Năm 2024, mặc dù đối mặt với nhiều thách thức, tỉnh Nghệ An đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Tốc độ tăng trưởng GRDP ước đạt 9,01%, đứng thứ hai khu vực Bắc Trung Bộ và thứ 13 cả nước. Tổng thu ngân sách nhà nước ước đạt hơn 25.517 tỷ đồng. Đặc biệt, Nghệ An thu hút FDI đạt mức cao nhất từ trước đến nay với 1.745,2 triệu USD, đưa Nghệ An tiếp tục nằm trong top 10 cả nước về thu hút FDI trong ba năm liên tiếp.
Một số chỉ tiêu khác cũng ghi nhận sự tăng trưởng mạnh mẽ: Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 10,87%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng đạt 157.356,3 tỷ đồng, tăng 28,82%; tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 3,9 tỷ USD, trong đó xuất khẩu hàng hóa tăng 31,57%.
Du lịch là điểm sáng khi thu hút 9,2 triệu lượt khách, trong đó có 5,8 triệu lượt khách lưu trú, mang lại doanh thu 11.000 tỷ đồng. Giáo dục tiếp tục giữ vững thành tích, đứng trong tốp đầu cả nước về học sinh giỏi, kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2024 xếp thứ 12 toàn quốc, tăng 10 bậc so với năm trước. Đồng thời, tỉnh đã giải quyết việc làm cho khoảng 48.500 lao động trong năm qua.
Ngành y tế đạt nhiều chuyển biến tích cực trong chăm sóc sức khỏe và phòng chống dịch bệnh. Công tác cải cách hành chính, kỷ luật công vụ và chuyển đổi số được triển khai mạnh mẽ. Về quốc phòng – an ninh, trật tự an toàn xã hội tiếp tục được giữ vững.
Trong năm, tỉnh Nghệ An hoàn thành nhiều nhiệm vụ trọng tâm như việc Quốc hội thông qua Nghị quyết số 137/2024/QH15 về các cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng ban hành Nghị quyết số 1243/NQ-UBTVQH15 về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã. Ngoài ra, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt kế hoạch thực hiện quy hoạch tỉnh Nghệ An giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Tuy đạt nhiều thành tựu, tỉnh Nghệ An vẫn đối mặt với một số hạn chế như: Tỷ lệ xử lý cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng chưa đạt kế hoạch; cơ cấu thu ngân sách chưa bền vững; tiến độ giải ngân vốn đầu tư công còn chậm. Ngành y tế gặp khó khăn trong thực hiện cơ chế tự chủ, thiếu nhân lực và vẫn còn cơ sở hành nghề không đủ điều kiện hoạt động. Công tác cải cách hành chính, chuyển đổi số dù đã có chuyển biến nhưng vẫn chưa đáp ứng kỳ vọng.
Năm 2024, các cơ quan báo chí đã bám sát định hướng thông tin, phản ánh kịp thời và toàn diện tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng – an ninh của Nghệ An. Đặc biệt, báo chí đã tích cực đồng hành trong việc kêu gọi hỗ trợ các cá nhân khó khăn, góp phần thực hiện chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát.
Tại họp báo, lãnh đạo tỉnh và các sở, ngành đã giải đáp nhiều vấn đề báo chí quan tâm như tình trạng quảng cáo sai sự thật tại các cơ sở thẩm mỹ, tình trạng “cò” tại Trung tâm Phục vụ hành chính công, việc sắp xếp tài sản công sau khi sáp nhập các đơn vị hành chính, cũng như giải pháp cho tình hình tuyển sinh lớp 10 tại TP Vinh.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Đình Long đề nghị báo chí tiếp tục tuyên truyền về các nhiệm vụ trọng tâm, đặc biệt là sắp xếp tổ chức bộ máy theo Nghị quyết số 18. Ông cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phản ánh các vấn đề còn tồn tại để tạo sự đồng thuận trong nhân dân. Ngoài ra, các cơ quan báo chí cần tập trung tuyên truyền về công tác chăm lo Tết Nguyên đán 2025, phòng chống tội phạm, đảm bảo an ninh trật tự, và bình ổn giá cả thị trường.
Nhân dịp Xuân Ất Tỵ 2025, Phó Chủ tịch UBND tỉnh gửi lời chúc tốt đẹp tới các nhà báo và gia đình, hy vọng họ tiếp tục đồng hành cùng tỉnh trong chặng đường phát triển sắp tới.
Lê Quyết