THCL Theo Cục Khảo thí & Kiểm định chất lượng (Bộ GD&ĐT), cả nước có trên 1 triệu thí sinh đăng ký dự thi kỳ thi THPT quốc gia, trong đó có 279.001 thí sinh đăng ký thi chỉ để xét tốt nghiệp.

Sự thay đổi lớn

Lanh đạo Cục Khảo thí & Kiểm định chất lượng cho biết, đến ngày 20/5, dữ liệu thí sinh dự thi theo báo cáo của các đơn vị trên toàn quốc cho thấy, tổng số thí sinh đăng ký dự thi kỳ hti THPT quốc gia là 1.004,484. Trong đó, số thí sinh thi chỉ để xét tốt nghiệp là 279.001; số thí sinh thi với 2 mục đích vừa tốt nghiệp vừa xét tuyển vào ĐH, CĐ là 592.934; số thí sinh tự do (chỉ thi ĐH) là 132.552.

Đây là một bất ngờ lớn bởi là năm đầu tiên áp dụng phương pháp tuyển sinh ĐH mới, cũng là năm có số lượng thí sinh đăng ký dự thi ĐH giảm đáng kể.

Đặc biệt, số thí sinh đăng ký dự thi ở cụm thi địa phương chỉ nhằm xét tốt nghiệp THPT trong kỳ thi THPT quốc gia sắp tới khá lớn, nhất là ở vùng sâu, vùng xa. Như tại Cao Bằng, tổng số thí sinh dự kỳ thi THPT quốc gia là 5.998 thì có tới gần một nửa dự thi chỉ để xét tốt nghiệp. Tại Lai Châu, có tới 1.894/3.124 thí sinh (gần 60%) đăng ký dự thi tại cụm thi, do Sở GD&ĐT chủ trì. Nghệ An có 12.000 thí sinh đăng ký dự thi chỉ để xét tốt nghiệp/tổng số gần 37.000 thí sinh, chiếm xấp xỉ 1/3. Tại Hà Nội, đại diện Sở GD&ĐT cho biết, trong số hơn 83.000 thí sinh đăng ký dự thi thì có hơn 12.000 thí sinh đăng ký chỉ xét tốt nghiệp.

Tỉnh Nam Định, năm nay đa số học sinh đăng ký dự thi kỳ thi THPT quốc gia với 2 mục đích. Cụ thể, số lượng thí sinh đăng ký dự thi THPT quốc gia năm 2015, có tổng số thí sinh là 22.418, trong đó có 5.510 thí sinh chỉ thi tốt nghiệp (chiếm 24,6%); 14.721 thí sinh dự thi với 2 mục đích là xét tốt nghiệp THPT và tuyển sinh vào ĐH, CĐ (65,6%) và 2.287 thí sinh chỉ thi tuyển sinh

Từ những con số trên, có thể thấy một sự thay đổi khá lớn. Nếu những năm trước, lượng thí sinh dự thi ĐH, CĐ vào khoảng 85%, còn lại là những thí sinh không đỗ tốt nghiệp THPT hoặc không có nhu cầu thi thì năm nay, tỷ lệ thí sinh không có nhu cầu thi ĐH tăng đáng kể. Theo lãnh đạo các trường và các sở GD&ĐT, có thể do công tác tư vấn tuyển sinh tại các trường tác động đến việc chọn lựa của thí sinh.

ThS. Nguyễn Hoàng Nghĩa (GV Trường ĐH Thăng Long, Hà Nội) cho biết, năm nay, các em học sinh đã biết lựa chọn những ngành nghề hợp với khả năng của mình, thậm chí có rất nhiều em chỉ đăng ký thi tốt nghiệp sau đó học nghề để đi làm.

Chọn thi theo khối

Cũng theo thống kê của Cục Khảo thí, thí sinh đăng ký các môn thi năm nay, môn lịch sử vẫn ít thí sinh nhất. Cụ thể: Môn toán  959.299; ngữ văn 937.304; ngoại ngữ 743.067; vật lý 470.867; hóa học 459.310; sinh học 283.033; lịch sử 153.688 và môn địa lý 386.94…

Phân theo môn thi, có 22.035 thí sinh đăng ký thi môn toán; 20.998 thí sinh đăng ký thi ngữ văn và 19.233 thí sinh thi ngoại ngữ.
Các môn tự chọn, nhiều nhất là vật lý với 13.225 thí sinh đăng ký; tiếp đến là hóa học với 12.148 thí sinh; địa lý 6.112 thí sinh; sinh học 4.323 thí sinh và lịch sử 1.738 thí sinh đăng ký.

Trong số các thí sinh Nam Định đăng ký thi THPT quốc gia với 2 mục đích, có 9.674 dự thi tại hội đồng thi Trường ĐH Bách khoa Hà Nội; 3.856 thí sinh dự thi tại Hội đồng thi Học viện Kỹ thuật Quân sự (cơ sở 1 ở phía Bắc); 3.363 thí sinh thi tại Hội đồng Trường ĐH Kinh tế quốc dân… Riêng Hội đồng thi tại Sở GD&ĐT Nam Định có 5.510 thí sinh dự thi.

Kết thúc thời hạn đăng ký (30/4), con số tổng hợp ban đầu lượng hồ sơ của thí sinh cho thấy, tại tỉnh Phú Yên, kỳ thi THPT quốc gia 2015, đa số các thí sinh trong tỉnh dự thi tại cụm thi do trường ĐH chủ trì đăng ký thi môn vật lý.

Cụ thể, thống kê số thí sinh đăng ký tại Hội đồng thi Trường ĐH Nha Trang, ngoài toán, ngữ văn và ngoại ngữ, vật lý có số lượng đăng ký nhiều nhất với 6.317 thí sinh; tiếp đến là hóa học với 5.933 thí sinh, sinh học 3.543 thí sinh, địa lý 2.501 thí sinh và lịch sử 1.613 thí sinh.

Tuy nhiên, tại cụm thi địa phương (thí sinh chỉ lấy kết quả thi để xét tốt nghiệp) thì môn địa lý lại chiếm ưu thế với 854 thí sinh đăng ký; sau đó là sinh học 650, hóa học 518, vật lý 315 và lịch sử 105.

Tại Hà Nội, thí sinh có xu hướng chọn các môn tự nhiên phù hợp với tổ hợp môn thi của các trường ĐH khối A, A1. Cụ thể, Trường THPT Việt Đức, theo thống kê của nhà trường, học sinh chọn môn vật lý nhiều nhất, tiếp đến là môn hóa học 235 học sinh, địa lý 203 học sinh, trong khi môn lịch sử chỉ có 27 học sinh đăng ký.

Tại Trường THPT Lương Thế Vinh, số học sinh chọn môn vật lý chiếm tới 70%, sau đó là môn hóa học và địa lý, trong khi môn lịch sử chỉ có 1 học sinh đăng ký thi. Các trường được xem là tốp đầu của Hà Nội như THPT Thăng Long, Kim Liên, Chu Văn An, Trần Phú…, đa số học sinh chọn môn vật lý.

Cán bộ một số trường có chung nhận định, đa số học sinh khi vào lớp 10 THPT đều đã định hướng nghề nghiệp trong tương lai, do vậy, các em lựa chọn môn học, chọn môn theo khối thi (đa số chọn khối A). Bởi vậy, việc lựa chọn thi môn lịch sử, chỉ để xét tốt nghiệp. Thậm chí, có những trường, học sinh không đăng ký thi ĐH môn lịch sử…

Trái ngược với các tỉnh, thành phố lớn, thí sinh tại các tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa lại có xu hướng chọn các môn xã hội. Đại diện Sở GD&ĐT Điện Biên cho biết, môn xã hội được thí sinh lựa chọn nhiều hơn môn tự nhiên. Cụ thể, có tới 3.962 thí sinh đăng ký dự thi môn địa lý (trên 63%), 3.262 thí sinh chọn thi môn lịch sử (trên 52%). Tại Cao Bằng, thí sinh đăng ký thi môn địa lý chiếm gần 73%, lịch sử khoảng 52%, vật lý khoảng 19%, hóa học khoảng trên 25%, thấp nhất là ngoại ngữ chỉ khoảng 8%...

Thanh Hoa