Cụ thể, Chủ tịch Vạn Thịnh Phát đã thuê nhờ hàng trăm cá nhân đứng tên đại diện pháp luật các công ty, được chia làm 4 nhóm chính có quan hệ chặt chẽ với nhau.

Nhóm định chế tài chính tại Việt Nam gồm: Ngân hàng SCB, Công ty Chứng khoán Tân Việt, Công ty CP đầu tư tài chính Việt Vĩnh Phú (Công ty Việt Vĩnh Phú). Trong đó Ngân hàng SCB có vai trò đặc biệt quan trọng, được sử dụng như một công cụ tài chính để cấp vốn cho các công ty trong hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát.

Nhóm khác là các công ty có hoạt động kinh doanh tại Việt Nam, phần lớn hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản, nhà hàng, khách sạn... Đây đều là các công ty có vốn điều lệ lớn, nắm cổ phần chi phối các công ty con, công ty thành viên như: Công ty CP Tập đoàn Sài Gòn Peninsula với vốn điều lệ 18.000 tỷ đồng, Công ty CP Tập đoàn Đầu tư An Đông (Công ty An Đông) với vốn điều lệ 9.000 tỷ đồng... 

Đặc biệt, kết quả điều tra xác định, trong hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát còn có hàng nghìn công ty không hoạt động sản xuất kinh doanh (công ty "ma") được bà Trương Mỹ Lan thành lập để phục vụ đứng tên các khoản vay khống, chuyển nhượng cổ phần và lấy pháp nhân góp vốn đầu tư vào các dự án.

Ngoài ra, bà Trương Mỹ Lan còn xây dựng mạng lưới nhiều công ty vỏ bọc tại các vùng lãnh thổ, quốc gia, kinh doanh tại nước ngoài hoặc sử dụng danh nghĩa "nhà đầu tư nước ngoài" để đứng tên cổ phần và quản lý nguồn vốn, tài sản của gia đình bà này tại nước ngoài.

Tập đoàn Vạn Thịnh Phát được thành lập và hoạt động lần đầu vào ngày 19/6/1992. Tính đến tháng 8/2020, tập đoàn này đã trải qua 52 lần thay đổi thông tin đăng ký doanh nghiệp, với vốn điều lệ là 13.000 tỷ đồng. Người đại diện theo pháp luật kiêm Tổng giám đốc là Trương Huệ Vân (cháu gái bà Trương Mỹ Lan).

Tập đoàn có 04 cổ đông chính là: Bà Trương Mỹ Lan với 60% vốn; 02 người con gái của bà Lan là Elizabeth Chu Yuet Han (Chu Duyệt Hằng) và Mary Chu Yuet Fan (Chu Duyệt Phấn), mỗi người sở hữu 10% vốn; Công ty Cổ phần Emerald, đại diện là Trương Huệ Vân sở hữu 20% vốn.

Minh Đức