Theo đó, mục đích của Kế hoạch thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm năm 2021 nhằm đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá đối với các sản phẩm OCOP.
Ứng dụng công nghệ thông tin để giới thiệu, quảng bá các sản phẩm OCOP… nâng cao giá trị, chất lượng sản phẩm OCOP; đồng thời góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập, đời sống cho nhân dân và thực hiện hiệu quả nhóm tiêu chí “kinh tế và tổ chức sản xuất” trong Bộ tiêu chí Quốc gia về xã nông thôn mới.
Nâng cao vai trò, trách nhiệm của các sở, ban, ngành; các địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu của Chương trình.
UBND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu bám sát quan điểm, mục tiêu của Chương trình và thực tế tại địa phương, xác định rõ nội dung, nhiệm vụ và các giải pháp trọng tâm để triển khai thực hiện Chương trình.
Các sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các chủ thể sản xuất - kinh doanh tham gia Chương trình phối hợp thực hiện tốt các nội dung hoạt động của Chương trình, đưa Chương trình vào Nghị quyết, Chương trình hành động của cấp ủy, chính quyền địa phương để chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện.
Các đơn vị, tổ chức, cá nhân sử dụng kinh phí hỗ trợ thực hiện Chương trình phải đúng mục đích, đúng các quy định hiện hành của Nhà nước và hiệu quả.
Được biết, sau hơn 2 năm triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm, đến nay Thanh Hóa đã có 69 sản phẩm được công nhận đạt chuẩn OCOP của 47 chủ thể OCOP (24 doanh nghiệp, 11 HTX, 02 tổ hợp tác, 10 hộ sản xuất, kinh doanh) trên địa bàn 45 xã, phường, thị trấn thuộc 18 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh.
Các sản phẩm khá đa dạng, được xếp vào 4 nhóm ngành là: Thực phẩm (47 sản phẩm), đồ uống (5 sản phẩm), thủ công mỹ nghệ (7 sản phẩm), thảo dược (10 sản phẩm) được chứng nhận từ 3 sao trở lên, trong đó có 17 sản phẩm đạt 4 sao và 52 sản phẩm đạt 3 sao.
Trong các sản phẩm đạt 4 sao, có 2 sản phẩm là nước mắm và mắm tôm Lê Gia đang được đề xuất Trung ương công nhận sản phẩm OCOP 5 sao quốc gia.
Hoài Thu