Thành phố Nam Định “ra đời” trong hoàn cảnh nào?

Thiên Trường xưa - thành phố Nam Định ngày nay nằm ở phía Bắc của tỉnh Nam Định. Trong suốt các thời kỳ lịch sử, thành phố Nam Định ngày nay đã trải qua nhiều tên gọi khác nhau, và tên gọi trong nhân dân “Thành Nam” bắt đầu từ khi nhà Nguyễn cho xây dựng thành Nam Định và cột cờ Nam Định vào khoảng năm 1812.

Bến đò Quan sông Đào (thành phố Nam Định) tấp nập xe cộ qua lại. Ảnh tư liệu
Bến đò quan qua sông Đào (thành phố Nam Định) tấp nập xe cộ qua lại. Ảnh tư liệu

Từ giữa thế kỷ XIII trong lịch sử Việt Nam, thành phố Nam Định đã sớm trở thành một trung tâm văn hóa, chính trị, tôn giáo. Năm 1262, nhà Trần cho xây dựng phủ Thiên Trường (nay thuộc phường Lộc Vượng) với đầy đủ cung điện, phủ đệ, mở các trang ấp của hoàng tộc. Đây là kinh đô thứ hai của vương triều Trần sau kinh thành Thăng Long.

Thời phong kiến nhà Lê, nhà Nguyễn, Sơn Nam - Vị Hoàng (tên gọi cũ của thành phố Nam Đinh) là 1 trong 6 nơi trong cả nước có trường thi Hương. Thời nhà Nguyễn, Nam Định là 1 trong 3 đô thị bao (gồm Hà Nội, Huế, Nam Định) được dựng cột cờ.

Giữa thế kỷ XIX, khi thực dân Pháp đánh chiếm Nam Định, tiếp nối tinh thần yêu nước bất khuất của cha ông, phong trào chống Pháp bùng lên mạnh mẽ. Năm 1884, sau khi chiếm được Nam Định, thực dân Pháp đã xây dựng phố xá, chợ, bến tàu thủy, các nhà máy, xưởng sản xuất nhỏ...

Năm 1889, tư bản người Pháp mở rộng quy mô sản xuất, xây nhà máy dệt, nhà máy sợi lớn nhất Đông Dương. Quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh chóng, Nam Định trở thành đô thị và trung tâm công nghiệp lớn của Bắc Kỳ và toàn xứ Đông Dương.

Trên cơ sở đó, ngày 17/10/1921, Toàn quyền Đông Dương ra Nghị định thành lập thành phố Nam Định, hưởng quy chế của thành phố cấp 111, đưa thành phố Nam Định trở thành một trong những thành phố đầu tiên được chính quyền thực dân Pháp lập ra ở Liên bang Đông Dương và là 1 trong 3 thành phố ở Bắc Bộ.

Cột cờ Nam Định (thành phố Nam Định) được xây dựng
Cột cờ Nam Định (thành phố Nam Định) được xây dựng khoảng năm 1812. Ảnh: Văn Hoàng

Nghị định, thành lập thành phố Nam Định là cơ sở để chính quyền Pháp xây dựng các công cở và nhà máy, xí nghiệp. Đồng thời quy hoạch, xây dựng 9 khu phố và 40 phố, hình thành các phố chuyên sản xuất, kinh doanh một mặt hàng như hàng đồng, hàng đường, hàng giấy, hàng sắt, hàng rượu...

Các chợ phục vụ nhu cầu trao đổi hàng hóa phát triển, có 4 chợ lớn là chợ Rồng, chợ Phượng, chợ Vị Hoàng, chợ Cửa Trường. Diện tích của thành phố đến năm 1942 ước tính trên 6km2, kết cấu đường phố theo kiểu ô bàn cờ với các vườn hoa, quảng trường làm điểm nhấn.

Để thuận lợi cho giao thương, buôn bán hàng hóa, ngoài việc phát triển các tuyến đường thủy trên sông Đào, sông Hồng, thực dân Pháp còn mở tuyến đường sắt Hà Nội - Sài Gòn đi qua thành phố Nam Định; mở rộng, nâng cấp các tuyến đường bộ liên tỉnh, liên huyện.

Sau Cách mạng tháng 8 năm 1945, Chủ tịch Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra sắc lệnh số 77, ngày 21/12/1945 quyết định thành phố Nam Định là 1 trong số 8 thành phố của cả nước (cùng các thành phố Hà Nội, Hải Phòng, Vinh - Bến Thủy, Huế, Đà Nẵng, Đà Lạt, Sài Gòn - Chợ Lớn).

Quân và dân thành phố “vùng” lên đánh giặc Pháp

Sau Cách mạng tháng 8 năm 1945, do hậu quả của nạn đói, nạn dốt, thù trong giặc ngoài, chính quyền Cách mạng non trẻ vừa mới thành lập đứng trước tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”, Đảng bộ, nhân dân thành phố Nam Định vừa phải tập trung xây dựng, bảo vệ chính quyền cách mạng, vừa phải chăm lo bảo đảm đời sống của người dân.

Năm 1957, Bác Hồ về thăm Nhà máy dệt Nam Định. Ảnh tư liệu
Năm 1957, Bác Hồ về thăm Nhà máy dệt Nam Định (thành phố Nam Định). Ảnh tư liệu

Ngày 6/1/1946, cuộc bầu cử Quốc hội khóa đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nhân dân thành phố Nam Định đã bầu 2 đại biểu là ông Trần Huy Liệu và ông Nguyễn Văn Tố.

Trong dịp này, ngày 11/1/1946, thành phố Nam Định vinh dự được đón Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm. Những lời căn dặn chỉ bảo ân cần của Bác đã để lại ấn tượng sâu sắc, cổ vũ Đảng bộ, nhân dân thành phố đoàn kết, phấn đấu, khắc phục những khó khăn, tiếp tục đi lên trong giai đoạn cách mạng mới.

Ngày 23/9/1945, thực dân Pháp nổ súng tại Sài Gòn, quay lại xâm lược nước ta. Hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng, nhiều thanh niên và dân quân tự vệ thành phố tình nguyện lên đường “Nam tiến” đánh giặc.

Trước tình hình mới, Đảng bộ, chính quyền nhân dân thành phố khẩn trương xây dựng lực lượng vũ trang, luyện tập quân sự, sắm sửa vũ khí sẵn sàng bảo vệ Tổ quốc, thu hút được nhiều thanh niên, công nhân, nông dân cùng tham gia.

Hưởng ứng lời kêu gọi “Toàn quốc kháng chiến” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đêm ngày 19/12/1946, cả thành phố Nam Định rền vang tiếng súng mở đầu cuộc kháng chiến chống xâm lược.

Trong 4 năm (1947 - 1950) chiếm đóng thành phố, thực dân Pháp đã khủng bố, bóc lột quần chúng và tìm mọi cách tiêu diệt lực lượng ta. Nhờ có đường lối kháng chiến đúng đắn của Trung ương Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh và được Tỉnh ủy trực tiếp lãnh đạo, Đảng bộ thành phố từng bước khắc phục, vượt qua nhiều thử thách...

....
Thành phố Nam Định là thành phố đầu tiên của miền Bắc được giải phóng trước khi Hiệp định Giơnevơ ký kết. Ảnh: Minh Vụ

Năm 1953, cuộc chiến đấu trong thành phố Nam Định giành được nhiều thắng lợi. Quân và dân thành phố đã chiến đấu phá hủy kho thông tin, tấn công trường huấn luyện và trung tâm huấn luyện quân ngụy, phá tan đại đội địa phương của địch.

Đầu năm 1954, Thành ủy đẩy mạnh đấu tranh chống tuyển mộ ngụy quân, vận động nhân dân đấu tranh bảo vệ thanh niên tòng quân đi bộ đội Cụ Hồ. Chiến thắng Điện Biên Phủ ngày 7/5/1954 đã thúc đẩy thế tiến công và nổi dậy trong cả nước và trên cả chiến trường toàn Đông Dương, tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy hội nghị Giơnevơ đi đến thắng lợi.

Cuối tháng 6 năm 1954, địch rút chạy dần khỏi thành phố, Thành ủy Nam Định trực tiếp chỉ đạo các lực lượng bám sát nắm chắc mọi hoạt động, mọi di biến động của địch để chủ động đối phó.

Ngày 1/7/1954, Thành ủy tổ chức một cuộc mít tinh lớn với sự tham gia của hàng vạn người tại trung tâm thành phố, ủy ban kháng chiến hành chính thành phố ra mắt và tuyên bố bãi bỏ chính quyền địch.

Thành phố Nam Định là thành phố đầu tiên của miền Bắc được giải phóng trước khi Hiệp định Giơnevơ ký kết, đánh dấu một mốc son chói lọi trong lịch sử của Đảng bộ tỉnh và thành phố.

Mai Chiến - Phạm Thịnh