THCL Thật đáng buồn vì văn hóa giao thông của người dân đang “lùn” đi một cách nghiêm trọng!
Thừa nhận một điều rằng, tham gia giao thông là quyền và nhu cầu chính đáng của mỗi người theo luật định, giao thông luôn góp phần quan trọng thúc đẩy sự phát triển của xã hội. Tuy nhiên, Chính sự “lùn” về văn hóa giao thông đã khiến TNGT giờ đây không còn là nỗi đau của riêng ai, nó có tác động xấu đến tương lai, số phận của gia đình trong xã hội. Mặc dù con số nêu trên chưa đầy đủ, nhưng đó là những con số biết nói khiến bao người phải đắn đo, suy nghĩ. Vậy cái sự “lùn” đó như thế nào?
Vì “văn hóa lùn” về giao thông lên ngôi nên sự tôn trọng, nhường nhịn những đối tượng tham gia giao thông như trẻ em, người lớn tuổi, phụ nữ mang thai và những người tàn tật, biết giúp đỡ những người bị nạn, người gặp rủi ro trên đường, giờ đây dường như rất hiếm.
Mọi người tham gia giao thông trong thời buổi “chủ nghĩa thực dụng” lên ngôi nên ai cũng vội vã đến mức thờ ơ với mạng sống của người khác, cũng như với chính bản thân mình. Chính “nhịp đập” của nền kinh tế thị trường tác động đến những vòng quay của những bánh xe trên đường, nó ngày một vội hơn, nhanh hơn để cho kịp giờ giao hàng, nhận hàng… Và nhịp đập kinh tế thị trường khiến cho chúng ta đang “lạnh” dần đi về tâm hồn - những trường hợp phóng nhanh, vượt ẩu gây tai nạn rồi bỏ trốn không có một chút trách nhiệm gì (?).
Cái sự “lùn” đó khiến người ta đã ít dần đi việc tỏ thái độ lên án với những hành vi thiếu văn hóa của người tham gia giao thông như không đội mũ bảo hiểm, không giấy tờ xe, lạng lách, phóng nhanh, đua xe, gây tai nạn... Đó là những hành vi thiếu văn hóa trong quá trình tham gia giao thông đường bộ, thể hiện sự vô cảm, không xem trọng tính mạng con người, không trân trọng cuộc sống của con người.
Cũng chính sự “lùn” đó mà khi con người ta tham gia giao thông, ít khi quan tâm và có hiểu biết sâu về các thông tin liên quan đến các cơ quan chức năng để kịp thời ứng phó, trợ giúp lực lượng chuyên ngành như hiểu biết về số điện thoại bệnh viện, cứu thương, báo công an… khi cần thiết. Đây là sự thật đáng buồn!
Trong khi đó, bản thân chúng ta lại chưa trang bị được những kỹ năng cần thiết để trợ giúp cho chính bản thân và người bị nạn khi gặp sự cố. Đã có quá nhiều trường hợp, người ta vô cảm đứng nhìn người bị nạn, dù người đó đang trong tình trạng nguy kịch. Giá như họ biết nhấc máy gọi sớm cho lực lượng chức năng, thay vì chen chân đứng nhìn thì đã không có nhiều trường hợp đáng tiếc xảy ra?...
Dù có nói gì đi chăng nữa, thì chúng ta chấp nhận một thực tế đang diễn ra: Chiến tranh đã đi qua, nghèo đói từng bước được đẩy lùi, nhưng TNGT vẫn luôn rình rập hàng ngày, hàng giờ trong các hoạt động sống, sinh hoạt của mỗi con người. Chúng ta suy nghĩ gì, khi một đất nước với hơn 90 triệu dân: trung bình 30 người chết/ngày?
Đã đến lúc, các nhà quản lý, những người “cầm cân nảy mực” cần phải thẳng thắn nhìn nhận vào thực trạng giao thông nước nhà để có những quyết sách, chiến lược cho phù hợp, chứ không thể cứ “sáng cắp ô đi, chiều cắp dù về”, chỉ việc nhận số liệu từ cấp dưới báo lên, nhận chỉ thị từ cấp trên báo về như một rô bốt…?
Đồng thời, chúng ta cũng cần phải hiểu rõ rằng: Không có một đất nước nào, dù pháp luật có hoàn thiện đến đâu cũng không thể dẫn dắt toàn bộ hành vi của con người. Mà nó xuất phát từ chính bản thân mỗi người. Chỉ khi sự tự ý thức, trách nhiệm của mỗi người với chính bản thân nói riêng và xã hội nói chung lên ngôi thì khi đó, chúng ta mới có quyền hy vọng về một đất nước có nền văn hóa giao thông chuẩn và đẹp
ThS. Lầu Văn Thanh