Sẽ rà soát, đánh giá về nghĩa vụ nộp thuế của Grab

Trả lời báo chí tại họp báo thường kỳ quý II/2023 về việc đóng thuế của Công ty TNHH Grab Việt Nam, ông Vũ Chí Hùng - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết sẽ trao đổi với Cục thuế TP. HCM để chỉ đạo Chi cục thuế số 7 - Nhà Bè rà soát nghĩa vụ thuế của Grab.

Cụ thể, Công ty TNHH Grab là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đã hoạt động ở Việt Nam được gần 10 năm. Giai đoạn mới tiến vào thị trường, doanh thu của Grab năm 2014 chỉ ghi nhận 1,5 tỷ đồng. Song đến năm 2022, chỉ tiêu tài chính này đã tăng lên 6.384 tỷ đồng.

Đáng chú ý, Grab chưa phải nộp khoản thuế thu nhập doanh nghiệp nào cho Việt Nam, trong khi hàng năm vẫn chuyển hàng trăm tỷ đồng phí bản quyền, phí quản lý... cho hai công ty liên quan là GrabTaxi Holdings Pte Ltd (trụ sở ở Singapore) và Grab Inc (trụ sở ở Đảo Cayman, Anh).

Thực tế này khiến dư luận đặt ra nhiều câu hỏi về trách nhiệm rà soát nghĩa vụ nộp thuế đối với Grab của Tổng cục Thuế cũng như tính hiệu quả của các biện pháp chống chuyển giá, ngăn chặn thất thu thuế hiện nay của Bộ Tài chính đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

ông Vũ Chí Hùng - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết sẽ trao đổi với Cục thuế TP. HCM để chỉ đạo Chi cục thuế số 7 - Nhà Bè rà soát nghĩa vụ thuế của Grab
Ông Vũ Chí Hùng - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết, sẽ rà soát, đánh giá về nghĩa vụ nộp thuế của Công ty TNHH Grab. Ảnh KT

Về vấn đề này, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Vũ Chí Hùng khẳng định, Bộ Tài chính và ngành thuế luôn quan tâm công tác chống chuyển giá để ngăn thất thu thuế. Theo Luật Quản lý thuế, doanh nghiệp đầu tư kinh doanh tại Việt Nam thực hiện nghĩa vụ thuế theo hình thức tự khai tự nộp.

Với Grab, lãnh đạo Tổng cục Thuế cho biết sẽ trao đổi với Cục thuế TP. HCM để chỉ đạo Chi cục thuế số 7 - Nhà Bè (đơn vị quản lý Công ty TNHH Grab) rà soát, đánh giá về nghĩa vụ nộp thuế của Công ty TNHH Grab, đồng thời báo cáo ngay với Cục thuế TP. HCM để chuyển báo cáo lên Tổng cục Thuế.

Cần áp dụng những biện pháp của các nước tiên tiến

Theo PGS.TS Phạm Thế Anh - Kinh tế trưởng của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), trốn và gian lận thuế diễn biến ngày càng phức tạp, quy mô lớn. Doanh nghiệp FDI lợi dụng lỗ hổng trong quy định về hải quan và thuế để trốn và gian lận thuế. “chiêu trò” phổ biến là chuyển giá. Có đủ hình thức chuyển giá, thường gặp là các doanh nghiệp FDI lợi dụng góp vốn vào DN trong nước bằng máy móc, thiết bị công nghệ lạc hậu hoặc đã khấu hao hết nhưng được đẩy giá lên rất cao so với giá trị thực. Hoặc nâng chi phí đầu vào sản xuất cao hơn nhiều so với thực tế, từ đó kéo giảm lợi nhuận, thậm chí lỗ và trốn được trách nhiệm nộp thuế thu nhập doanh nghiệp...

Hình thức chuyển giá cũng rất phổ biến là chuyển nợ quốc tế. Các doanh nghiệp mẹ đặt ngoài Việt Nam lợi dụng quy định chi phí lãi vay được khấu trừ khỏi thu nhập thực tế, từ đó khuyến khích các công ty con tại các nước có thuế suất cao chuyển khoản nợ sang doanh nghiệp có mức thuế suất thấp để hưởng lợi khoản khấu trừ thuế, lãi vay đối với khoản nợ.

Chuyển thuế trong các doanh nghiệp FDI còn được thực hiện dưới hình thức họ sẽ tài trợ hoặc thực hiện nghiên cứu ở quốc gia có mức thuế suất cao, sau đó chuyển lợi nhuận về quốc gia có mức thuế suất thu nhập thấp để né tránh thuế.

Các doanh nghiệp FDI còn trốn thuế bằng cách lợi dụng quy định cho trì hoãn thuế từ khoản lợi nhuận công ty con chuyển về công ty mẹ. Các chi nhánh công ty con của doanh nghiệp FDI nếu như có lợi nhuận sẽ có hai lựa chọn, hoặc là chuyển về công ty mẹ dưới dạng chuyển cổ tức, hoặc là có thể giữ lại lợi nhuận này. Nếu chọn hình thức chuyển về công ty mẹ sẽ rất tốn kém và công ty mẹ sẽ phải chịu thuế thu nhập doanh nghiệp với mức thuế suất cao hơn so với công ty con. Do đó các công ty con thường giữ lại lợi nhuận này để chuyển sang tài sản thụ động, rồi cho công ty mẹ vay lại với lãi suất ưu đãi, sử dụng khoản lợi nhuận này tiếp tục đầu tư tại một nước khác có thuế suất cao hơn để hưởng khấu trừ thuế ở nước đó.

Grab
Đại diện Tổng cục Thuế (Bộ Tài Chính) cho biết, sẽ rà soát nghĩa vụ thuế của Grab. Ảnh: KT

PGS.TS Phạm Thế Anh cho rằng, để ngăn chặn việc doanh nghiệp FDI trốn thuế, cơ quan chức năng cần nghiên cứu áp dụng các biện pháp phòng chống trốn và tránh thuế đang áp dụng tại các nước tiên tiến. Như các nước châu Âu và Mỹ đặt ra quy tắc chi nhánh doanh nghiệp nước ngoài nhằm hạn chế chuyển lợi nhuận từ quốc gia có thuế suất cao sang quốc gia có thuế suất thấp.

Ngoài ra còn có các quy tắc như: giảm thiểu dàn xếp chênh lệch về thuế ở các quốc gia, hạn chế chuyển nợ quốc tế, lợi nhuận từ nước này sang nước kia; cho phép đánh thuế vào các tài sản sở hữu trí tuệ trước khi chuyển sang các quốc gia; đưa ra mức trần về lãi vay mới được khấu trừ vào khoản thu nhập trước thuế, hạn chế các công ty có vốn mỏng vay nhiều, lợi dụng khấu trừ khoản lãi vay để trốn thuế.

Áp dụng thuế suất thuế tối thiểu toàn cầu sẽ tăng thu ngân sách, hạn chế trốn thuế

Trước đó, sáng 29/11/2023, với 462/463 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, Quốc hội chính thức thông qua Nghị quyết 107/2023/QH15 về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu (thuế tối thiểu toàn cầu - TTTC).

Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2024, áp dụng từ năm tài chính 2024.

Theo lộ trình, thuế tối thiểu toàn cầu với mức 15% sẽ được áp dụng từ ngày 1.1.2024. Nếu doanh nghiệp nào đang được ưu đãi, đóng mức thuế thấp hơn 15% ở quốc gia mà họ đầu tư, sẽ phải nộp phần còn lại về cho quốc gia nơi họ có trụ sở chính. Quy định với các doanh nghiệp có doanh thu hợp nhất trên toàn cầu dưới 750 triệu euro sẽ không phải là đối tượng của sắc thuế này.

thuế suất thuế TTTC được áp dụng sẽ giúp tăng thu ngân sách và hạn chế trốn thuế
Việc áp dụng thuế suất thuế TTTC được áp dụng sẽ giúp tăng thu ngân sách và hạn chế việc các doanh nghiệp FDI trốn thuế. Ảnh: KT

Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, cho rằng hiện ưu đãi thuế của Việt Nam cho hoạt động đầu tư phổ biến là ưu đãi thời gian miễn, giảm thuế đối với đầu tư mới, đầu tư mở rộng. Cụ thể là miễn 4 năm, giảm 9 năm; miễn 2 năm, giảm 4 năm. Ngoài ra, một số tính toán cho thấy trong khi thuế suất phổ thông là 20% thì thuế thực tế với các doanh nghiệp có vốn FDI trong kỳ ưu đãi trung bình là 12,3%, trong đó một số tập đoàn lớn chỉ ở mức vài phần trăm.

Thế nên, về mặt tích cực, thuế suất thuế TTTC được áp dụng sẽ giúp tăng thu ngân sách và hạn chế trốn thuế, hạn chế tình trạng các quốc gia cạnh tranh thu hút đầu tư theo cách "đưa nhau xuống đáy". Song có thể một số tập đoàn lớn sẽ phải nộp thêm một phần thuế bổ sung ở nước mà họ có trụ sở chính. Như vậy, lợi ích trước đây là phần ưu đãi thuế doanh nghiệp được hưởng thì nay sẽ không còn nữa hoặc giảm đáng kể.

Lê Vũ