![pháo hoa cùng ánh đèn sân khấu thắp sáng trên biển Sầm Sơn pháo hoa cùng ánh đèn sân khấu thắp sáng trên biển Sầm Sơn](https://media.thuonghieucongluan.vn/uploads/2024/01/26/khai-mac-du-lich-sam-son55-379-1682221529-1706267437.jpg)
Xây dựng thương hiệu du lịch mang đậm bản sắc văn hóa xứ Thanh
Đối với ngành du lịch, việc xây dựng thương hiệu có tầm quan trọng đặc biệt và quyết định sức hấp dẫn cũng như khả năng cạnh tranh của điểm đến. Đồng thời, thương hiệu cũng là yếu tố đặc biệt quan trọng, góp phần tăng lợi thế cạnh tranh, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Thanh Hóa với vị trí địa lý trọng yếu và bề dày lịch sử văn hóa đã đem lại cho địa phương này hệ thống tài nguyên tự nhiên và nhân văn phong phú, đa dạng. Những tài nguyên đó là nguồn lực quan trọng có thể đầu tư, khai thác những sản phẩm du lịch mang đậm bản sắc văn hóa riêng có của xứ Thanh.
Trong những năm gần đây, các sản phẩm du lịch ở Thanh Hóa ngày càng được hình thành rõ nét, đặc biệt sản phẩm du lịch biển có nhiều chuyển biến tích cực. Với việc thiết lập lại trật tự kỷ cương, môi trường du lịch cùng với sự đầu tư hạ tầng quy mô, đồng bộ tại một số khu du lịch trọng điểm, như Sầm Sơn, Hải Tiến (Hoằng Hóa), Hải Hòa (thị xã Nghi Sơn)... cho đến việc thu hút các tổ hợp dự án đầu tư quy mô lớn và việc thường xuyên tổ chức các sự kiện du lịch đặc sắc - đã đánh dấu bước đột phá của du lịch biển Thanh Hóa.
![Du lịch sinh thái tại Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông Du lịch sinh thái tại Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông](https://media.thuonghieucongluan.vn/uploads/2024/01/26/184d1111119t1905l7-7-1701690584-1706267516.jpg)
Cùng với sản phẩm du lịch biển, du lịch văn hóa, tâm linh ngày càng được chú trọng phát huy giá trị. Nhiều điểm đến thu hút lượng lớn du khách hàng năm, như: Di sản Văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ (Vĩnh Lộc); Khu Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Lam Kinh, Khu Di tích quốc gia đặc biệt Đền thờ Lê Hoàn (Thọ Xuân); Quần thể di tích lịch sử văn hóa Hàm Rồng (TP Thanh Hóa); Khu Di tích lịch sử thắng cảnh Cửa Đạt (Thường Xuân)... Cùng với các lễ hội truyền thống, quy mô lớn được tổ chức, đã góp phần quảng bá nét văn hóa đặc sắc của đất và người xứ Thanh đến với du khách gần xa.
Thanh Hóa đang tập trung triển khai đồng bộ, có hiệu quả các nhóm giải pháp trọng tâm. Trong đó, khẳng định thương hiệu và khả năng cạnh tranh bằng chính giá trị văn hóa đặc sắc, hướng tới xây dựng đa dạng sản phẩm du lịch có chất lượng cao, mang đậm bản sắc văn hóa.
Ngành du lịch xứ Thanh bứt tốc ấn tượng trong năm 2023
Năm 2023, Thanh Hoá đã có sự tập trung chỉ đạo, tạo điều kiện để nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ xây dựng các dự án du lịch quy mô lớn, các dòng sản phẩm cao cấp trên địa bàn. Nhất là các tổ hợp du lịch nghỉ dưỡng, phát triển kinh tế đêm, sớm hình thành các khu du lịch phức hợp, các trung tâm giải trí chất lượng cao tại các khu du lịch trọng điểm.
![Nghi thức rước kiệu Đức Vua Lê Thái Tổ, kiệu Trung túc Vương Lê Lai từ đền thờ Vua Lê Thái Tổ và Đền thờ Trung túc vương Lê Lai về Sân rồng Chính điện Lam Kinh. Nghi thức rước kiệu Đức Vua Lê Thái Tổ, kiệu Trung túc Vương Lê Lai từ đền thờ Vua Lê Thái Tổ và Đền thờ Trung túc vương Lê Lai về Sân rồng Chính điện Lam Kinh.](https://media.thuonghieucongluan.vn/uploads/2024/01/26/387328138-6892932877437516-5513848952179775940-n-1696567786-1706267595.jpg)
Ông Nguyễn Văn Thi, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thanh Hoá cho biết:
Tỉnh đã tập trung thu hút đầu tư nhiều lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực về du lịch, các tụ điểm, cũng như là các khu, điểm du lịch để có chất lượng dịch vụ tốt hơn. Tỉnh cũng đã quan tâm, tạo mọi điều kiện thuận lợi trong vấn đề thủ tục hành chính và hành lang pháp lý để các doanh nghiệp đến; đồng thời Thanh Hóa cũng đã bỏ nhiều nguồn vốn đầu tư các hạ tầng giao thông để kết nối đến các điểm, tuyến du lịch. Hiện nay, tỉnh cũng đang có rất nhiều dự án lớn đã và đang đầu tư tại các địa phương, khẩn trương hỗ trợ nhà đầu tư để hoàn thành sớm các khu, điểm du lịch cũng như là các nơi nghỉ dưỡng để đạt được chất lượng tốt hơn.
Cùng với đó, các địa phương, khu du lịch biển đã chủ động lấy các lễ hội, phát triển các sản phẩm mới để tăng sự hấp dẫn. Nhờ vậy, ngành du lịch Thanh Hóa đã có sự bứt tốc mạnh mẽ với số lượng khách du lịch đạt kỷ lục, tổng số khách du lịch đến tỉnh Thanh Hóa đạt gần 12,5 triệu lượt khách (tăng 13,1% so với năm 2022, đạt 104 % kế hoạch năm 2023), trong đó, khách du lịch quốc tế đạt 616.200 lượt khách (tăng gấp 2,5 lần so với năm 2022, đạt 100,2% kế hoạch 2023).
Tổng thu du lịch đạt 24.505 tỉ đồng, tăng 22,2% so với năm 2022, đạt 101,3% kế hoạch năm 2023 (khách du lịch quốc tế đạt: 260 triệu USD).
Phấn đấu đạt chỉ tiêu đón 13,8 triệu lượt khách trong năm 2024
Năm 2024, Thanh Hóa phấn đấu đạt chỉ tiêu đón 13,8 triệu lượt khách, tổng thu du lịch đạt 32,387 nghìn tỷ đồng, để phấn đấu đạt được mục tiêu trên, các địa phương, khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa sẽ tổ chức hàng trăm sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch.
Cụ thể, các địa phương, khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh đã đăng ký tổ chức 145 hoạt động, sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch tiêu biểu. Trong đó, có 85 sự kiện văn hóa, 30 sự kiện thể thao và 30 sự kiện du lịch sẽ được tổ chức trải dài trong năm 2024 sẽ góp phần hiện thực hóa thông điệp "Du lịch Thanh Hóa - Hương sắc bốn mùa":
![Độc đáo Lễ hội Văn hóa “Hương sắc vùng cao” Độc đáo Lễ hội Văn hóa “Hương sắc vùng cao”](https://media.thuonghieucongluan.vn/uploads/2024/01/26/mg-8993-1699701864-1706267925.jpg)
Mùa xuân gắn với các lễ hội truyền thống như: Lễ hội đền Cửa Đạt, Lễ hội Am Tiên, Lễ hội Dâng trâu tế trời, Lễ hội Mường Xia, Lễ hội Chí Linh Sơn, Lễ hội Phủ Trịnh, Lễ hội đền Phố Cát, Lễ hội Cầu Phúc đền Độc Cước, Lễ tế Nghinh Xuân, Lễ hội Bà Triệu, Lễ hội Mường Ca Da, Lễ hội Đình Thi, Lễ hội Mai An Tiêm, Lễ hội Quang Trung...
Mùa hè nổi bật với các sự kiện tại các khu, điểm du lịch biển: Liên hoan đặc sản xứ Thanh; lễ hội du lịch biển Sầm Sơn, Hải Tiến, Hải Hòa, Quảng Xương; Lễ hội Tình Yêu - Hòn Trống Mái; Lễ hội đường phố - Carnival du lịch biển Sầm Sơn; các giải thi đấu thể thao quốc gia và quốc tế; chuỗi sự kiện Flamingo Ibiza Beach Fest...
Mùa thu - đông sẽ diễn ra các giải thể thao quốc gia và quốc tế; công bố các tour du lịch mạo hiểm (trekking tour); các lễ hội truyền thống gắn với du lịch sinh thái - cộng đồng như: Liên hoan Văn nghệ dân gian - Phiên chợ vùng cao của đồng bào các dân tộc tỉnh Thanh Hóa; Lễ hội Mường Đeng...
![Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Phạm Nguyên Hồng phát biểu khai mạc hội nghị. Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Phạm Nguyên Hồng phát biểu khai mạc hội nghị.](https://media.thuonghieucongluan.vn/uploads/2024/01/26/206d5101119t16347l0-1-1706267318.jpg)
Tại hội nghị công bố các sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch tiêu biểu trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa năm 2024, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Phạm Nguyên Hồng nhấn mạnh:
Với tâm thế sẵn sàng đón và phục vụ khách du lịch trong năm 2024, ngành du lịch Thanh Hóa mong muốn được quảng bá sâu rộng đến khách du lịch những điểm đến mới, những sản phẩm mới, dịch vụ mới, đặc biệt là các sự kiện văn hoá, thể thao, du lịch tiêu biểu, đặc sắc của tỉnh.
Qua đó, góp phần giữ gìn, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống trên địa bàn tỉnh, nâng cao đời sống tinh thần, nhu cầu hưởng thụ văn hóa của người dân và du khách.
Hoài Thu