THCL Tại phiên họp Chính phủ tháng 6/2015, ngày 29/6, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chưa hài lòng khi mới có hơn 20 Bộ, ngành, địa phương có kế hoạch triển khai Nghị quyết số 19/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia (Nghị quyết 19).
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì phiên họp Chính phủ tháng 6/2015. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
“Công việc quan trọng như thế chỉ có một số bộ triển khai kế hoạch còn những bộ khác chưa có kế hoạch, chưa tập trung. Vướng mắc, khó khăn chậm trễ như thế thì chúng ta phải làm thế nào?”, Thủ tướng đặt câu hỏi và yêu cầu phải làm rõ quá trình triển khai Nghị quyết 19 có thuận lợi khó khăn gì để tập trung chỉ đạo, khắc phục, tháo gỡ vướng mắc cho DN.
Dẫn một số báo cáo đề cập vấn đề Việt Nam có tỷ lệ người dân sử dụng Internet cao hơn trung bình khu vực và thế giới nhưng chỉ số Chính phủ điện tử thấp, Thủ tướng yêu cầu phải đẩy mạnh hơn nữa ứng dụng công nghệ thông tin vào việc cung cấp các dịch vụ công trực tuyến, điều hành từ xa, đăng ký kinh doanh, nộp thuế điện tử...
“Tôi xin nhắc lại chúng ta cần tập trung chỉ đạo để cải thiện môi trường kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính, mà đầu tiên là phải rà soát, loại bỏ quy định không phù hợp, đưa ngay công nghệ thông tin vào quản lý, đề cao trách nhiệm của các cấp các ngành, nhất là người đứng đầu, có kế hoạch, lộ trình cụ thể. Trong hoạt động điều hành vấn đề gì còn hạn chế yếu kém cần tập trung làm rõ, không nói chung chung mà phải khắc phục cho được”, Thủ tướng nói.
Đã cải thiện nhưng cần nhanh hơn
Tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ kH&ĐT Bùi Quang Vinh cho biết quá trình thực hiện Nghị quyết 19 đã đạt được kết quả rất đáng khích lệ.
Cụ thể, với việc ban hành Luật DN 2014 (có hiệu lực từ ngày 1/7/2015), khởi sự kinh doanh giảm 5 thủ tục (từ 10 thủ tục xuống còn 5 thủ tục) và giảm thời gian từ 34 ngày xuống còn 17 ngày, trong đó thời gian đăng ký kinh doanh còn 3 ngày, vượt chỉ tiêu so với yêu cầu (Nghị quyết đặt chỉ tiêu 6 ngày). Theo đó, xếp hạng chỉ số này sẽ cải thiện từ vị trí 109 lên vị trí 37 (tăng 72 bậc), cao hơn nhiều so với mức trung bình của các nước ASEAN 6 (vị trí 99) và cao hơn trung bình của nhóm nước ASEAN 4 (vị trí 70).
Luật Doanh nghiệp 2014 có đổi mới đáng kể trong bảo vệ nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư thiểu số theo chuẩn mực và thông lệ quốc tế, nhờ đó cải thiện đáng kể điểm số về "Bảo vệ nhà đầu tư" (từ 3,33 điểm lên 6,2 điểm). Với mức cải thiện này, xếp hạng chỉ số "Bảo vệ nhà đầu tư" của nước ta sẽ tăng 105 bậc (từ vị trí 157 lên vị trí 52), đạt mức trung bình của nhóm nước ASEAN 6.
Về chỉ tiêu nộp thuế và bảo hiểm xã hội (BHXH), trong năm 2014 và đầu năm 2015, Bộ Tài chính đã ban hành và sửa đổi, bổ sung nhiều văn bản pháp luật, đẩy mạnh cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính về thuế và tháo gỡ khó khăn cho DN và người dân. Theo đó, số giờ nộp thuế dự kiến giảm được 380 giờ (từ 537 giờ/năm xuống còn 157 giờ/năm). Tuy vậy, thời gian nộp thuế vẫn chưa đạt yêu cầu của Nghị quyết và cần tiếp tục giảm thêm 35,5 giờ nữa.
Quy trình nộp BHXH đã được rút gọn. Thời gian nộp BHXH hội dự kiến giảm được 100 giờ, từ 335 giờ/năm xuống còn 235 giờ/năm. Mức giảm này còn khoảng cách tương đối xa so với mục tiêu là 49,5 giờ/năm, do đó BHXH cần tiếp tục giảm thêm 185,5 giờ.
Như vậy, tổng thời gian nộp thuế và BHXH dự kiến giảm được 480 giờ và cải thiện 27 bậc, từ vị trí 149 lên vị trí 122. Tuy nhiên, vị trí này vẫn thấp hơn khá nhiều so với trung bình của các nước ASEAN 6 (vị trí 67).
Với mục tiêu giảm thời gian tiếp cận điện năng, Bộ Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam từ đó ban hành các văn bản quy định rút ngắn thời gian tiếp cận điện năng được khoảng 30 ngày, từ 115 ngày xuống còn 85 ngày và thứ hạng cải thiện 12 bậc (từ vị trí 156 lên vị trí 144). Tuy nhiên, thời gian giảm chưa đạt yêu cầu của Nghị quyết và cần tiếp tục giảm thêm 15 ngày nữa.
Từ đầu năm 2015 đến nay, Bộ KH&ĐT đã phối hợp với các Bộ, cơ quan và địa phương thực hiện tập hợp, rà soát và phân loại các điều kiện kinh doanh tương ứng với 267 ngành nghề kinh doanh có điều kiện là 6.475 điều kiện kinh doanh thuộc các cấp độ khác nhau, trong đó 3.299 điều kiện hiện đang quy định tại 170 Thông tư, Quyết định của các Bộ sẽ đương nhiên bị bãi bỏ và hết hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/7/2016.
Nhiều Bộ, ngành, địa phương chưa chủ động
Thực hiện Nghị quyết 19, Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan đã rà soát và sửa đổi một số quy định, chính sách liên quan đến thông quan qua biên giới và kịp thời có công văn xử lý vướng mắc về thủ tục hải quan cho DN. Tuy nhiên, thủ tục xuất nhập khẩu hàng hóa không chỉ là trách nhiệm của Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan mà còn thuộc trách nhiệm của các Bộ, cơ quan quản lý chuyên ngành. Năm 2014, chưa nhiều Bộ chú trọng tới cải thiện thủ tục quản lý chuyên ngành theo hướng đơn giản hóa thủ tục, giảm thời gian và chi phí cho DN.
Đáng chú ý, Nghị quyết 19 yêu cầu 10 Bộ rà soát, đánh giá, sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật về quản lý hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu thuộc diện quản lý chuyên ngành đảm bảo phù hợp với thông lệ quốc tế; đồng thời phải chuyển mạnh sang sau hậu kiểm nhưng cho đến nay mới có 5 Bộ đã chủ động triển khai một số hành động theo hướng cải cách về nội dung thủ tục và phương thức thực hiện quản lý chuyên ngành. Nhiều quy định về kiểm định hàng nhập khẩu gây chi phí lớn cho DN.
Tính đến ngày 19/6/2015, Bộ KH&ĐT mới nhận được Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết 19 của 12 Bộ và cơ quan và 12 UBND các tỉnh, thành phố. Như vậy, vẫn còn 13 Bộ, cơ quan và 51 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chưa có Kế hoạch hành động. Đáng lưu ý, có địa phương dù được Ngân hàng Thế giới lựa chọn để điều tra, đánh giá xếp hạng về môi trường kinh doanh cho nước ta, nhưng đến nay cũng chưa có kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết.
Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho biết nhiều Bộ, cơ quan chưa cụ thể hóa cách thức triển khai thực hiện Nghị quyết và dự kiến kết quả đạt được có thể do chưa nắm rõ phương pháp, cách tính toán và ý nghĩa của các chỉ tiêu đề ra trong Nghị quyết, do đó việc xây dựng và thực hiện Kế hoạch hành động chưa bám sát các chỉ tiêu, nhiệm vụ và giải pháp theo yêu cầu của Nghị quyết. Tất cả Kế hoạch hành động của các địa phương đều không nêu rõ cách thức và lộ trình triển khai thực hiện.
Các bộ, cơ quan gồm Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, BHXH Việt Nam, Bộ Giao thông vận tải, Ngân hàng Nhà nước, Tập đoàn Điện lực Việt Nam và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đã hiểu đúng phương pháp và ý nghĩa của các chỉ tiêu Nghị quyết đề ra và đã tích cực, chủ động thực hiện các giải pháp theo yêu cầu.
“Nghị quyết 19 hiện nay đang được nhiều DN biết tới và kỳ vọng có được sự đổi mới, cải cách từ các Bộ, ngành. Theo đó, DN quan tâm nhiều hơn tới việc góp ý cho các dự thảo văn bản của các Bộ quản lý chuyên ngành trên cơ sở dẫn chiếu nhiệm vụ, yêu cầu từ Nghị quyết”, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nói.
Chấm dứt soạn thảo, ban hành điều kiện kinh doanh trái thẩm quyền
Từ thực tế triển khai Nghị quyết 19, Bộ KH&ĐT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ nhắc nhở các Bộ trưởng, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chưa xây dựng và ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 19; đồng thời, yêu cầu tất cả các Bộ trưởng, Chủ tịch UBND cấp tỉnh phải bám sát mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ và giải pháp của Nghị quyết số 19 để cụ thể hóa vào Chương trình hành động của ngành, địa phương; đảm bảo việc triển khai đạt được kết quả thiết thực, hiệu quả.
Các Bộ trưởng phải trực tiếp chỉ đạo quyết liệt để hoàn thành việc soạn thảo và ban hành các Thông tư thuộc thẩm quyền theo yêu cầu của Nghị quyết ngay trong quý III/2015; và hoàn thành soạn thảo các Nghị định thuộc thẩm quyền đã được giao chậm nhất trong quý IV/2015; không để kéo dài sang năm 2016; các nội dung bổ sung, sửa đổi phải đáp ứng được mục tiêu, yêu cầu của Nghị quyết 19, đảm bảo giải quyết được một cách triệt để các khó khăn, vướng mắc đối với DN, thực sự tạo thuận lợi cho hoạt động kinh doanh.
Các Bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải nghiên cứu, tìm hiểu rõ những đổi mới cơ bản của Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư; chấm dứt ngay việc soạn thảo và ban hành trái thẩm quyền các quy định về điều kiện kinh doanh. Đồng thời, các Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ phối hợp chặt chẽ với Bộ KH&ĐT tập hợp, phân loại tất cả các điều kiện kinh doanh trong ngành, lĩnh vực thuộc thẩm quyền quản lý nhà nước; nghiêm túc bãi bỏ hoặc đình chỉ áp dụng các quy định về điều kiện kinh doanh không còn hợp pháp.
Theo Chinhphu.vn