Theo chỉ đạo của Chính phủ, năm 2015, Bộ GD&ĐT phải tổ chức một kỳ thi quốc gia để phục vụ mục tiêu xét tốt nghiệp THPT và làm cơ sở tuyển sinh đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ). Đây thật sự là một thách thức lớn đối với ngành giáo dục, vì quỹ thời gian quá ngắn trong khi sự chuẩn bị vẫn “ngổn ngang trăm mối”…
Chưa giải quyết từ gốc vấn đề
Thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW của Hội nghị T.Ư 8 khóa XI về Đổi mới căn bản và toàn diện GD&ĐT, đáp ứng yêu cầu CNH, HĐH trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế, việc đổi mới thi cử đang được Bộ GD&ĐT chú trọng đặt lên hàng đầu. Bộ đang hướng tới chỉ tổ chức một kỳ thi quốc gia chung theo cách gộp kỳ thi tốt nghiệp THPT và ĐH, CĐ vào làm một. Kết quả của kỳ thi quốc gia chung sẽ được lấy làm căn cứ xét tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ.
Bàn về đổi mới thi cử, có ý kiến chuyên gia cho rằng, một kỳ thi quốc gia chung được thực hiện tốt sẽ tạo chuyển biến mới trong công tác thi cử và tạo điều kiện điều chỉnh việc giảng dạy, học tập ở trường phổ thông. Tuy nhiên, việc gộp hai kỳ thi làm một tự nó không giải quyết được hai vấn đề mà dư luận xã hội đang phàn nàn. Đó là thi cử còn nhiều tiêu cực, không phản ánh được chính xác kết quả học tập của học sinh. Việc tổ chức hai kỳ thi liên tục khiến thi cử cồng kềnh, tiêu hao nhiều thời gian, sức lực và kinh phí của học sinh, gia đình và xã hội.
Tiêu cực trong thi cử hiện nay bắt nguồn từ bệnh thành tích và những tiêu cực trong xã hội. Muốn dẹp bỏ tiêu cực trong thi cử thì phải dẹp từ “nguồn”. Tuy vậy, ngành giáo dục vẫn có thể góp phần khắc phục tình trạng này bằng việc đổi mới cách ra đề thi và tổ chức thi ít nhất hai lần trong năm để giảm bớt áp lực “phải đỗ” đối với thí sinh. Dĩ nhiên là tổ chức thi hai lần hoặc nhiều lần trong năm thì phải giao cho một tổ chức khảo thí chuyên nghiệp, chứ Bộ GD&ĐT không thể “gánh” được.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ có những yêu cầu khác nhau. Kỳ thi tốt nghiệp THPT chỉ có mục đích xác nhận trình độ của học sinh, nên có bao nhiêu học sinh đạt được trình độ theo yêu cầu thì bấy nhiêu học sinh sẽ được công nhận đỗ tốt nghiệp. Còn kỳ thi ĐH, CĐ mang tính tuyển lựa, số điểm thí sinh đạt được là điểm cạnh tranh theo chỉ tiêu tuyển sinh của mỗi trường. Mỗi trường, thậm chí mỗi ngành, đều có yêu cầu riêng trong tuyển chọn đầu vào. Do đó, dù đã có kết quả từ một kỳ thi quốc gia “2 trong 1”, nhiều trường, nhất là những trường tốp đầu, những trường đòi hỏi năng khiếu, vẫn phải có them một kỳ thi để lựa chọn sinh viên phù hợp với yêu cầu, đặc thù của trường.
Mâu thuẫn với Đề án tuyển sinh riêng?
Mục tiêu đào tạo của trường ĐH vốn khác nhau, nên các chuyên gia giáo dục cho rằng, không thể có một kỳ thi ba chung (chung đề, chung đợt, chung điểm) mà lại phù hợp tất cả các trường và các đối tượng thí sinh khác nhau. Các chuyên gia giáo dục lo lắng, kỳ thi quốc gia liệu có chồng chéo và mâu thuẫn với đề án tuyển sinh riêng của các trường?
“Việc Chính phủ yêu cầu Bộ GD&ĐT tổ chức một kỳ thi chung được xã hội ủng hộ. Tuy nhiên, ở kỳ thi ĐH năm 2014, Bộ GD&ĐT đã cho một số trường tuyển sinh theo đề án riêng. Năm 2015, nếu tổ chức một kỳ thi quốc gia, liệu có chồng chéo và mâu thuẫn với đề án tuyển sinh riêng của các trường? Ngoài ra, cần phải giải quyết những tồn đọng của kỳ thi ba chung, thí dụ thí sinh trượt ĐN năm nay thì sang năm sẽ phải thi thế nào, nếu không còn thi chung thì việc chuyển trường sẽ giải quyết ra sao?”, hiệu trưởng một trường ĐH trên địa bàn Hà Nội bày tỏ băn khoăn.
Giáo sư Phạm Minh Hạc, nguyên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT có ý kiến: “Không nên tổ chức một kỳ thi quốc gia chung. Kỳ thi tốt nghiệp nên đưa về các sở, trường tự tổ chức và cấp giấy chứng nhận cho học sinh đã tốt nghiệp THPT. Còn với kỳ thi ĐH, hiện nay các trường đã có quyền tự quyết và họ tự chịu trách nhiệm trong vấn đề thi tuyển. Chỉ những trường đại học tốp đầu, đào tạo nguồn nhân lực quan trọng cho đất nước mới cần tổ chức thi chọn có sự kiểm soát chặt chẽ mà thôi”.
Bên cạnh đó, việc thực hiện một đề thi nhằm hai mục đích là đánh giá học sinh phổ thông và tuyển chọn người đủ năng lực vào học ĐH liệu có khả thi? Một giảng viên Trường ĐH Sư phạm (ĐH Quốc gia Hà Nội) từng tham gia làm đề thi tuyển sinh môn Toán cho rằng: “Nếu tar a đề thi cho kỳ thi quốc gia, khó nhất sẽ là việc cân đối kiến thức, làm sao vừa để tốt nghiệp, vừa phân hóa được thí sinh theo mục tiêu tuyển chọn vào ĐH. Như vậy, Bộ sẽ phải đầu tư nhiều cho khâu ra đề hoặc có thể mời những nhóm chuyên gia về làm ma trận đề. Chính vì vậy, việc phải làm ngay sợ không đạt chất lượng”.
Ông Đỗ Thanh Bình, Khó Lịch sử, trường ĐH Sư phạm (ĐH Quốc gia Hà Nội), người có thâm niên nhiều năm ra đề cho các kỳ thi tuyển sinh ĐH “ba chung” nêu ý kiến: “Làm đề thi cho kỳ thi quốc gia sẽ là một áp lực rất lớn. Làm đề thi riêng cho các trường như trước “ba chung” thấy nhẹ nhàng, bởi vì nếu có sơ suất một chút có thể điều chỉnh trong hướng dẫn chấm. Còn khi làm đề chung cho cả nước sẽ khó khăn hơn vì các yêu cầu rất nhiều, nhất là khi mọi thứ đều công khai ngay lập tức như bây giờ, chỉ sơ suất một tý thôi dư luận đã rất nặng nề. Vì vậy, không phải giáo viên nào cũng thích tham gia”.
Cần lộ trình hợp lý
TS. Vũ Thị Phương Anh, Phó Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng và hỗ trợ chất lượng giáo dục của hiệp hội các trường ngoài công lập nhận định: “Nếu sang năm 2015 quyết định thực hiện một kỳ thi quốc gia thì việc đầu tiên phải làm ngay là thông báo cho học sinh và giáo viên biết rõ: Các môn thi là gì, hình thức và nội dung của từng môn thi ra sao, cách tổ chức kỳ thi, mức xét đạt tốt nghiệp, mức xét vào ĐH… Điều này rất quan trọng để ổn định tâm lý thí sinh, đồng thời cho giáo viên và học sinh có đủ thời gian để chuẩn bị. Công bố trước một năm là tối thiểu. Nếu để bắt đầu vào năm học thì sẽ quá muộn vì các trường sẽ bị cuốn vào công việc của năm học. Nếu thấy quá cập rập thì có thể lui lại một năm”.
GS. Phạm Tất Dong, Tổng Thư ký hội khuyến học Việt Nam cho rằng: “Đáng lý ra, trước khi nói đến bất cứ kỳ thi nào thì chúng ta cũng nên quan tâm đến vấn đề hướng nghiệp trước. Khi có sự hướng nghiệp tốt, thì sẽ có sự phân luồng rõ ràng cho học sinh: Những ai học giỏi thì vào ĐH, những ai học kém thì có thể đi vào hướng nghiệp học nghề làm thợ. Và lúc đó chúng ta đã có được sự chọn lọc để học sinh có định hướng thi tuyển vào các trường ĐH một cách khoa học nhất mà không tạo nên những rối loạn như hiện nay”.
Trước lo lắng của các chuyên gia và phụ huynh học sinh, GS. Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đưa ra ý kiến: “Đổi mới thi cử phải theo chủ trương của đối mới chương trình – sách giáo khoa. Bao giờ chương trình – sách giáo khoa đổi mới thì xây dựng một đề án đổi mới căn bản, toàn diện cả về cách thức tổ chức, nội dung, mục tiêu đánh giá… kỳ thi. Việc vận dụng kiến thức thế nào cần phải có quá trình học thì mới thi được, không thể không học mà đạt được yêu cầu đổi mới của đề thi. Vì thế cần tính toán lộ trình hợp lý. Theo tôi, trong năm tới vẫn nên duy trì kỳ thi quốc gia trong thời gian chuẩn bị một phương án đổi mới thi với điều kiện chín muồi hơn bên cạnh việc xây dựng chương trình giáo dục phổ thông mới”.
Đổi mới giáo dục phải bắt nguồn từ gốc rễ, tức là từ việc đổi mới sách giáo khoa, từ phương pháp giảng dạy và phải có một quá trình để học sinh và cả các thầy cô giáo tiếp cận được với chương trình, kiến thức mới. Lúc đó, chúng ta mới có thể thay đổi cách thức thi cử, đánh giá. Nếu khâu chuẩn bị chưa hoàn thiện, e rằng những kỳ vọng đặt ra khó đạt được.
Theo Thời Nay