Bài 1: Hà Nội: Hàng loạt bãi chứa, trung chuyển vật liệu trái phép vẫn ngang nhiên hoạt động

Bài 2: Chưa xử lý được sai phạm do có người trên huyện can thiệp?

Trên địa bàn xã Hồng Vân (Thường Tín, Hà Nội) có 6 bãi tập kết, trung chuyển VLXD, hoạt động từ năm 2008 đến nay, trong đó chỉ có 1 bãi được UBND tỉnh Hà Tây (cũ) cấp phép. Theo ông Nguyễn Văn Quyết, PCT UBND xã Hồng Vân cho biết: “Nguyên nhân dẫn tới việc các bãi tập kết, trung chuyển VLXD trái phép này vẫn hoạt động là do có một số cán bộ trên huyện điện về mong tạo điều kiện, nên rất khó xử lý”.

Các bãi trung chuyển VLXD sử dụng đất trái phép trên địa bàn Huyện Thường tín vẫn công khai hoạt động.

Vẫn công khai hoạt động

Như báo Thương hiệu & Công luận đã phản ánh, qua quá trình thanh, kiểm tra các bãi chứa, trung chuyển vật VLXD ven sông trên địa bàn TP. Hà Nội, Sở TN&MT Hà Nội đã phát hiện hàng loạt đơn vị ở nhiều địa phương sử dụng đất sai mục đích, chiếm đất trái phép…

Qua kiểm tra các bãi chứa, trung chuyển VLXD của các đơn vị trên địa bàn huyện Thường Tín (Hà Nội), Đoàn thanh tra Sở TN&MT Hà Nội đã điểm mặt hàng loạt bãi chứa sử dụng đất ven sông không có thủ tục pháp lý về đất đai tại các xã Hồng Vân, Ninh Sở. Riêng tại xã Ninh Sở, Hồng Vân đoàn thanh tra phát hiện hàng loạt bãi chứa không phép, lấn chiếm, sử dụng đất không phù hợp với quy hoạch...

Theo đó, UBND cấp xã phải hủy bỏ mọi văn bản dưới dạng hợp đồng, biên bản tạm giao hay hình thức khác cho tổ chức, cá nhân sử dụng đất bãi ven sông mà trên thực tế đang bị sử dụng đất làm bãi chứa, trung chuyển VLXD trái phép.

Đông thời lãnh đạo các địa phương phải chấp hành việc xử lý trách nhiệm của tập thể và cá nhân để xảy ra tình trạng vi phạm kéo dài. Trường hợp đơn vị đang hoạt động bãi chứa, trung chuyển vật liệu xây dựng không phù hợp với quy hoạch, thì UBND cấp xã phải báo cáo UBND cấp huyện, chỉ đạo kiên quyết xử lý giải tỏa, trả lại mặt bằng.

Liên quan đến việc xử lý các bãi tập kết, trung chuyển VLXD trái phép đang hoạt động trên địa bàn, ông Nguyễn Văn Quyết, Phó chủ tịch UBND xã Hồng Vân (Thường Tín, Hà Nội) cho biết, trên địa bàn xã hiện tại có 6 bãi trung chuyển vật liệu, các bãi này hoạt động từ năm 2008 đến nay. Trong đó, chỉ có bãi của gia đình anh Trần Xuân Trán là được UBND Tỉnh Hà Tây cũ cấp phép (đến nay cũng đã hết hạn), còn các bãi còn lại chủ yếu do các chủ bãi thuê lại đất canh tác của người dân, sử dụng đất sai mục đích.

Về phương án xử lý, ông Quyết cho hay: “Trước việc các bãi trung chuyển sử dụng đất sai mục đích, UBND Xã đã phối hợp với phòng TNMT kiểm tra, xử phạt hành chính. Đến tháng 6/2013, UBND xã đã kết hợp cùng phòng TN&MT, Chi cục Quản lý Đê Điều kiểm tra đình chỉ hoạt động của các bãi trung chuyển trên” .

Tuy nhiên, theo khảo sát của phóng viên sáng ngày 6/3/2015 tại các bãi tập kết, trung chuyển VLXD trên địa phận xã Hồng Vân, Ninh Sở thì các bãi tập kết, trung chuyển VLXD được Thanh tra sở TN&MT “điểm mặt” vẫn “phớt lờ” quy định, công khai hoạt động suốt ngày đêm. Dàn máy múc, xe tải vận chuyển vật liệu xây dựng vẫn hoạt động hết công suất. Một số tuyến đường đang bị “băm nát” bởi dàn xe quá tải vận chuyển VLXD , một số tuyến khác do VLXD rơi vãi trên đường gây ô nhiễm môi trường trầm trọng, gây cản trở giao thông, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn rất cao.

Điều đáng nói là dù các bãi này công khai hoạt động suốt ngày đêm, nhưng có mặt tại đây, phóng viên không hề thấy sự can thiệp nào từ phía chính quyền sở tại như ông Quết nói. Trái lại việc khai thác, vận chuyển VLXD tại các bãi này còn diễn ra với quy mô lớn hơn, mật độ nhiều hơn.


Nhiều tuyến đường đang bị “băm nát” bởi xe quá khổ, quá tải

Có cấp trên chỉ đạo nên… “khó” xử lý

Liên quan đến việc các bãi tập kết, trung chuyển VLXD sử dụng đất sai mục đích, lấn chiếm đất trái phép… hoạt động từ năm 2008 đến nay không bị xử lý theo quy định, ông Quyết cho hay: Đến tháng 6/2013, tất cả các bãi này đều bị đình chỉ, nghiêm cấm hoạt động và yêu cầu hoàn trả mặt bằng trong năm 2014. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại vẫn chưa hoàn thành là do bãi này cung cấp toàn bộ VLXD cho huyện Thường Tín, 3 cụm công nghiệp trên địa bàn huyện cũng như các hộ dân nơi đây.

Nếu không có các bến bãi này thì người dân cũng như các cụm công nghiệp ở đây phải đi lên tận Sơn Tây mua cát. Mặt khác, khi UBND Thành Phố yêu cầu bàn giao mặt bằng thì giá thành các loại VLXD trước khi nhập vào lại cao hơn giá thành VLXD bán tại thời điểm hiện tại, do vậy việc bán các loại VLXD này rất khó khăn, bên cạnh đó do một số hộ chưa có bãi trung chuyển vật liệu khác để có thể di chuyển các loại vật liệu này.

Tuy nhiên, theo ông Quyết cho biết khó khăn lớn nhất trong việc xử lý sai phạm là do có người trên huyện gọi điện về “mong tạo điều kiên”. “Để giải quyết được vấn đề tập kết vật liệu thì rất khó, có những hôm Công An Xã, Huyện trực ngày đêm để bắt các tàu vận chuyển đến. Tuy nhiên, do có ông nọ, ông kia trên huyện điện về mong tạo điều kiện, nên việc ngăn cấm các phương tiện tập kết VLXD lại càng khó khăn”.

Cũng theo ông Quyết cho hay: “Chủ các bãi tập kết, trung chuyển VLXD này có rất nhiều lý do để chậm bàn giao mặt bằng. Tuy nhiên, nếu lãnh đạo huyện kiên quyết xử lý mạnh tay, không bao che cho sai phạm thì chỉ trong một vài ngày là xong hết...”.

Theo như lời ông Quyết thì chính quyền xã Hồng Vân kiên quyết thực hiện theo kết luận thanh tra của Sở TN&MT, theo đó xã cũng đã phối hợp với nhiều cơ quan ban, ngành để xử lý dứt điểm những sai phạm đang tồn tại. Hiện nay, sự việc chưa xử lý được là do một  số cán bộ huyện Thường Tín can thiệp?

UBND huyện Thường Tín sẽ trả lời ra sao khi mà những sai phạm này vẫn ngang nhiên hoạt động, thách thức chính quyền?

Thương hiệu & Công luận sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc./.

Đức Thế - Hoành Sơn