Luật Kiến trúc có 5 chương, 41 điều, sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2020. Luật này quy định về quản lý kiến trúc, hành nghề kiến trúc; quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động kiến trúc.
Đáng chú ý, Điều 27 của Luật Kiến trúc quy định, cơ quan chuyên môn về kiến trúc thuộc UBND cấp tỉnh có thẩm quyền cấp, gia hạn, thu hồi, cấp lại chứng chỉ hành nghề (CCHN) kiến trúc. Chứng chỉ hành nghề kiến trúc có thời hạn 10 năm và có giá trị sử dụng trong phạm vi cả nước.
Đại biểu Quốc hội biểu quyết bằng hệ thống điện tử ngày 13/6
Giải trình về quy định này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho biết, một số ý kiến đại biểu Quốc hội cho rằng, không nên quy định thời hạn của chứng chỉ hành nghề kiến trúc, vì việc gia hạn chứng chỉ hành nghề sẽ phát sinh thủ tục hành chính, gây khó khăn cho kiến trúc sư có chứng chỉ hành nghề.
Một số ý kiến khác đề nghị quy định thời hạn chứng chỉ hành nghề kiến trúc là 5 năm để kịp thời nâng cao trình độ chuyên môn, cập nhật kiến thức.
Về nội dung này, UBTVQH cho rằng, với tình hình kinh tế - xã hội thay đổi rất nhanh chóng như hiện nay thì hoạt động phát triển nghề nghiệp liên tục (Khoản 1 Điều 23) là rất cần thiết.
Do đó, nên quy định thời hạn của chứng chỉ hành nghề kiến trúc để nhằm quản lý chặt chẽ chất lượng hành nghề của đội ngũ này thông qua việc yêu cầu các kiến trúc sư có chứng chỉ hành nghề phải liên tục học tập, cập nhật kiến thức, nâng cao kỹ năng chuyên môn, duy trì đạo đức nghề nghiệp.
Kết quả biểu quyết của Quốc hội đối với Luật Kiến trúc
UBTVQH nhấn mạnh, qua nghiên cứu, khảo sát thực tế và ý kiến của đông đảo kiến trúc sư, quy định thời hạn 10 năm chứng chỉ hành nghề kiến trúc là phù hợp với tính chất hoạt động nghề nghiệp của kiến trúc sư, nếu giảm thời hạn xuống 5 năm thì sẽ phát sinh thêm các thủ tục hành chính. Do đó, UBTVQH xin Quốc hội cho phép được giữ quy định này như dự thảo Luật.
Đáng chú ý, Luật Kiến trúc giao Ủy ban nhân dân (UBND) cấp tỉnh có trách nhiệm tổ chức, nghiên cứu, khảo sát, đánh giá để quy định về bản sắc văn hóa dân tộc trong Quy chế quản lý kiến trúc, nhằm tăng cường vai trò, trách nhiệm của chính quyền địa phương trong hoạt động quản lý nhà nước về lĩnh vực kiến trúc trên địa bàn.
Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng Quy chế, UBND cấp tỉnh căn cứ nội dung về bản sắc văn hóa dân tộc trong định hướng phát triển kiến trúc Việt Nam, nếu thấy cần thiết sẽ xin ý kiến các bộ, ngành Trung ương.
PV