Ai là "ông chủ" thực sự của Grab?

Hãng xe công nghệ Grab được thành lập vào tháng 02/2014 với tên gọi ban đầu là Công ty TNHH GrabTaxi, sau đổi tên thành Công ty TNHH Grab, trụ sở tại TP. HCM, vốn điều lệ của doanh nghiệp này chỉ ở mức 20 tỉ đồng, do ông Nguyễn Tuấn Anh (đăng ký thường trú tại TP. HCM) góp 6,8 tỷ đồng, nắm giữ 34% vốn điều lệ; ông Nguyễn Phú Sinh (thường trú tại TP. Đà Nẵng) góp 6,6 tỷ đồng, chiếm 33% và Trần Anh Đức (thường trú tại tỉnh Quảng Bình) góp 6,6 tỷ đồng để nắm giữ 33% vốn điều lệ.

Tháng 03/2016, thành viên góp vốn của Grab có sự thay đổi, ông Nguyễn Tuấn Anh góp 9,9 tỷ đồng, chiếm 49,5% vốn điều lệ và Công ty Grab Inc góp 10,1 tỷ đồng để nắm giữ 50,5% vốn điều lệ của doanh nghiệp. Sau đó 1 tháng, Công ty Grab Inc đã giảm tỉ lệ sở hữu xuống còn 49% và ông Nguyễn Tuấn Anh tăng tỉ lệ năm giữ vốn của Grab lên 51%.

Vào tháng 03/2020, bà Lý Thụy Bích Huyền (trú tại TP. HCM) thay thế ông Nguyễn Tuấn Anh sở hữu 51% vốn điều lệ của Grab. Như vậy, Grab ban đầu là doanh nghiệp 100% vốn trong nước, sau đó nhà đầu tư nước ngoài là Grab Inc trở thành thành viên góp vốn chủ lực.

Dù là cổ đông sáng lập, nắm giữ lượng vốn điều lệ lớn, nhưng các khoản mục trong báo cáo tài chính của Grab đã thể hiện, ông Nguyễn Tuấn Anh chỉ đóng vai trò "nhà đầu tư". Xảy ra tình trạng này, là do ông Nguyễn Tuấn Anh đã vay ngắn hạn từ Grab số tiền 10,2 tỷ đồng, đúng bằng số tiền đem góp vốn vào doanh nghiệp và thế chấp bằng chính số vốn góp này.

Grab là một công ty công nghệ có trụ sở chính tại Singapore. Ảnh: KT
Grab là một công ty công nghệ có trụ sở chính tại Singapore. Ảnh: KT

Thời điểm ông Nguyễn Tuấn Anh rút khỏi Grab, người thay thế ông Tuấn là bà Lý Thụy Bích Huyền tiếp tục sở hữu 51% vốn điều lệ của Grab, giá trị 10,2 tỉ đồng. Bà Huyền cũng đem toàn bộ phần vốn góp này thế chấp tại Công ty TNHH GPay Network Việt Nam (công ty con của Grab).

Dư luận phải đặt câu hỏi: Phải chăng ông Tuấn Anh và bà Huyền chỉ là bình phong đứng tên sở hữu, còn chủ nhân thực sự của Grab là Grab Inc và các công ty cùng hệ sinh thái? Mặt khác, nếu Grab thực sự là doanh nghiệp nội, thuộc quyền kiểm soát của ông Tuấn Anh hoặc bà Huyền, thì liệu doanh nghiệp này có thể vay được hàng nghìn tỉ đồng không lãi suất từ Grab Inc hay không?

Do vốn điều lệ khá ít ỏi so với quy mô hoạt động, nên những năm qua nguồn vốn cho hoạt động của Grab đều từ các khoản vay của công ty ngoại trong hệ sinh thái là GrabTaxi Holdings Pte Ltd và Grab Inc với lãi suất là 0%. Nếu như cuối năm 2018, khoản vay này là 1.370 tỷ đồng, thì sang năm 2019 vốn vay đã tăng lên 5.700 tỷ đồng, năm 2020 là 5.180 tỷ đồng, năm 2021 là 4.270 tỷ đồng và cuối năm 2022 là 4.380 tỷ đồng.

Kỳ vọng tăng trưởng mạnh tại thị trường Việt Nam

Trao đổi với báo chí, về chiến lược kinh doanh, định hướng lâu dài của ứng dụng và cơ hội phát triển tại Việt Nam, Tổng Giám đốc điều hành Grab Việt Nam ông Alejandro Osorio cho hay: Việt Nam có nhóm dân số trẻ chiếm số đông với hành vi yêu thích và thường xuyên sử dụng thiết bị di động; tầng lớp trung lưu đang tiếp tục gia tăng.

Việt Nam vẫn được dự đoán là nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất Đông Nam Á. Sự phát triển kinh tế nhanh được ông ví dụ bằng xu hướng: mọi người chuyển từ xe đạp sang xe máy rồi đến ôtô chỉ trong một thời gian ngắn, hạ tầng giao thông hiện đại hóa với tốc độ chóng mặt.

10 năm hoạt động tại Việt Nam, Grab đã có độ phủ dịch vụ tại hơn 50 tỉnh, thành phố khắp cả nước. Ảnh: KT
10 năm hoạt động tại Việt Nam, Grab đã có độ phủ dịch vụ tại hơn 50 tỉnh, thành phố trên cả nước. Ảnh: KT

Đồng tình với quan điểm, kinh doanh sẽ luôn đặt các đơn vị trong tình thế cạnh tranh, nhưng bối cảnh đó sẽ tạo nên động lực phát triển. Người đứng đầu Grab Việt Nam cũng tin cơ hội dành cho tất cả doanh nghiệp, vì thị trường vẫn còn rất nhiều dư địa. Ngoài Hà Nội và TP. HCM, Grab hiện có mặt hầu hết các tỉnh, thành trong cả nước.

Lạc quan, nhưng không thể bỏ qua thực tế có muôn vàn thách thức. "Thách thức đầu tiên và lớn nhất là trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp với đối tác và cộng đồng", CEO Grap cho hay.

Grab đã trở thành ứng dụng đa dịch vụ bao gồm vận chuyển, giao hàng, mua bán trực tuyến, thanh toán, đặt phòng khách sạn và gần đây nhất là dịch vụ GrabFin, một thương hiệu mới cho các dịch vụ thanh toán kỹ thuật số, cho vay bảo hiểm và quản lý tài sản,…

“10 năm hoạt động tại Việt Nam, Grab đã có độ phủ dịch vụ tại hơn 50 tỉnh, thành phố khắp cả nước, nền tảng người dùng đông đảo và mạng lưới đối tác rộng khắp, cùng với sự thấu hiểu thị trường và năng lực công nghệ mạnh mẽ. Do đó, Grab có thể mang đến những giải pháp hợp tác tối ưu để hỗ trợ các thương hiệu tăng trưởng kinh doanh. Chiến lược hợp tác mở sẽ tiếp tục là một trong những trọng tâm của chúng tôi, và chúng tôi rất trông đợi sẽ được trở thành đối tác quan trọng của nhiều thương hiệu, nhãn hàng hơn nữa trong năm 2024” - ông Alejandro Osorio chia sẻ với báo chí.

(Còn nữa)

Lê Vũ