THCL Tiến sỹ Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam khẳng định: Mục tiêu thành lập 5 triệu DN làm động lực cho phát triển kinh tế - hoàn toàn có thể hy vọng. Điều này đang chờ sự đột phá từ Chính phủ tới địa phương, quyết tâm từ các ban, ngành hữu quan tới các DN.
Tiến sỹ Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam
Thưa Tiến sỹ, mới đây, tại Hội thảo “Động lực phát triển kinh tế tư nhân”, ông đã khẳng định rằng: “Việt Nam cần một cuộc cách mạng khởi nghiệp với mục tiêu thành lập 5 triệu DN”. Mặc dù, đây là chủ trương đúng, song dư luận đang hoài nghi về tính khả thi của con số này?
Trước hết phải nói rằng, mục tiêu 5 triệu DN tại Việt Nam không phải là con số do cá nhân tôi nghĩ ra. Đây là con số mà các nước có nền kinh tế phát triển đã đạt tới. Việt Nam muốn trở thành cường quốc kinh tế, phải có được tỷ lệ DN trên đầu dân rất lớn như vậy. Ví dụ ở Hoa Kỳ, Nhật Bản hay các nền kinh tế trong khu vực như Hồng Kông, Đài Loan, Singapore… đều có tỷ lệ DN cao (15 - 20 người dân/1 DN).
Nước ta, lực lượng tiềm năng cho 5 triệu DN đang có sẵn. Hiện nay, Việt Nam có khoảng 500.000 DN đang hoạt động, 1,6 triệu hộ kinh doanh có đăng ký chính thức/tổng số khoảng 4,6 triệu hộ kinh doanh (số hộ không đăng ký kinh doanh chiếm đa số, không ngừng tăng) - là lực lượng tiềm năng để trở thành DN. Trên thực tế, nhiều hộ kinh doanh không đăng ký nhưng quy mô cũng không hề nhỏ, thậm chí lớn hơn cả DN song không muốn đăng ký trở thành DN vì hoạt động ở quy mô đó thuận lợi hơn (làm theo kiểu thuế khoán, thiếu minh bạch, dễ trốn lậu thuế; tránh các thủ tục hành chính rườm rà…).
Trong khi đó, một nền kinh tế hiện đại, nhất là trong thời kỳ hội nhập, muốn phát triển kinh tế bền vững, chắc chắn khu vực chính thức phải chiếm số lượng áp đảo.
Mặt khác, quy mô của DN sẽ không là chuyện quan trọng nữa. Vì trong nền kinh tế toàn cầu, có những DN rất nhỏ hoạt động trong lĩnh vực công nghệ cao, nhiều sáng tạo. Từ đó, tạo ra những sản phẩm - chỉ bằng một nút bấm có thể liên hệ với cả thế giới, có tầm ảnh hưởng rất lớn.
Nếu có chính sách tốt, 4,6 triệu hộ kinh doanh đang hiện hữu tại Việt Nam và rất nhiều người dân khác, những hộ khác cũng tham gia kinh doanh trong thời gian tới - sẽ là lực lượng tiềm năng trở thành DN. Theo đó, mục tiêu 5 triệu DN trong tương lai là điều hoàn toàn có thể hy vọng (sẽ trùng khớp với thời điểm Việt Nam trở thành nước công nghiệp hiện đại). Còn trước mắt, đến năm 2020, chúng ta sẽ có khoảng 1 triệu DN.
Như vậy, để mục tiêu nói trên trở thành sự thật, cần có chính sách tốt. Ông có thể cho biết cụ thể hơn về điều này?
Vấn đề quan trọng là phải có chính sách khuyến khích các hộ kinh doanh trở thành DN. Điều này liên quan đến một loạt vấn đề về thủ tục hành chính, đăng ký kinh doanh, thuế, thanh tra, kiểm tra… Chính quyền cần tạo điều kiện thuận lợi nhất cho DN phát triển. Từ môi trường kinh doanh tốt, sẽ thúc đẩy các DN lớn lên, minh bạch hóa, chính thức hóa hoạt động.
Nghị quyết 19 của Chính phủ là bước đột phá, đặt ra yêu cầu cải cách môi trường kinh doanh, đầu tư ở Việt Nam về đơn giản hóa một số thủ tục hành chính. Thời gian qua, dù Chính phủ đã có nhiều cố gắng song trên thực tế, người dân và DN vẫn phàn nàn còn gặp rất nhiều khó khăn về thủ tục hành chính, về đơn giá, chi phí, thời gian… Đơn cử, tiếp cận tín dụng dù đã được cải thiện, song mức lạm phát 2% như hiện nay và lãi suất tín dụng 7 - 8% là khá cao làm cho chi phí sản xuất tăng. Chưa kể, việc cho vay của các ngân hàng Việt Nam trong trường hợp có thế chấp và triển khai cho vay tín chấp rất chậm. Chính vì thế, nguồn vốn kinh doanh đang dựa rất nhiều vào nguồn vốn tự có của DN. Không ít hội thảo, hội nghị về vấn đề này đã được tổ chức, họp bàn, nhưng kết quả vẫn hạn chế.
Từ thực tế trên cho thấy, bên cạnh sự nỗ lực của Chính phủ, rất cần có sự nhất quán giữa Trung ương với địa phương, với các ban, ngành hữu quan nhằm hiện thực hóa những yêu cầu tốt nhất cho sự phát triển của DN.
Điều quan trọng nữa, mỗi công chức Việt Nam hãy ý thức vai trò phục vụ DN vì sự phát triển đất nước, chứ không phải là cơ quan công quyền, gây khó dễ cho DN. Cần thay đổi thế nào để chấm dứt tâm lý trong DN: Làm to dễ bị “gõ” chứ hộ kinh doanh thì ít ai quan tâm; hay các DN ngại đến “cửa quan” vì sợ “bị hành” với cơ man chi phí không chính thức… Rồi đây, các thủ tục hành chính tiến tới chủ yếu thực hiện trên mạng Internet - sẽ đẩy lùi những tồn tại này.
Yêu cầu của hội nhập cũng buộc các hộ kinh doanh nếu muốn tồn tại và phát triển vươn tới thị trường quốc tế, phải minh bạch và các chủ thể kinh doanh cần hiện đại hơn để không bị tụt hậu, thậm chí tẩy chay.
Nhân ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10, Tiến sỹ có điều gì muốn gửi gắm tới các doanh nhân Việt Nam?
TPP là một cơ hội lớn, nhưng cũng là thách thức lớn. Chỉ có thể tận dụng được các cơ hội và vượt qua thách thức khi đồng thời phải có cả 2 quá trình diễn ra. Chính phủ cần phải cải cách thể chế ở tầm đột phá và DN cũng phải đột phá về quản trị. Lối làm ăn thiếu chuyên nghiệp, chộp giật sẽ qua đi. Giờ là lúc Chính phủ định vị lại trong hội nhập và khi đó, DN cũng phải định vị lại mình trong “sân chơi lớn” để hướng tới các chuẩn mực quốc tế.
Muốn vậy, các DN phải không ngừng học hỏi để nâng cao trình độ quản trị; phải tìm hiểu thông tin, thị trường, thể chế, pháp luật… DN phải học cách làm chuyên nghiệp, bài bản, không thể được chăng hay chớ, chộp giật ngắn hạn. Đặc biệt, trong môi trường kinh doanh này, các đối tác, các nhà đầu tư không chỉ quan tâm đến chất lượng sản phẩm mà còn quan tâm đến cách thức sản xuất ra sản phẩm đó (vệ sinh an toàn thực phẩm, xuất xứ nguyên liệu…). Quy trình sản xuất phải bảo đảm ngặt nghèo các điều kiện kỹ thuật cao. Điều quan trọng, DN phải thực hiện đầy đủ trách nhiệm xã hội (thực hiện tốt trách nhiệm với người lao động, không làm tổn hại đến môi trường).
Việt Nam có tinh thần người lính bởi đất nước trải qua nhiều cuộc chiến tranh, cộng với óc sáng tạo không thua kém các cường quốc trên thế giới, được các tổ chức uy tín trên thế giới đánh giá cao. Các doanh nhân trong thời đại mới cần phát huy cao độ tinh thần đó, đưa đất nước tiến bước vững chắc trong hội nhập.
Trân trọng cảm ơn Tiến sỹ!
Thanh Hà (Thực hiện)