gánh nặng của xã hội”... Song, ít ai nhìn thấy ở họ một ý chí và nghị lực vươn lên rất cao nếu được tạo điều kiện thuận lợi…

Bằng chứng là, những ngày đầu, đến với Trung tâm Vì Ngày Mai, các em còn bỡ ngỡ, lạ lẫm. Có em, sau nhiều năm chỉ biết quanh quẩn trong 4 bức tường, có em chưa được một ngày đến trường, nhiều em chưa học hết cấp tiểu học… Nhưng đến với Trung tâm Vì Ngày Mai, hết thảy mọi người đều được hòa nhập, được học nghề, có việc làm, có cuộc sống ổn định - bớt gánh nặng cho gia đình và xã hội.

Vì vậy, để các em học nghề và làm việc được, trung tâm phải tổ chức các lớp dạy văn hóa giúp mọi người đọc thông viết thạo, được học ngôn ngữ ký hiệu của người khiếm thính, được học kỹ năng giao tiếp, ứng xử, được biết cách chăm sóc sức khỏe vị thành niên…

Hoạt động chính của trung tâm là dạy nghề. Với trình độ văn hóa thấp, với kiến thức và hiểu biết xã hội của các em còn hạn chế, không chỉ đội ngũ giáo viên là những nghệ nhân giỏi, tâm huyết nhiệt tình, mà còn đòi hỏi phải có phương pháp dạy sao cho dễ học, dễ tiếp thu mà sau này các em dễ tìm được việc làm - đó là những nghề thủ công truyền thống may, thêu, mỹ nghệ…, dạy theo phương pháp “cầm tay chỉ việc”.

Với yêu cầu của doanh nghiệp chỉ cần các em làm được thuần thục một công đoạn nào đó trong dây chuyền - là coi như các em đã có nghề và nhận vào làm việc. Song, cơ hội để thăng tiến là điều hiếm hoi.

“Ban lãnh đạo kỳ vọng, sau này khi các em rời trung tâm là đã lớn lên rất nhiều, biết nuôi cho mình những hoài bão, những ước mơ như bao người khác. Các em có kiến thức toàn diện hơn, năng động hoạt bát hơn để không những chỉ xin được việc làm tại doanh nghiệp, mà còn có thể tự tìm được cho mình các vị trí mơ ước tưởng như xa vời như tự lập xưởng sản xuất, trở thành những ông chủ, thợ giỏi…”, chị Hiền tâm sự.

Chính bởi phương pháp đó - đã giúp các em không chỉ dừng lại ở chỗ có việc làm cho mình, mà còn chắp thêm đôi cánh, hướng cho các em vươn tới ngày mai.   

Nhiều em đã trưởng thành từ mái ấm Vì Ngày Mai. Hai chị em nguyễn thị Thơm và Nguyễn thị Nhẫn (quê Nam Định), đều bị khiếm thính. Năm 2002, đến với trung tâm, sau 2 năm học đã thạo nghề thêu và làm hoa lụa thuần thục, về nhà đã tự mở xưởng làm hoa thu hút nhiều người. 

Nguyễn thị Thu Thương (Thương Thương), bị mắc căn bệnh xương thủy tinh, ngày đầu đến với Trung tâm Vì Ngày Mai còn là một cô bé nhút nhát, hay khóc. Vậy mà, chỉ sau 2 năm em đã lớn khôn rất nhiều, không những chỉ thông minh, tự sáng tạo ra nhiều sản phẩm đẹp, mà em còn vượt qua mọi rào cản, vượt qua chính mình - trở thành chủ cửa hàng bán tại nhà và bán qua mạng, chủ trang web Thương thương.net.

Đặng trần Thành, một chàng trai khôi ngô, bị khiếm thính. Nhờ đôi bàn tay khéo léo, trí thông minh, sau 3 năm đến với Trung tâm Vì Ngày Mai, nay là Giám đốc Công ty Thành – một trong những doanh nghiệp khiếm thính ở Hà Nội…

Những nỗi niềm trăn trở

Thời gian lặng lẽ trôi, dẫu sức khỏe không cho phép, nhưng nữ Giám đốc Lê Minh Hiền vẫn luôn ấp ủ những dự định cho tương lai. Chị ước ao, mong muốn mở rộng thêm cơ sở hạ tầng vật chất của Trung tâm Vì Ngày Mai để có thể tiếp nhận được nhiều em hơn nữa…

Vì Ngày Mai, một doanh nghiệp chan chứa tình người và hơn 450 khuôn mặt là hơn 450 câu chuyện khác nhau, 450 sự trưởng thành khác nhau. Sự thành công hôm nay, bên cạnh những nỗ lực vượt bậc của hết thảy mọi cán bộ, nhân viên trung tâm, còn có sự chung tay giúp đỡ của cộng đồng, của các tổ chức, các nhà tài trợ, các nhà hảo tâm, các tình nguyện viên trong nước và quốc tế…

Nhưng đối với Trung tâm Vì Ngày Mai, phía trước còn nặng trĩu nỗi lo... Năm 2010, vận dụng các văn bản luật, chính sách của Nhà nước đã ban hành, trong đó có chính sách ưu tiên cấp đất sạch cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh của người khuyết tật, nữ Giám đốc Lê Minh Hiền đã mạnh dạn lập đề án đề nghị Thành phố Hà Nội xem xét cấp đất để xây dựng một trung tâm đào tạo chuyên nghiệp về kỹ năng sống và nghề nghiệp, gắn với tạo việc làm bền vững cho người khuyết tật Thủ đô.

Đề án xin cấp đất, đã được thành phố 2 lần gửi công văn (có ý kiến chỉ đạo đồng thuận) đề nghị các sở, ban, ngành chức năng xem xét và trả lời. Kết quả, trung tâm đã được Sở Quy hoạch Kiến trúc giới thiệu mảnh đất khoảng 9.300 m2 tại xã Cổ Nhuế, huyện Từ Liêm (nay là phường Cổ Nhuế, Bắc Từ Liêm).

“Mừng đấy, nhưng thất vọng ngay bởi những thủ tục để được cấp đất vô cùng rườm rà, trong đó, phần quan trọng là cần phải chứng minh rõ năng lực tài chính. Với một trung tâm từ thiện - xã hội, để xây dựng được (nếu không nói tới việc cần sự hỗ trợ của Nhà nước), thì đã tự phải đi gõ cửa kêu gọi xã hội hóa.

Thực tế, trung tâm đã kêu gọi và vận động được một số nhà hảo tâm cam kết tài trợ, hoặc cam kết đồng hành để xây dựng một Trung tâm Vì Ngày Mai, phù hợp với đề án đã đề xuất, với điều kiện chỉ thực hiện khi được thành phố cấp đất…

Nghiệt ngã thay, với tập hồ sơ dày cộp, đủ các loại giấy tờ, thành phố yêu cầu nhất thiết phải có tiền thì mới được cấp đất, trong khi các nhà tài trợ nói “phải có đất thì mới cho tiền”… Vậy là mấy năm qua, dừng chân tại chỗ”, chị Hiền bày tỏ.

Hà Nội rất cần có một trung tâm chuyên nghiệp trong công tác đào tạo, dạy nghề, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người khuyết tật. Nó không những rất cần thiết, mà còn thể hiện là bộ mặt của một Thủ đô văn minh tiến bộ, thực hiện đúng Công ước quốc tế về quyền con người, về quyền của người khuyết tật và Luật Người khuyết tật Việt Nam. Tiếc rằng, trong khi văn bản chính sách nhà nước khá đầy đủ, nhưng công tác thực hiện thì còn quá ư phức tạp, máy móc, thậm chí rối rắm…

Nữ Giám đốc trăn trở: “Những căn phòng ọp ẹp, xây tạm trên đất thuê, trông không khác những túp lều giữa Thủ đô, chỗ ăn chỗ nghỉ chật chội, khổ hơn người dân ở miền núi, nếu mãi để như vậy thì tôi là người có tội. Không biết tôi có nên tiếp tục hay cho giải tán? Lý do phải giải tán không có gì khác chỉ vì tôi đã không biết cách?”.

Để tiếp tục thực hiện được những mục tiêu trên, Trung tâm Vì Ngày Mai đang rất cần và kêu gọi sự hỗ trợ của chính quyền các cấp, các cá nhân, các tổ chức trong và ngoài nước giúp đỡ về hạ tầng cơ sở, trang thiết bị máy móc, kinh phí tổ chức lớp dạy phổ cập văn hóa và tin học, các lớp dạy nghề và nâng cao tay nghề, giúp tiêu thụ sản phẩm để trung tâm ngày càng phát triển về quy mô và chất lượng.

Với sự hy sinh thầm lặng trong việc chăm sóc sức khỏe, dạy nghề và đào tạo việc làm cho thanh thiếu niên khuyết tật, Trung tâm Vì Ngày Mai đã được trao tặng nhiều danh hiệu cao quý:   

Năm 2011, Trung tâm được đánh giá là một trong 10 tổ chức của người khuyết tật tốt nhất tại Việt Nam. Tháng 11/2011, trung tâm là tổ chức đầu tiên của Việt Nam được nhận giải Beak-kang của Quỹ Vì phúc lợi xã hội (Hàn Quốc) dành cho những đóng góp những hy sinh thầm lặng cho cộng đồng. Năm 2012, trung tâm  được UBND Thành phố Hà Nội tặng Bằng khen trong công tác xây dựng,trợ giúp Người khuyết Tật giai đoạn 2009 – 2012. 

Trung tâm được Hội Cứu trợ trẻ em tàn tật Việt Nam tặng Bằng khen vì có nhiều thành tích trong hoạt động trợ giúp người khuyết tật. Năm 2013, trung tâm được vinh danh Top 100 Thương hiệu tin dùng Thủ đô; Top 50 Thương hiệu, Nhãn hiệu nổi tiếng 2013; được tôn Vinh Sản phẩm tinh hoa làng nghề Việt Nam, Sản phẩm sáng tạo trong “Ngày Phụ nữ sáng tạo năm 2013”…

Cá nhân nữ Giám đốc Lê Minh Hiền vinh dự nhận nhiều giải thưởng: Năm 2012, được cử là một trong hai phụ nữ khuyết tật Việt Nam tham dự Hội nghị Phụ nữ khuyết tật quốc tế tại Hàn Quốc; năm 2012 và 2014, được nhận bằng khen của Bộ Lao động – Thương binh & Xã hội vì có thành tích xuất sắc trong công tác đào tạo nghề và phục hồi chức năng cho người khuyết tật; tháng 8/2015, đạt danh hiệu “Vinh quang Việt Nam” nhân Kỷ niệm 70 năm thành lập nước và nhận Kỷ vật của Thủ tướng Chính phủ ký trao tặng…

Ghi chép của Xuân Phong

 

 

Bài liên quan

Tin mới

Nghị định về chuyển nhượng quyền thu phí sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ
Nghị định về chuyển nhượng quyền thu phí sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ

Chính phủ ban hành Nghị định số 44/2024/NĐ-CP quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.

Lạng Sơn: Phân công, điều động, bổ nhiệm một số cán bộ chủ chốt
Lạng Sơn: Phân công, điều động, bổ nhiệm một số cán bộ chủ chốt

Chiều 26/4, Tỉnh ủy Lạng Sơn tổ chức hội nghị công bố các quyết định của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về công tác cán bộ. Dự và chỉ đạo hội nghị có đồng chí Hoàng Văn Nghiệm, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lạng Sơn, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn.

Tập đoàn An Phát Holdings ghi nhận lợi nhuận sau thuế trong quý I/2024 đạt 133 tỷ, cao nhất từ khi niêm yết
Tập đoàn An Phát Holdings ghi nhận lợi nhuận sau thuế trong quý I/2024 đạt 133 tỷ, cao nhất từ khi niêm yết

Quý I/2024, Tập đoàn An Phát Holdings ghi nhận lợi nhuận sau thuế đạt 133 tỷ đồng. Đây cũng là quý có lợi nhuận sau thuế cao nhất kể từ khi niêm yết vào năm 2020.

Bắc Giang: Gặp mặt, tri ân các chiến sĩ Điện Biên
Bắc Giang: Gặp mặt, tri ân các chiến sĩ Điện Biên

Nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ 7/5 (1954 - 2024), ngày 26/4, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh Bắc Giang tổ chức gặp mặt, tri ân chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong (TNXP), dân công hỏa tuyến (DCHT) trực tiếp tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ.

ABBANK (ABB) đạt 178 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế trong quý I/2024
ABBANK (ABB) đạt 178 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế trong quý I/2024

Kết thúc quý I/2024, Ngân hàng TMCP An Bình (ABBANK - mã chứng khoán ABB) ghi nhận tăng mạnh số lượng giao dịch qua kênh ngân hàng số, tổng huy động và dư nợ tăng trưởng so với cùng kỳ năm 2023.

Tập đoàn Bảo Việt (BVH): Lợi nhuận hợp nhất quý I/2024 tăng trưởng 13%
Tập đoàn Bảo Việt (BVH): Lợi nhuận hợp nhất quý I/2024 tăng trưởng 13%

Tập đoàn Bảo Việt công bố kết quả kinh doanh quý I năm 2024 (trước soát xét), theo đó Công ty Mẹ và các đơn vị thành viên ghi nhận mức tăng trưởng khả quan với lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 617 tỷ đồng, tăng trưởng 13%; Tổng doanh thu hợp nhất đạt 14.066 tỷ đồng, tương đương cùng kỳ năm 2023.