Trong thời gian tiến hành sửa chữa cầu Thăng Long, các phương tiện sẽ di chuyển qua cầu Nhật Tân.
Từ tháng 7/2020 sẽ dừng lưu thông qua cầu Thăng Long để tiến hành sửa chữa
Thời gian thi công kéo dài đến hết năm 2020. Dự án sửa chữa cầu Thăng Long sẽ sử dụng công nghệ của châu Âu. Công nghệ này được sử dụng nhiều ở Mỹ và Trung Quốc nhưng là lần đầu tiên áp dụng tại Việt Nam.
Khác với những lần sửa chữa trước, đơn vị thi công sẽ cào bóc sạch lớp bê tông nhựa hiện hữu, làm sạch bản mặt thép; hàn các đinh neo thép vào bản mặt thép, lắp đặt lưới thép và đổ một lớp bê tông cường độ cao, thi công lớp phủ bê tông nhựa tạo nhám để đảm bảo êm thuận trong quá trình khai thác. Tổng mức đầu tư dự án sửa chữa cầu Thăng Long lên đến gần 270 tỷ đồng.
Cầu Thăng Long khánh thành vào năm 1985, với 2 tầng đi chung cả đường sắt và đường bộ, mặt cầu đã được thảm lại toàn bộ tầng 2 bằng công nghệ của Mỹ từ năm 2009. Tuy nhiên đến nay, lớp bê tông nhựa mặt cầu đã bị xô dồn, nứt ngang mặt do độ dính bám giữa bê tông nhựa mới và bản thép phía dưới không đạt yêu cầu gây ảnh hưởng đến an toàn giao thông.
PV