THCLQuá trình rà soát Quy hoạch cho thấy, đến năm 2020 cả nước sẽ thiếu hụt khoảng 15 triệu tấn thép thô, đến năm 2025, thiếu hụt sẽ vượt mức 20 triệu tấn thép thô, nhập siêu ngành thép sẽ ngày càng trầm trọng hơn.

Theo Bộ Công Thương, với năng lực sản xuất hiện tại, ngành thép Việt Nam có khả năng đáp ứng 100% nhu cầu trong nước về phôi thép và thép xây dựng.

Tổng công suất theo thiết kế các nhà máy đang hoạt động đạt khoảng 11 triệu tấn/năm. Tuy nhiên, tổng công suất các nhà máy có công suất thiết kế 500.000 tấn/năm trở lên chỉ ở mức 8 triệu tấn/năm.

Các nhà máy còn lại có tổng công suất khoảng 3 triệu tấn/năm có quy mô nhỏ, công nghệ lạc hậu, tiêu hao nhiều nhiên liệu, khả năng cạnh tranh thấp.

Đến năm 2020, Việt Nam cần bổ sung thêm khoảng 6 triệu tấn công suất thép phôi xây dựng có quy mô lớn, năng lực cạnh tranh cao để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng trong nước.

Tương lai Việt Nam có thể thiếu hụt thép trầm trọng - Hình 1

Đến năm 2020 Việt Nam có thể thiếu hụt 15 triệu tấn thép

Về thép cuộn cán nóng, Bộ Công Thương cho biết, Việt Nam mới chỉ có duy nhất Dự án Liên hợp thép Formosa Hà Tĩnh với công suất 7,5 triệu tấn, sử dụng lò cao dung tích 4530 m3 đã được đầu tư xây dựng. Khi đi vào hoạt động, sẽ là khu liên hợp thép đầu tiên tại Việt Nam sản xuất được các sản phẩm thép tấm cán nóng sẽ làm thay đổi diện mạo ngành thép Việt Nam. Tuy nhiên, sự cố tháng 5 năm 2014 và sự cố về môi trường vừa qua khiến dự án đang bị chậm tiến độ.

Ngoài Dự án Formosa, trong thời gian tới, ngành thép Việt Nam không có dự án sản xuất thép tấm cán nóng được triển khai, nhập siêu ngành thép đối với chủng loại này sẽ tiếp tục gia tăng.

Theo Bộ Công Thương, quá trình rà soát Quy hoạch cho thấy, đến năm 2020, cả nước sẽ thiếu hụt khoảng 15 triệu tấn thép thô, đến năm 2025, thiếu hụt sẽ vượt mức 20 triệu tấn thép thô, nhập siêu ngành thép sẽ ngày càng trầm trọng hơn.

Trước đây, do các doanh nghiệp trong nước không đủ năng lực tài chính và kỹ thuật nên Việt Nam phải kêu gọi các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư các Khu luyện thép liên hợp. Đến nay, đã có 3 dự án khu luyện thép liên hợp được cấp giấy chứng nhận nhận đầu tư là Dự án Khu liên hợp Cà Ná (Liên doanh giữa Tập đoàn Lion và Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam), Dự án Nhà máy thép Guanglian Dung Quất (nhà đầu tư Đài Loan) và Dự án của Công ty TNHH Gang Thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (Gọi tắt là Dự án Formosa). Trong số 3 dự án trên, chỉ có duy nhất Dự án Formosa Hà Tĩnh được triển khai, 2 dự án còn lại đã bị thu hồi giấy chứng nhận đầu tư do không tiến hành triển khai đúng quy định.

Đến nay, một số doanh nghiệp Việt Nam đã có đủ năng lực, có thể đầu tư các tổ hợp thép có quy mô lớn mà không cần đến các nhà đầu tư FDI.

Bộ Công Thương đánh giá, nếu chúng ta không phát triển các dự án Khu liên hợp luyện thép lò cao để sản xuất các loại thép phục vụ ngành cơ khí chế tạo, sẽ có một nghịch lý là sở hữu lượng quặng sắt rất lớn và các chất trợ dung, phụ liệu sản xuất, nhưng ngành cơ khí chế tạo, công nghiệp quốc phòng và đóng tàu phục vụ kinh tế biển lại phụ thuộc hoàn toàn vào thép nhập khẩu với khối lượng lớn. Điều này gây ra tình trạng nhập siêu lớn cho nền kinh tế, ảnh hưởng lớn tới sự ổn định kinh tế vĩ mô của đất nước.

Các loại thép sản xuất trong nước có nhiều lợi thế cạnh tranh so với thép nhập khẩu trong điều kiện cạnh tranh bình đẳng, không có yếu tố trợ giá. Thời gian qua, Bộ Công Thương đã tiến hành các biện pháp tự vệ đối với một số sản phẩm thép nhập khẩu có trợ giá của nước ngoài. Giai đoạn này là thời điểm thích hợp để Việt Nam phát triển ngành công nghiệp thép.

 Gia Huy