2018: Tăng cường “sức khỏe” cho các ngân hàng - Hình 1

Các tổ chức tín dụng phải cải tiến, đưa hoạt động đi vào thực chất hơn (Ảnh minh họa)

Chuẩn hóa hoạt động

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các Tổ chức tín dụng đã chính thức có hiệu lực thi hành kể từ 15/1/2018 kỳ vọng sẽ tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho việc thực hiện các giải pháp của Đề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 – 2020. Theo ông, những tác động cơ bản tới hoạt động ngân hàng sẽ như thế nào?

Luật sửa đổi này nhắm vào hai điểm chính mà trước tiên, để tránh vấn đề lợi ích nhóm. Trong đó quy định rõ, chủ tịch, tổng giám đốc của 1 ngân hàng không thể là chủ tịch, tổng giám đốc của 1 doanh nghiệp ngoài ngân hàng.

Tiếp đến là nhằm xử lý các ngân hàng yếu kém. Chúng ta đã có Luật Phá sản doanh nghiệp, trong đó có chương về phá sản ngân hàng. Chương này đã quy định những thủ tục khi thanh lý tài sản, được sử dụng như thế nào. Luật sửa đổi cũng đề cập, nhưng nói về những bước trước phá sản. Chính phủ và NHNN sẽ hỗ trợ, kiểm soát và xử lý những ngân hàng yếu kém.

NHNN khi nhận định một ngân hàng yếu kém, sẽ có phương pháp phục hồi, hỗ trợ. Sau khi cố gắng không có kết quả, sẽ thanh tra đặc biệt ngân hàng đó; có biện pháp như yêu cầu tổ chức cơ cấu lại, sáp nhập hoặc chuyển giao tài sản cho một tổ chức kinh tế khác, tới cuối cùng mới đến phá sản. Luật sửa đổi này bổ sung cho Luật Phá sản DN, bao gồm tất cả các biện pháp trước khi phá sản, trong đó đưa ra lộ trình cũng như thời khóa biểu để thực hiện, với sự cố gắng phục hồi doanh nghiệp.

Song song với đó, một điều rất lợi cho nền kinh tế là từ việc cạnh tranh bình đẳng, các ngân hàng sẽ không còn động thái tùy tiện nâng lãi suất để huy động vốn? Ông có thể phân tích rõ hơn?

Ngoài Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các tổ chức tín dụng, còn có điểm nhấn quan trọng trong năm 2018 là Đề án tái cơ cấu tổ chức tín dụng giai đoạn 2016-2020.

Cho tới thời điểm hiện tại, mỗi ngân hàng đều đã trình phương án cơ cấu lại tổ chức. Theo nhận định của tôi, tất cả các phương án đó có lẽ đã được NHNN phê chuẩn. Từ năm nay, các ngân hàng phải thực hiện các bước trong Đề án đó, phải quan tâm đến phương án tái cơ cấu để đạt được chỉ tiêu, điều kiện, mục tiêu đã đề ra.

Bên cạnh đó, các ngân hàng phải quan tâm tới các hoạt động đưa tới rủi ro mất vốn, để không bị đưa vào diện quan tâm, kiểm soát đặc biệt. 2018 là năm bản lề của giai đoạn mới, bắt đầu từ 15/1 vừa rồi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các tổ chức tín dụng có hiệu lực. 2016-2020 là giai đoạn rất quyết liệt, các tổ chức tín dụng phải cải tiến và tăng cường sức khỏe, cũng như hoạt động của mình.

Tái cơ cấu các tổ chức tín dụng giai đoạn 2016-2020 dựa trên 4 trụ cột chính. Cần lưu ý những điểm nào nhất, thưa ông?

4 trụ cột đó đều có tầm quan trọng như nhau. Tuy nhiên, vấn đề rất cần thiết cho hệ thống ngân hàng là tăng vốn. Tăng vốn chủ sở hữu chứ không phải vốn huy động. Năm nay là năm các ngân hàng phải rốt ráo trong việc tăng vốn.

Vốn chủ sở hữu là cột trụ, không những đảm bảo sự an toàn của ngân hàng đó dựa trên chỉ số an toàn vốn mà còn đi đôi với hoạt động, chỉ có thể mở rộng khi vốn tăng lên. Chẳng hạn, cho vay một khách hàng không thể quá 15% vốn tự có, thành ra khi cho vay món tiền lớn thì vốn tự có phải tăng lên.

Bên cạnh đó là vấn đề quản trị rủi ro của ngân hàng. Năm 2018 sẽ rất quyết liệt, các ngân hàng phải đưa ra phương án cơ cấu lại hệ thống quản trị rủi ro, giảm thiểu và tiến dần tới Basel II vào năm 2020.

Vấn đề thanh khoản là cốt lõi, đi với ngân hàng như người bạn đồng hành. Ngay từ khi ngành ngân hàng ra đời, tính thanh khoản phải được bảo vệ, duy trì tới ngày hôm nay. Thanh khoản tức là khả năng chi trả, là vấn đề sống còn với mỗi ngân hàng.

Bên cạnh đó, nhân sự của ngân hàng cũng là khâu quan trọng. Không những cấp dưới, cấp trung, cấp quản lý, quản trị cũng cần phải rà soát lại, đưa vào thành phần lãnh đạo những người có kiến thức, chuyên môn, có nhận thức đúng về ngành ngân hàng.

Những sai phạm trong quá khứ, những bất chấp luật lệ đưa ngân hàng vào thiệt hại lớn, phần lớn lãnh đạo ngân hàng không có nhận thức đúng. Nên việc chọn lựa nhân sự vào ban điều hành rất quan trọng, phù hợp phát triển ngành.

Cuối cùng là vấn đề CNTT, phải đầu tư để tăng cường năng lực cạnh tranh của ngành, tăng cường sản phẩm dịch vụ đáp ứng nhu cầu của người dân trong thời đại mới.

Đi vào thực chất

NHNN đã đặt ra mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2018 là 17%. Theo đó, tăng trưởng cần phải đi vào thực chất như thế nào?

Mục tiêu 17%, thấp hơn so với năm 2017, điều đó cũng hợp lý. Nhưng vấn đề chính không phải số học. Con số dĩ nhiên là chỉ tiêu quan trọng để lượng hóa được tăng trưởng như thế nào nhưng quan trọng là định tính.

 Các ngân hàng tập trung vào tín dụng có thực chất, tức là cho vay đúng người, đúng mục đích và bảo đảm khả năng hoàn trả. Ngân hàng cần phải định nghĩa rõ “khẩu vị” rủi ro, để đừng đổ tiền quá nhiều vào các lĩnh vực rủi ro nhiều như bất động sản, chứng khoán.

Ông nhận định, kênh đầu tư nào sẽ hiệu quả, hấp dẫn trong năm 2018?

Năm 2018, có lẽ những kênh đầu tư như năm ngoái: chứng khoán, bất động sản tiếp tục sinh lời cao. Gửi tiền vào ngân hàng chỉ có tính an toàn, nhưng tỷ lệ sinh lời không cao, không có giá trị gia tăng. Thành ra, nếu an toàn thì gửi tiền là an toàn nhất, tiền lãi ở mức 6-7%/năm là chấp nhận được.

Kênh vàng khá mạo hiểm trong năm nay vì giá vàng tùy thuộc nhiều vào chỉ số kinh tế vĩ mô, thị trường vàng trong nước và thế giới, có biến động lớn khi có khủng hoảng kinh tế nổ ra. Vì vậy, vàng là kênh đầu tư rủi ro, tuy nhiên, giá vàng giữ mức ổn định hoặc tăng, còn giảm nữa thì khó xảy ra.

Trong năm 2018, với lượng dự trữ và cơ chế tỷ giá trung tâm, cách điều hành của NHNN, có thể dự đoán thị trường ngoại hối có sự ổn định, ít nhất như năm 2017. Trừ trường hợp có biến động lớn về chính trị, tình hình kinh tế thế giới, chẳng hạn Ngân hàng dự trữ Liên bang Mỹ tăng lãi suất cao bao nhiêu lần thì ảnh hưởng tới tỷ giá. Nếu ở trong mức độ 1-2 lần như năm vừa rồi, tỷ giá sẽ không thay đổi nhiều.

Trân trọng cảm ơn ông!

Chương trình tái cơ cấu gồm 4 trụ cột chủ yếu: Tập trung xử lý nợ xấu, trong đó chú trọng việc các ngân hàng thương mại tự xử lý, với sự hỗ trợ về cơ chế chính sách một cách dài hạn. Xử lý dứt điểm những ngân hàng yếu kém, ngân hàng mua 0 đồng. Cần phải xử lý dứt điểm bằng hai cách: một là sáp nhập, hai là bán lại cho các ngân hàng khác kể cả ngân hàng nước ngoài theo nguyên tắc thị trường.

Việc tái cơ cấu quản trị và quản lý rủi ro theo chuẩn mực quốc tế cần phải được tính toán cân nhắc, có lộ trình phù hợp với năng lực tài chính và năng lực quản lý của hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam hiện nay để hạn chế tạo thêm bất ổn cho hệ thống. Duy trì ổn định thanh khoản trên cơ sở thực hiện nghiêm ngặt các chỉ tiêu về an toàn thanh khoản trong cho vay trung, dài hạn, cho vay bất động sản, trạng thái ngoại hối.

 Đoàn Huế (Thực hiện)