Đoàn kiểm tra liên ngành ATTP kiểm tra xuất xứ hàng hóa cung ứng tết tại chợ đầu mối nông sản Thủ Đức, quận Thủ Đức, TPHCM. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Đoàn kiểm tra liên ngành ATTP kiểm tra xuất xứ hàng hóa cung ứng tết tại chợ đầu mối nông sản Thủ Đức, quận Thủ Đức, TP. HCM. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Theo đó, tại nhiều chợ truyền thống, thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất hiện nhiều với mức giá khá rẻ. Điều này dấy lên nguy cơ mất an toàn thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới. Theo bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP. HCM, từ nay đến cuối tháng 3/2021, sẽ thành lập các đoàn kiểm tra chuyên ngành, liên ngành tuyến thành phố, tập trung kiểm tra những doanh nghiệp sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm, các chợ đầu mối, siêu thị, trung tâm thương mại, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống.

Bà Lan cho hay: “Trong quá trình thanh tra, các đoàn thực hiện lấy mẫu nhóm sản phẩm có nguy cơ cao gây mất an toàn thực phẩm, tập trung vào các sản phẩm có dấu hiệu vi phạm về chất lượng thực phẩm, gửi mẫu kiểm nghiệm thực phẩm tại các cơ sở được chỉ định và thực hiện truy xuất nguồn gốc nguyên liệu đối với những cá nhân, tổ chức sản xuất, kinh doanh các sản phẩm không đảm bảo an toàn thực phẩm; Xử lý nghiêm khi có vi phạm”.

Đặc biệt, kiểm tra những cơ sở sản xuất, kinh doanh các mặt hàng thực phẩm được sử dụng nhiều trong dịp Tết như: thịt và các sản phẩm từ thịt, bia, rượu, đồ uống có cồn, nước giải khát, bánh mứt, kẹo, rau, củ quả, phụ gia thực phẩm, thực phẩm đông lạnh nhập khẩu…và các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống. 

Đồng thời, các quận huyện trên địa bàn TP. HCM cũng thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành tuyến quận - huyện, tập trung thanh tra đối với các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh, cơ sở dịch vụ ăn uống có quy mô là hộ kinh doanh. Phối hợp với các đoàn kiểm tra của thành phố tiến hành kiểm tra, xử lý việc chấp hành các quy định đảm bảo an toàn thực phẩm tại cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn.

Bên cạnh đó, chú trọng kiểm tra về điều kiện sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm; Điều kiện an toàn thực phẩm của cơ sở kinh doanh; Chất lượng an toàn của sản phẩm thực phẩm; Nguồn gốc, xuất xứ; Đăng ký bản công bố, tự công bố của sản phẩm; Ghi nhãn; Quảng cáo; Lấy mẫu kiểm nghiệm…

Tuy nhiên, hiện nay, người dân có thói quen mua thực phẩm qua các trang thông tin điện tử, trên mạng xã hội hoặc đặt mua hàng online. Mua hàng hình thức này góp phần phòng chống dịch Covid-19 hiệu quả nhờ giảm tiếp xúc trực tiếp, tiết kiệm được rất nhiều chi phí và được đông đảo người dân ủng hộ.

Theo đó, việc kiểm soát chất lượng sản phẩm mua bán qua hình thức này là một thách thức lớn đối với các cơ quan chức năng, nhất là khi hành lang pháp lý để xử phạt là chưa có đủ. Hiện hầu hết cơ sở bán hàng online đều không có giấy chứng nhận an toàn thực phẩm, vi phạm pháp luật về kinh doanh.

Để đảm bảo an toàn thực phẩm dịp Tết Nguyên đán, người tiêu dùng chỉ nên mua và sử dụng các sản phẩm thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng, kiểm tra kỹ nhãn mác, bảo quản tốt thực phẩm; Không sử dụng thực phẩm đã ôi thiu, mốc hỏng; Tuyệt đối không sử dụng phẩm màu độc hại, các chất phụ gia, hóa chất ngoài danh mục cho phép để sản xuất, chế biến thực phẩm. Ngoài ra, để phòng chống dịch Covid-19, Ban quản lý An toàn thực phẩm TP. HCM khuyến cáo các nhà ăn tập thể tổ chức ăn theo ca, không ăn đông người; Các nhà hàng không phục vụ khách quá đông; Những người phục vụ nấu ăn nếu bị ho, sốt phải nghỉ và đi xét nghiệm.

 Thùy Linh