Sáng 13/7, Thủ tướng Phạm Minh Chính đi kiểm tra tình hình triển khai tuyến cao tốc Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng tại Đồng bằng sông Cửu Long.

Công nhân thi công tuyến cao tốc Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng tại ĐBSCL - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Công nhân thi công tuyến cao tốc Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng tại ĐBSCL. Ảnh VGP/Nhật Bắc.

Cùng đi với Thủ tướng Chính phủ có Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh, Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang Nghiêm Xuân Thành, Bí thư Thành ủy Cần Thơ Nguyễn Văn Hiếu, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương.

Theo quy hoạch, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có 6 tuyến cao tốc với 1.188 km, gồm 3 tuyến cao tốc trục dọc (597 km) và 3 tuyến cao tốc trục ngang (591 km).

Đến nay, toàn vùng đã đưa vào khai thác 120 km. Chính phủ đang chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thi công, phấn đấu đến năm 2025 có khoảng 311 km, đến năm 2027 có khoảng 526 km, đến năm 2030 có khoảng 740 km.

Trong đó, dự án cao tốc Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng dài 188,2 km (bố trí 18 nút giao (trung bình 10 km/nút), 133 cầu dài gần 28 km; quy mô phân kỳ 4 làn xe, sơ bộ tổng mức đầu tư 44.691 tỷ đồng; tiến độ dự án cơ bản hoàn thành năm 2026, đưa vào khai thác năm 2027.

Dự án được chia thành 4 dự án thành phần và giao UBND các tỉnh An Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng và TP. Cần Thơ là cơ quan chủ quản. Dự án được áp dụng một số cơ chế đặc thù, gồm: Cơ chế chỉ định thầu, cơ chế khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng. Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 91/NQ-CP ngày 25/7/2022 về triển khai Nghị quyết của Quốc hội.

Thủ tướng Phạm Minh Chính kiểm tra tình hình thi công dự án thành phần 2 tuyến cao tốc Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng tại nút giao Lộ Tẻ-Rạch Sỏi, xã Thạnh Tiến, huyện Vĩnh Thạnh, Cần Thơ - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Thủ tướng Phạm Minh Chính kiểm tra tình hình thi công dự án thành phần 2 tuyến cao tốc Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng tại nút giao Lộ Tẻ-Rạch Sỏi, xã Thạnh Tiến, huyện Vĩnh Thạnh, Cần Thơ. Ảnh VGP/Nhật Bắc.

Công tác thu hồi đất đã cơ bản hoàn thành (đạt 99%), chỉ còn khoảng 1% tập trung tại 86 hộ dân và công trình hạ tầng kỹ thuật, đặc biệt là 15 vị trí đường điện cao thế.

Về nguyên vật liệu, tổng nhu cầu cát đắp nền cho dự án khoảng 29 triệu m3. Với sự vào cuộc chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, đến nay đã cơ bản giải quyết đủ nguồn cung vật liệu cát về trữ lượng. Tuy nhiên, công suất khai thác còn thấp (chỉ đáp ứng khoảng 30% nhu cầu), nên cần nâng công suất.

Về công tác thi công, giải ngân, dự án khởi công 4/14 gói thầu xây lắp đầu tiên từ tháng 6/2023. Đến tháng 12/2023, các địa phương đã khởi công toàn bộ 14/14 gói thầu. Lũy kế sản lượng thi công toàn dự án đạt khoảng 9,3% giá trị hợp đồng; trong đó An Giang đạt 20,5%, Hậu Giang đạt 11,9%, Cần Thơ đạt 5,0%, Sóc Trăng đạt 2,3%.

Để đáp ứng yêu cầu hoàn thành dự án năm 2026 theo yêu cầu của Quốc hội và Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải đề nghị các địa phương rà soát, khẩn trương điều chỉnh tiến độ thực hiện của từng dự án, từng gói thầu nhằm bù đắp phần chậm; trong đó lưu ý xác định cụ thể các mốc thời gian khống chế, đặc biệt là công tác thi công nền đường và các công trình trên tuyến phải hoàn thành toàn bộ trước tháng 4/2026.

Theo chinhphu.vn