THCL Tại phiên họp của BCĐ liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế mới đây, ông Trần Quốc Khánh, Thứ trưởng Bộ Công thương với tư cách Trưởng đoàn đàm phán Chính phủ về hội nhập kinh tế TM quốc tế cho biết, Việt Nam đã tham gia và hoàn tất đàm phán 12 hiệp định TM tự do (FTA).

Chưa tận dụng hết cơ hội

Ông Khánh nêu dẫn chứng: Việt Nam đã tận dụng tốt một số FTA với đối tác có nền kinh tế phát triển. Ví dụ, FTA với Nhật Bản, chúng ta từ nhập siêu chuyển sang xuất siêu hàng hóa. FTA với Hàn Quốc cũng giúp đầu tư tăng mạnh và XK tăng khá dẫn đến chênh lệch XK và NK thu hẹp.

Tuy nhiên, ông Khánh cũng phàn nàn về thực tế khả năng nắm bắt cơ hội của các DN nội chưa thực sự rõ ràng.

Theo lãnh đạo Bộ Công thương, các DN nội thường tìm cơ hội làm ăn trong nước hơn là mở rộng ra bên ngoài. Cách làm ăn kinh doanh như vậy, chưa khuyến khích DN tiến ra bên ngoài.

Ông Khánh cũng thừa nhận, khi các FTA được ký kết, khối DN có vốn đầu tư nước ngoài có sự chuẩn bị tốt hơn các DN Việt Nam. Họ nắm bắt cơ hội tốt hơn thì tạo cơ hội việc làm cho người dân, đây là điều đáng hoan nghênh, nhưng phải suy nghĩ nghiêm túc kết nối DN FDI với DN trong nước để tạo ra lan tỏa với nước ngoài.

Dù vậy, ông Khánh cũng ghi nhận tín hiệu tích cực là một loạt DN Việt hiện nay như Vinamilk, Vĩnh Hoàn, Minh Phú… đã tìm cách tiến ra bên ngoài.

Bên cạnh đó, lãnh đạo Bộ Công thương cho rằng, Việt Nam cũng cần áp dụng các biện pháp kỹ thuật như tự vệ TM, chống bán phá giá để bảo đảm môi trường cạnh tranh công bằng cho sản xuất trong nước.

"Thời gian tới, nếu chúng ta có nhu cầu đàm phán FTA với đối tác nào khác thì theo nguyên tắc lựa chọn những đối tác có cơ cấu kinh tế bổ sung cho ta và là thị trường lớn”, ông Khánh kiến nghị.

Ông Nguyễn Thế Phương, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT nhận định: DN trong nước chưa hiểu hết được lợi ích có thể đạt được thông qua các FTA, chưa nắm được để đạt lợi ích cần chuẩn bị những gì. Quan trọng nhất để tham gia cuộc chơi này là nâng cao năng lực cạnh tranh của từng sản phẩm, từng ngành nghề thì mới tận dụng được cơ hội.

"Năng lực không đủ thì không cạnh tranh được, thua ngay các nước trong ASEAN, chưa nói tới các nước phát triển”, ông Phương đánh giá.

Đại diện Bộ LĐ-TB&XH cho rằng: Nếu tận dụng được các FTA đã ký kết thì mới có thu nhập, tạo việc làm cho người lao động.

Chuẩn bị "xe cộ"ra thế giới

Phát biểu tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ kiêm Trưởng ban chia sẻ: "Năm 2015, chúng ta đã gặt hái được rất nhiều FTA quan trọng. Tất cả đối tác kinh tế lớn thì Việt Nam đều có quan hệ thương mại như khối G7, hầu hết các nền kinh tế trong G20…

Vì việc ký các hiệp định như "mở đại lộ thênh thang đi ra thế giới”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh: Đại lộ có rồi, phần còn lại là chuẩn bị "xe"của Việt Nam thế nào, xăng nhớt phải ngon lành để đi trên con đường ấy.

Dẫn chứng Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) hình thành từ cuối năm 2015, ông Huệ cho biết: Tôi vừa nhận được số liệu của Tổng cục Thống kê. 7 tháng năm nay, kim ngạch 2 chiều giữa Việt Nam với các nước ASEAN khoảng 22,8 tỷ USD, giảm 8,3% so cùng kỳ. Trong đó, XK đạt 9,5 tỷ USD, giảm tới 12,3% so cùng kỳ. NK từ ASEAN 13,2 tỷ USD, giảm 5,1%.

"Cân đối thương mại, chúng ta nhập siêu 3,6 tỷ USD. Nhập siêu lớn nhất là từ Malaysia, Singapore, Thái lan và chỉ thặng dư với Lào, Campuchia…”, Phó Thủ tướng cho biết.

Qua các số liệu trên, Phó Thủ tướng cảnh báo Việt Nam có rủi ro trở thành vùng trũng tiêu thụ hàng hóa của khu vực.

"Rủi ro đó có tiếp tục không? Nhà nước chuẩn bị gì, DN chuẩn bị gì, hiệp hội ngành hàng, người dân chuẩn bị thế nào”, Phó Thủ tướng sốt ruột.

Phó Thủ tướng lưu ý: Việc chuẩn bị các điều kiện trong nước và tổ chức thực thi phải tương xứng những gì đạt trên bàn đàm phán để tận dụng thời cơ, vượt qua được thách thức. Tôi làm trưởng ban thì các đồng chí không ngồi một chỗ được đâu, thời gian tới còn rất nhiều việc phải làm.

Bùi Quyền