Theo báo cáo tại Hội thảo, thực hiện Quyết định 1976/QĐ-TTg, ngày 30/10/2013 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển dược liệu đến năm 2020 và định hướng đến 2030, đặc biệt là sau Hội nghị toàn quốc về phát triển dược liệu Việt Nam, được Chính phủ tổ chức tại Lào Cai năm 2017, tỉnh Lào Cai đã xây dựng Quy hoạch phát triển dược liệu đến năm 2020 và tầm nhìn đến 2030; đồng thời ban hành các nghị quyết, chương trình, đề án, kế hoạch, chính sách để thúc đẩy phát triển ngành dược liệu. Mục tiêu đến năm 2025, đạt 4.000 ha diện tích trồng dược liệu, sản lượng đạt 25.000 tấn, giá trị đạt 700 tỷ đồng và đến năm 2030 đạt 5.000ha, sản lượng đạt 28.000 tấn, giá trị trên 900 tỷ đồng.
Đến nay, sản xuất dược liệu trên toàn tỉnh Lào Cai đã có sự phát triển mạnh mẽ và đạt được nhiều kết quả nổi bật tạo nền tảng vững chắc, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp của tỉnh; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, cây dược liệu được trú trọng phát triển thành loại cây trồng mũi nhọn giúp thu hút các tổ chức, doanh nghiệp đầu tư, hình thành liên kết sản xuất bền vững.
Để kế thừa và phát huy những thành tựu đã đạt được, đồng thời khắc phục những khó khăn tồn tại, hạn chế trong quá trình phát triển sản xuất cây dược liệu trên địa bàn, tỉnh Lào Cai đã xác định rõ những nhiệm vụ then chốt cần thực hiện:
Chủ động trong khâu sản xuất và cung ứng giống cây dược liệu; Xây dựng các cơ sở ươm và nhân giống cây dược liệu tại khu vực trồng dược liệu tập trung tại Bát Xát, Bắc Hà, Sa Pa; đầu tư cơ sở vật chất, khoa học kỹ thuật tiên tiến trong sản xuất giống (nuôi cấy mô tế bào, ứng dụng CNC…) để đảm bảo nhân nhanh các giống cây dược liệu đáp ứng nhu cầu sản xuất, nguồn giống sản xuất ra đảm bảo chất lượng và chi phí hợp lý;
Thường xuyên tổ chức khảo nghiệm, lựa chọn các giống dược liệu phù hợp, phân tích các hoạt chất có trong từng loại cây dược liệu để có cơ sở lựa chọn loại dược liệu, bổ sung chủng loại cây hằng năm phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu;
Tập trung nguồn lực nhằm xây dựng ổn định vùng nguyên liệu gắn với sản phẩm OCOP và phát triển du lịch sinh thái: xác định vùng sản xuất cây dược liệu chủ lực hàng năm tập trung tại 4 huyện trọng điểm là Bắc Hà, Sa Pa, Bát Xát; chuyển đổi những diện tích cây trồng kém hiệu quả sang trồng mới cây dược liệu hàng năm;
Kết nối, xây dựng các điểm du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm tại các vùng sản xuất dược liệu hàng hóa tập trung, liền vùng, liền khoảnh như Ý Tý (Bát Xát), Tả Van Chư (Bắc Hà), Tả Phìn (Sa Pa)… phát triển các sản phẩm OCOP làm quà cho du khách tại các điểm du lịch như sản phẩm thuốc tắm, gối thảo dược, các sản phẩm chức năng…
Ngoài ra, địa phương cũng kêu gọi, thu hút nhà đầu tư chiến lược để xây dựng nhà máy bảo quản, chế biến sâu dược liệu tại vùng sản xuất cây dược liệu tập trung như Bát Xát, Bắc Hà, Sa Pa… nhằm tạo ra các sản phẩm chế biến sâu và các sản phẩm OCOP… phù hợp với nhu cầu sử dụng của người tiêu dùng.
Trên cơ sở xác định những nhiệm vụ trọng tâm, đánh giá thực chất những tồn tại, hạn chế trong quá trình phát triển sản xuất cây dược liệu; đồng thời tiếp thu những ý kiến của các cơ quan, doanh nghiệp, HTX trên địa bàn, tỉnh Lào Cai đề nghị:
Tỉnh đề nghị:
Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục giúp đỡ Lào Cai thực hiện Kết luận của Thủ tướng Chính phủ trong chuyến thăm và làm việc tại Lào Cai ngày 27 - 28/8/2022 tại Thông báo số 321/TB-VPCP ngày 6/10/2022 của Văn phòng Chính phủ;
Bộ Y tế tổ chức thực hiện các giải pháp kiểm soát giá và chất lượng vị thuốc, dược liệu, nhất là vị thuốc, dược liệu nhập khẩu; đảm bảo giá tương ứng với chất lượng để dược liệu nuôi trồng trong nước thực sự có đầu ra, đầu ra bền vững không bị hàng kém chất lượng cạnh tranh, không khuyến khích được doanh nghiệp, người dân, HTX trồng dược liệu; đồng thời, quan tâm nghiên cứu thành lập các trung tâm kinh doanh thu mua dược liệu tại một số vùng trọng điểm (có cơ chế hỗ trợ, khuyến khích phát triển).
Ngoài ra, tỉnh Lào Cai cũng đề nghị:
Bộ Y tế khẩn trương sửa đổi Thông tư số 05/2015/TT-BYT ban hành danh mục thuốc đông y, thuốc từ dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ BHYT cho phù hợp với thực tiễn cây trồng ở trong nước; sửa đổi hoặc thay thế Thông tư số 30/2017/TT-BYT ngày 11/7/2017 hướng dẫn phương pháp chế biến các vị thuốc cổ truyền; tham mưu sửa Luật Dược theo hướng chuẩn hóa về thuật ngữ về vị thuốc, thuốc cổ truyền, quy định có tính đến tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển dược liệu trong nước; chỉ đạo các cơ quan chuyên môn hướng dẫn địa phương triển khai thực hiện tốt nội dung đầu tư, hỗ trợ phát triển vùng trồng dược liệu quý thuộc Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn I, năm 2021 – 2025;
Các cục, vụ, viện, các trường đại học, cao đẳng tăng cường công tác nghiên cứu khoa học và ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ vào phát triển sản phẩm OCOP gắn với phát triển dược liệu; đẩy mạnh nghiên cứu thị trường, xúc tiến thương mại; xây dựng chiến lược phát triển thị trường cho các sản phẩm OCOP gắn với cây dược liệu; thực hiện các đề tài nghiên cứu, xác định thành phần loài sinh vật hại trên các loại cây dược liệu chủ lực tại Lào Cai và xác định đối tượng gây hại chính cần phải phòng trừ, nghiên cứu các giải pháp khoa học và công nghệ phòng chống tổng hợp sinh vật hại cây dược liệu…
Cũng tại hội thảo, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lào Cai đã ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác phát triển dược liệu với Tổng công ty BMV Phacmar; UBND huyện Bắc Hà ký kết liên kết sản xuất dược liệu với Công ty CP Đầu tư Green Life và Công ty CP Vật tư y tế Khải Hà.
Hải Minh