Giá xăng giữ nguyên sau Tết Kỷ Hợi

Tại kỳ điều hành ngày 15/2, Liên Bộ Công Thương - Tài chính quyết định tăng chi sử dụng Quỹ bình ổn để tiếp tục giữ ổn định giá xăng dầu trong nước.

Cụ thể, Liên Bộ sẽ giữ nguyên mức trích lập Quỹ Bình ổn giá xăng dầu đối với các mặt hàng xăng dầu như hiện hành. Đồng thời, chi sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu với xăng E5RON92: 1.932 đồng/lít (kỳ trước chi sử dụng 1.673 đồng/lít); xăng RON95: 1.171 đồng/lít (kỳ trước chi sử dụng 825 đồng/lít); dầu diesel: 1.354 đồng/lít (kỳ trước chi sử dụng 1.003 đồng/lít); dầu hỏa 1.078 đồng/lít (kỳ trước chi sử dụng 652 đồng/lít); dầu mazut 1.699 đồng/kg (kỳ trước chi sử dụng 1.196 đồng/kg).

Việc giữ nguyên giá bán lẻ trong nước được liên Bộ giải thích nhằm điều hành giá xăng dầu theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước, kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và giảm chi phí đầu vào của doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh.

Giá vàng được đẩy lên cao trong ngày Vía Thần Tài

Thị trường hàng hóa tiêu dùng tuần qua: Giá xăng giữ nguyên, vàng tăng mạnh, thực phẩm biến động - Hình 1

Thời điểm trước, trong và sau ngày Thần Tài 10 Âm lịch (14/2) giá vàng trong nước ghi nhận thay đổi liên tục về giá. Giá vàng bắt đầu được đẩy lên từ ngày 13/2 khi một số người dân mua vàng sớm vì sợ đúng ngày Vía Thần tài sẽ phải xếp hàng.

Ngày 13/2 giá vàng 9999, vàng miếng SJC dao động từ 36,95-37,35 triệu đồng/lượng mua vào bán ra. Đến ngày 14/2 giá vàng tăng lên 37,0 – 37,6 triệu đồng/lượng mua vào bán ra.

Tuy nhiên sang ngày 15/2 giá vàng dao động mức giá 36,5-37,0 triệu đồng/lượng (mua vào- bán ra). Như vậy chỉ trong 3 ngày giá vàng tăng giảm liên tục, người dân mua vàng đúng ngày Thần Tài được cho mất từ 300 – 700 nghìn đồng/lượng tùy từng cửa hàng, doanh nghiệp.

Giá rau quả giảm, thịt vẫn tăng

Khác với những năm trước, sau Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, thị trường hàng hóa tiêu dùng thiết yếu tại Hà Nội hầu như giữ ổn định so với thời điểm trước, trong và sau tết. Giá các mặt hàng thực phẩm, rau, củ, quả và lương thực không có nhiều biến động.

Giá rau giảm nhiệt sau Tết Kỷ Hợi 2019

Thị trường hàng hóa tiêu dùng tuần qua: Giá xăng giữ nguyên, vàng tăng mạnh, thực phẩm biến động - Hình 2

Thực tế tại các chợ dân sinh trên địa bàn Hà Nội cho thấy, nguồn cung các mặt hàng rau, củ, quả dồi dào và phong phú. Các mặt hàng rau, củ, quả bày bán hoàn toàn là rau quả tươi, mới nhập về, đảm bảo chất lượng phục vụ người tiêu dùng.

Giá bán một số mặt hàng như su hào có giá 7.000 đồng/củ; Cải bắp có giá 12.000 đồng/kg; Cải cúc 10.000 đồng/kg; Cà chua 15.000 đồng/kg; khoai tây 12.000; Rau muống 13.000 đồng/bó; các loại rau gia vị tổng hợp có giá từ 20 – 22.000 đồng/kg.

Tại chợ đầu mối hoa quả Long Biên, sau Tết giá các loại quả có giảm nhẹ nhưng vẫn tiếp tục ở mức cao do nhu cầu mua sắm để đi lễ chùa đầu năm của người dân.

Giá heo hơi tăng

Một số mặt hàng thực phẩm thiết yếu sau Tết vẫn còn ở mức giá cao như thịt lợn tăng giá khoảng 5-19% so với trước Tết. Thịt lợn nạc thăn có giá là 100.000-120.000 đồng/kg, thịt ba chỉ có giá từ 100.000 - 110.000 đồng/kg, thịt mông sấn có giá từ 90.000 - 100.000 đồng/kg. Giá gà nguyên con 120.000-140.000 đồng/kg. Giá gà ta mổ sẵn tại các chợ từ dao động từ 160.000-180.000 đồng/kg. Giá gà công nghiệp làm sẵn ở mức 70.000-80.000 đồng/kg.

Giá thủy sản thời điểm sau Tết giảm từ 10-20% so với ngày thường. Tôm sú loại I (20 -25 con/kg) có giá từ 450.000 - 600.000 đồng/kg; cá chép có giá từ 90.000 - 110.000 đồng/kg. Giá trứng gà ta khoảng 33.000 - 40.000 đồng/chục. 

Hằng Vương (t/h)