5 Dự án BT và quỹ đất đối ứng của Hà Nội có thực hiện đúng quy định? - Hình 1

Ông Phạm Quý Tiên - CVP UBND thành phố phát biểu tại Hội nghị

Theo ông Phạm Quý Tiên – Chánh văn phòng UBND thành phố, việc đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, đặc biệt là các công trình giao thông là yêu cầu bức thiết của Thành phố. Trong bối cảnh nguồn lực đầu tư từ ngân sách còn khó khăn, việc đầu tư theo hình thức hợp tác công tư (PPP) đã được Trung ương, Thành phố quan tâm chỉ đạo, tập trung triển khai thực hiện từ nhiều năm qua.

Tại Hội nghị Hà Nội 2018 - Hợp tác đầu tư và phát triển, ngày 17/6/2018 vừa qua, UBND Thành phố đã trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và Quyết định phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi cho 5 Dự án công trình giao thông để giảm ùn tắc giao thông thực hiện theo hình thức BT. 

Đó là: Dự án Đầu tư xây dựng tuyến đường từ đê sông Hồng đến Khu đô thị mới C2 - Gamuda Gardens (quận Hoàng Mai), có tổng mức đầu tư khoảng 900 tỷ đồng; giá trị công trình BT là trên 848 tỷ đồng.

Dự án Xây dựng các tuyến đường giao thông đấu nối hạ tầng các khu đô thị dân cư (quận Hà Đông) có tổng mức đầu tư khoảng trên 1.960 tỷ đồng, giá trị công trình BT là trên 1.637 tỷ đồng.

Dự án Xây dựng tuyến đường Minh Khai - Vĩnh Tuy - Yên Duyên, đoạn nối từ đường Minh Khai đến đường Vành đai 2,5 có tổng vốn đầu tư khoảng trên 1.620 tỷ đồng, giá trị công trình BT là gần 1.425 tỷ đồng.

Dự án xây dựng tuyến đường bộ trên cao dọc đường Vành đai 2 đoạn từ cầu Vĩnh Tuy đến Ngã Tư Sở, kết hợp với mở rộng theo quy hoạch phần đi bằng đoạn từ Vĩnh Tuy đến Ngã Tư Vọng có tổng vốn đầu tư khoảng 9.459 tỷ đồng, giá trị công trình BT khoảng 7.645 tỷ đồng.

Dự án xây dựng tuyến đường từ đường Lê Trọng Tấn đến đường Vành đai 3 (quận Thanh Xuân) có tổng vốn đầu tư khoảng 1.412 tỷ đồng, giá trị công trình BT là 1.344 tỷ đồng.

Ông Phạm Quý Tiên nhấn mạnh, đây là các dự án được nghiên cứu trong giai đoạn từ năm 2009-2015, Nhà đầu tư đã bố trí vốn để lập hồ sơ đề xuất dự án, lập báo cáo nghiên cứu khả thi, đã được UBND Thành phố báo cáo các Bộ, ngành Trung ương xem xét và được Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương thực hiện theo hình thức BT và cho phép Thành phố chỉ định Nhà đầu tư đàm phán trực tiếp hợp đồng BT. 

Về trình tự triển khai thực hiện các dự án trên, UBND TP đã nghiêm túc thực hiện các thủ tục quy định tại Nghi định số 15/2015/NĐ-CP của Chính phủ, gồm 6 bước theo quy định; tổ chức lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đảm báo công khai, minh bạch.

UBND Thành phố đã chỉ đạo các Sở, ngành xác định các tiêu chí đối với các Nhà đầu tư phải có năng lực tài chính, năng lực quản trị dự án, đã ứng vốn để lập hồ sơ đề xuất dự án, báo cáo nghiên cứu khả thi; phải cam kết bố trí vốn để xây dựng công trình BT trước khi được Thành phố giao đất đối ứng với lãi suất thấp nhất và thời gian thi công công trình ngắn nhất. 

Về quỹ đất đối ứng, Nhà đầu tư phải ứng toàn bộ vốn để lập quy hoạch chi tiết 1/500, thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, xây dựng hạ tầng kỹ thuật theo đúng quy hoạch và dự án được duyệt, bàn giao cho Thành phố để xác định giá trị quỹ đất thanh toán và chi phí đầu tư được khấu trừ vào tiền sử dụng đất theo quy định.

Các dự án BT nêu trên đều là các công trình xây dựng đường giao thông, khối lượng kinh phí cho hạng mục bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng chiếm tỷ trọng lớn trong giá trị công trình BT (thấp nhất là 42%, có dự án cao tới 80%, chi phí xây lắp chỉ là 20%); chi phí xây lắp đảm bảo đúng định mức, đơn giá Nhà nước quy định chiếm tỷ lệ thấp. Vì vậy, nếu chỉ nêu thông tin về độ dài của tuyến đường để so sánh sẽ không phản ánh được khách quan chi phí đầu tư của dự án BT.

Giá đất thanh toán sẽ được Liên ngành Thành phố xác định theo sát giá thị trường, theo đúng quy định của Chính phủ và Bộ Tài chính. Diện tích đất giao và giá trị đất thanh toán cho Nhà đầu tư tương đương với giá trị công trình BT theo đúng nguyên tắc, quy định tại Nghị định 63/2018/NĐ-CP ngày 4/5/2018 của Chính phủ và Kế hoạch số 62/KH-UBND ngày 12/3/2018 của UBND Thành phố.

Đặc biệt, UBND Thành phố đã chỉ đạo việc thanh toán, quyết toán công trình BT (bao gồm cả các dự án đối ứng) chỉ hoàn thành sau khi có kết quả kiểm toán các dự án theo quy định của pháp luật.

Đối với dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 6 (đoạn Ba La - Xuân Mai) theo hình thức BT được UBND Thành phố phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi tại Quyết định số 2799/QĐ-UBND ngày 7/6/2018, Dự án này sẽ được Thành phố tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo đúng quy định tại Nghị định 63/2018/NĐ-CP ngày 4/5/2018 của Chính phủ, chưa giao dự án cho Nhà đầu tư, Chánh Văn phòng UBND TP khẳng định.

Liên quan đến quỹ đất đối ứng và đơn giá đất, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên  Môi trường Nguyễn Hữu Nghĩa cho biết, hiện nay, diện tích đất nghiên cứu đối ứng cho 5 dự án trên chỉ xấp xỉ 270 ha (không phải 700 ha như một số báo nêu). Hơn nữa, đây mới chỉ là diện tích nghiên cứu chứ chưa giao cho các nhà đầu tư. Về đơn giá đất, việc xác định giá đất hết sức khách quan, đảm bảo công minh, chặt chẽ, được giám sát bởi nhiều cơ quan, nhiều cấp, không có chuyện giá đất xác định để đối ứng cho dự án BT lại thấp hơn các dự án thương mại khác – ông Nghĩa khẳng định.

Thanh Bình