Tính đến chiều ngày 21/03, có Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) và Ngân hàng Thương mại TNHH MTV Đại Dương (Oceanbank) niêm yết lãi suất kỳ hạn 12 tháng là 9%/năm.

Tương tự, Ngân hàng TMCP Phát triển TP Hồ Chí Minh (HDBank) cũng áp dụng lãi suất 9%/năm cho kỳ hạn 12 tháng nhưng lại đi kèm điều kiện về số tiền gửi. Theo đó, tối thiểu khách hàng phải gửi từ 300 tỷ đồng mới được nhận lãi suất 9%/năm, còn nếu số tiền gửi ít hơn, ngân hàng này áp dụng lãi suất 7,4%/năm.

Còn tại Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) tuy niêm yết lãi suất kỳ hạn 12 tháng là 8,4%/năm khi gửi tại quầy và 8,8%/năm khi gửi online nhưng nếu khách hàng gửi tiền trực tuyến từ 50 tỷ đồng trở lên, ngân hàng này sẽ áp dụng cộng thêm 0,7%/năm so với lãi suất điện tử. Như vậy lãi suất cao nhất cho kỳ hạn 12 tháng tại OCB có thể lên tới 9,5%/năm.

Ngân hàng TMCP Bản Việt (Viet Capital Bank) cũng vừa giảm lãi suất huy động khoảng 0,2 - 0,6%/năm với nhiều kỳ hạn. Cụ thể, lãi suất tiền gửi tại quầy kỳ hạn 24 tháng giảm còn 8,7%/năm; kỳ hạn 12 tháng còn 8,3%... Lãi suất tiền gửi trực tuyến các kỳ hạn tương ứng nhỉnh hơn gửi tại quầy 0,2%/năm. Tuy nhiên, lãi suất huy động cao nhất tại ngân hàng này cũng chỉ ở mức 9%/năm, dành cho kỳ hạn từ 36 tháng trở lên.

Đáng chú ý, các ngân hàng Ngân hàng TMCP Bảo Việt (BaoVietBank), Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công Thương (Saigonbank), Ngân hàng TMCP Kiên Long (Kienlongbank), Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín (VietBank)... vốn nằm trong nhóm những ngân hàng có lãi suất huy động cao nhất cũng đã điều chỉnh hạ lãi suất kỳ hạn 12 tháng xuống còn 8,8 - 8,9%/năm.

Ngân hàng đồng thuận giảm lãi suất huy động từ 6/3. (Ảnh minh họa)
Ngân hàng đồng thuận giảm lãi suất huy động từ 6/3. (Ảnh minh họa).

Vào hồi đầu tháng 03/2023, có tới 10 ngân hàng niêm yết lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng từ 9 - 9,5%/năm, lác đác một số ngân hàng huy động từ 9 - 9,3%/năm cho các kỳ hạn 06 và 09 tháng thì đến thời đểm hiện tại chỉ còn 04 ngân hàng áp dụng lãi suất từ 9%/năm cho kỳ hạn 12 tháng, lãi suất các kỳ hạn ngắn hơn đều đã giảm sâu xuống dưới mức này, phổ biến giảm từ 0,3 - 0,5%/năm.

Tại các Ngân hàng TMCP Đông Á (DongA Bank), Ngân hàng TMCP Việt Á (VietABank)... cũng giảm mạnh lãi suất nhiều kỳ hạn với bước giảm từ 0,3 - 0,65%/năm. Trong đó, DongA Bank giảm lãi suất tiết kiệm kỳ hạn từ 01 - 03 tháng từ 6%/năm xuống 5,5%/năm; kỳ hạn 06 tháng giảm từ 8,55%/năm xuống 7,9%/năm. Ngân hàng này đang niêm yết lãi suất cao nhất là 8,6%/năm cho kỳ hạn 13 tháng. Tuy nhiên nếu gửi tiền kỳ hạn 13 tháng từ 500 tỷ đồng trở lên, cộng biên độ lãi suất 0,7%/năm, khách hàng sẽ được hưởng tới 9,3%/năm;

Còn tại VietABank, lãi suất tiền gửi trực tuyến giảm từ mức 9 - 9,1%/năm xuống còn 8,5 - 8,6%/năm cho kỳ hạn từ 06 đến 11 tháng; các kỳ hạn 12, 13 và 15 tháng cũng giảm tương ứng xuống còn 8,7%/năm;

Trong khi tại NCB, lãi suất kỳ hạn 6 tháng hiện còn 8,5%/năm; 12 tháng là 8,55%/năm và 60 tháng là 8,2%/năm. Lãi suất cao nhất tại ngân hàng này cũng giảm từ 9%/năm xuống 8,65%/năm, áp dụng cho tiết kiệm online kỳ hạn từ 15 - 30 tháng.

Đợt giảm lãi suất huy động vừa qua không chỉ ghi nhận tại các ngân hàng thương mại quy mô nhỏ mà ngay cả tại 04 ngân hàng lớn, xu hướng cũng tương tự dù bước giảm ít hơn.  Cụ thể, tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) và Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) đang niêm yết lãi suất cao nhất ở mức 7,2%/năm cho kỳ hạn từ 12 tháng trở lên, giảm 0,2%/năm so với trước đó. Đối với kỳ hạn từ 6 - 9 tháng, lãi suất phổ biến ở mức 5,8%/năm, riêng BIDV niêm yết lãi suất nhỉnh hơn cho kỳ hạn 09 tháng là 5,9%/năm.

Trước tình hình trên, giới chuyên gia dự báo xu hướng giảm lãi suất sẽ còn tiếp diễn trong thời gian tới, nhất là khi Ngân hàng Nhà nước vừa quyết định giảm một số loại lãi suất điều hành. Từ ngày 15/03, Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh giảm lãi suất tái chiết khấu từ 4,5%/năm xuống 3,5%/năm; lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của Ngân hàng Nhà nước đối với tổ chức tín dụng giảm từ 7%/năm xuống 6%/năm. Riêng lãi suất tái cấp vốn giữ nguyên ở mức 6%/năm.

Bên cạnh đó, mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND cho một số lĩnh vực, ngành kinh tế giảm từ 5,5%/năm xuống 5%/năm; lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của Quỹ tín dụng nhân dân và Tổ chức tài chính vĩ mô đối với các nhu cầu vốn này giảm từ 6,5%/năm xuống 6%/năm.

Nhận định về giảm lãi suất huy động, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cho hay: “Việc giảm lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước sẽ hỗ trợ các tổ chức tín dụng trong việc tiếp cận vốn từ Ngân hàng Nhà nước qua các công cụ như cho vay tái chiết khấu, cho vay liên ngân hàng. Qua đó, giúp các tổ chức tín dụng có điều kiện giảm lãi suất cho vay”.

Theo ông Lực, lãi suất giảm, trước mắt là lãi suất cho vay ngắn hạn, sẽ hỗ trợ doanh nghiệp, bên vay vốn, giảm một phần chi phí tài chính. Đồng thời, doanh nghiệp có thể huy động vốn mới từ vay nợ hay phát hành trái phiếu với lãi suất thấp hơn, góp phần tăng khả năng trả nợ, giảm rủi ro nợ xấu...

“Việc giảm lãi suất điều hành sẽ giúp thanh khoản hệ thống ngân hàng dồi dào hơn, các ngân hàng thương mại cũng có nhiều dư địa và chủ động hơn trong việc giảm lãi suất cho vay và lãi suất huy động”, theo Công ty cổ phần Chứng khoán Agribank (Agriseco) nhận định.

Minh An (T/h)