THCL Thời gian qua, nhiều thông tin và nhiều sự việc phức tạp trên biển Đông, việc các ngư dân khắp vùng, miền của Tổ quốc bị đe dọa trên biển là điều khó tránh khỏi.

Ngư dân huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) sẵn sàng ra khơi bám biển Ảnh V. Giang

Chưa dừng lại ở đó, người dân cả nước lại phải chứng kiến “thảm họa cá chết” ở khúc ruột miền Trung khiến cho cuộc sống của các ngư dân vốn đã vất vả, nay thêm phần khốn khó.

Những “thảm họa” dù là do nhân tai hay thiên tai cũng ít nhiều làm ảnh hưởng đến cuộc sống, sinh hoạt thường ngày của họ, phải chịu nhiều tổn thất về tài sản lẫn tinh thần, nhưng họ vẫn kiên định.

Việt Nam – đất nước có một “biên niên sử” khổng lồ. Mỗi người con đất Việt, ắt hẳn ai ai cũng tự hào về quá khứ hào hùng của dân tộc. Một dân tộc, một đất nước nhỏ bé nhưng đã kiên trì, kiên cường đấu tranh lật đổ ách ngoại xâm. Trong đó, ngư dân đã góp phần không nhỏ vào những trang sử Việt. Điều đó không chỉ là niềm tự hào của riêng người Việt, mà còn là tấm gương lớn cho bạn bè quốc tế, các nước cần lao đứng lên giành độc lập dân tộc.

Suốt trong những năm qua, những người lao động nơi đầu sóng ngọn gió phải đối mặt với bao hiểm nguy không nhỏ từ thiên tai lẫn nhân tai. Mặt khác, đất nước ta đang trong quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa – hiện đại hóa, bên cạnh những mặt tích cực thì những hệ lụy tiêu cực mang lại cũng không hề nhỏ, trong đó ô nhiễm môi trường là thách thức lớn hiện nay.

Và “thảm họa cá chết trắng” ở miền Trung chỉ là hệ quả của một quá trình khi chúng ta không siết chặt khâu quản lý lẫn xem trọng vấn đề nhân sinh. Đó là điều mà chúng ta – những người có “tâm” đều nhận thấy được.

Sự việc ngày 26/11/2015, tàu cá QNg95861- TS bị tấn công và ngư dân Trương Đình Bảy đã bị bắn chết. Vào lúc 12h ngày 6/3/2016, tàu cá QNa 91939TS (công suất 635 CV) của ông Võ Quang Thái, trú thôn Sâm Linh Đông, xã Tam Quang (Núi Thành, Quảng Nam), trong lúc đánh bắt tại vùng biển Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam đã bị tàu hải cảnh Trung Quốc tấn công cướp sạch cá và phá hoại các ngư cụ trên tàu…

Theo chân anh Đức, phóng viên báo Công an Đà Nẵng và một số phóng viên khác tới Đồn Biên phòng Cửa khẩu Cảng Kỳ Hà và nghe vợ của thuyền trưởng là bà Đặng Thị Mỹ Nhân tâm sự: “Vợ chồng tôi chắt chiu cầm sổ đỏ để vay mượn 2,5 tỷ đồng mới đóng được con tàu để đi biển. Khi nhận được hung tin, lòng dạ tôi như lửa đốt. Nhưng thấy chồng và 10 thuyền viên an toàn trở về là tôi quá đỗi vui mừng! Vì còn người là còn của. Dù khó khăn đến mấy, nếu được ngư dân ủng hộ, Nhà nước có nhiều chính sách giúp đỡ, hỗ trợ vay vốn để sắm mới ngư lưới cụ thì chúng tôi vẫn tiếp tục động viên chồng và các thuyền viên vươn khơi”.

Thuyền trưởng Thái cũng khẳng định: “Chúng tôi rất bất bình khi Trung Quốc ngang ngược trên vùng biển đảo của ông cha mình, nhưng chúng tôi không hề nhụt chí. Sửa lại tàu, mua sắm ngư lưới cụ thì chúng tôi cho tàu vươn khơi ngay”.

Trở về Đà nẵng, tôi có nói chuyện với một ngư dân là Đinh Văn Dũng (51 tuổi, ở phường Thọ Quang, quận Sơn Trà). Bên cạnh tàu DNa51710 TS đang sữa chữa, ông nói: “Vùng biển của cha ông mình, sợ thì không sợ rồi, sửa tàu xong sẵn sàng vươn khơi liền”.

Nếu ai đã từng ra Lý Sơn một lần thì mới thấy tinh thần thép của người dân nơi đây. Họ nhẫn nại bám trụ từ biển gần đến biển xa, giăng câu thả lưới suốt ngày đêm mưu sinh trên sóng. Trong số đó, không ít người đã mãi mãi nằm lại với đất mẹ Hoàng Sa, để lại nỗi đau khôn nguôi cho người ở lại.

Hẳn bất kỳ ai trong chúng ta đều cảm nhận được sự vất và lẫn khó khăn, nguy hiểm của những người lao động mưu sống trên sóng là như thế nào? Nắng mưa, bão bùng lẫn sự đe dọa của tàu thuyền nước ngoài… thậm chí cũng nhận luôn lấy hậu quả từ thảm họa ô nhiễm môi trường. Mồ hôi, nước mắt và cả máu, sinh mạng họ đã rơi trên biển lớn. Biển có lúc dịu êm, nhưng lắm khi dữ dằn, có khi vị mặn của biển làm đắng, nghẹn lòng mỗi người con dân Việt.

Mặc dù những ngư dân miền Trung đang phải đối mặt với thảm họa ô nhiễm môi trường và ngư dân cả nước nói chung luôn  bị tàu nước ngoài gây cản trở hoạt động đánh bắt hải sản trên ngư trường truyền thống Hoàng Sa, Trường Sa, thậm chí còn bị tấn công, nhưng điều đó cũng không làm nao lòng các ngư dân yêu nước, yêu biển đảo quê hươngóaHọ nhận thức được cần phải góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo, là nhiệm vụ cao cả mà mỗi ngư dân ý thức và xác định. Họ mạnh thì chủ quyền biển càng vững, đây là nét đẹp văn hóa Việt từ thuở xưa đến nay.

Trong đất liền, những khó khăn đó được những vòng tay Bắc – Trung – Nam đoàn kết, tương trợ, sẻ chia. Còn giữa trùng dương mênh mông, đối mặt với bao nguy hiểm không thể lường trước nên mỗi ngư dân trước hết phải tự mình bảo vệ mình, đoàn kết lại với nhau, bằng cách kết hợp lại thành tổ, đội đoàn kết đánh bắt, giúp đỡ nhau trong quá trình khai thác, chi viện nhau, thường xuyên giữ liên lạc trên biển nhằm ứng phó kịp thời những tình huống xấu có thể xảy ra. Đây cũng là điều kiện tốt để các ngư dân an tâm sản xuất, góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo trong tình hình mới.

Tình yêu đất nước đến từ trong sâu thẳm trái tim mỗi con người, nó có thể là một việc làm rất đơn sơ mộc mạc chẳng khoa trương. Đối với những người ngư dân một nắng hai sương, yêu nước quả là một từ thật vĩ đại, nhưng những gì họ đã và đang làm sau mỗi chuyến ra khơi lại chính là một việc làm chứa chan tình cảm thiêng liêng đó. Nhờ đó, những vùng biển chủ quyền luôn có cá bạc đầy khoang và giữa sóng nước mênh mông - lá cờ Tổ quốc luôn tung bay trên những con thuyền.

Có thể nhận thấy rằng: Ngư dân Việt trên mọi vùng, miền của Tổ quốc vẫn đang ngày đêm sửa lại thuyền tàu để chuẩn bị vươn khơi Hoàng Sa, Trường Sa. Đối với họ, công việc thầm lặng ấy như lời tri ân đến những người không may mắn nằm lại giữa lòng biển khơi, bởi lòng hăng say lao động sản xuất và lòng kiên trung bảo vệ Hoàng Sa, Trường Sa - chủ quyền của Tổ Quốc thân yêu.

Chính vì vậy, Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành căn cứ vào tình hình thực tế, cần phải có thêm chính sách phát triển hợp lý, hỗ trợ kịp thời về vật chất, tinh thần, sát cánh cùng với “chiến sỹ ngư dân” để họ vững niềm tin, bám biển vừa cần cù lao động sản xuất, vừa vững tin và góp phần bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.

ThS. Lầu Văn Thanh