Acecook Việt Nam và công thức thành công

Báo cáo của Hiệp hội mì ăn liền thế giới (WINA) năm 2017 cho thấy Việt Nam hiện là nước tiêu thụ mì gói lớn thứ 5 thế giới chỉ sau Trung Quốc, Indonesia, Nhật Bản, Ấn Độ với mức tiêu thụ bình quân khoảng 5,2 tỷ gói/năm. Với quy mô thị trường mì gói vào khoảng 24.000 tỷ đồng, tương đương trên 1 tỷ USD, Việt Nam là thị trường cực kỳ màu mỡ cho các nhà sản xuất mì trên thế giới. Và việc chiếm lĩnh hơn 50% thị phần mì ăn liền tại Việt Nam được xem là thành công lớn của Acecook Việt Nam trong cuộc chiến cạnh tranh thị phần khốc liệt giữa các "ông lớn" trong ngành. "Tuy nhiên chủ trương của chúng tôi không phải đi cạnh tranh thị phần mà tập trung cung cấp những sản phẩm thực phẩm chất lượng tốt nhất, dinh dưỡng nhất để mở rộng nhu cầu ngành hàng" – Tổng Giám đốc Acecook Việt Nam, ông KAJIWARA JUNICHI khẳng định

Acecook Việt Nam và công thức thành công

Với 11 nhà máy trên toàn quốc, công suất sản xuất lên tới hơn 2,5 tỉ gói/năm, Acecook Việt Nam hoàn toàn đáp ứng hiệu quả nhu cầu ẩm thực của người tiêu dùng với các sản phẩm đa dạng như mì ăn liền, sợi gạo ăn liền, miến ăn liền, miến nấu, sợi bún, phở nấu….Tất cả các nhà máy của Acecook Việt Nam đều được đầu tư hệ thống máy móc trang thiết bị, dây chuyền công nghệ hiện đại bậc nhất góp phần nâng cao chất lượng, độ an toàn sản phẩm, tiết giảm các chi phí sản xuất. Ngoài ra Acecook Việt Nam còn được Tập đoàn Acecook chuyển giao hoàn toàn công nghệ sản xuất mì ăn liền Nhật Bản để làm ra những sản phẩm theo tiêu chuẩn Nhật Bản, đảm bảo các tiêu chí về chất lượng, giá trị dinh dưỡng và vệ sinh an toàn thực phẩm.

Trên cơ sở nhận thức rõ khẩu vị quyết định thành công, chính vì vậy ngay từ những ngày đầu hoạt động, thay vì áp đặt công thức, hương vị của Nhật để sản xuất mì gói tại Việt Nam, Acecook tin tưởng trao nhiệm vụ định vị khẩu vị thị trường này cho bộ phận chuyên môn người Việt. Chung quy lại, công thức thành công của Acecook Việt Nam chỉ gói gọn trong "Công nghệ Nhật Bản, hương vị Việt Nam"; bên cạnh đó là hài hòa giữa giá trị và giá bán của sản phẩm.

Bắt đúng "mạch" thị trường, những năm qua doanh thu, sản lượng tiêu thụ của Acecook Việt Nam đều có sự tăng trưởng ấn tượng, năm sau cao hơn năm trước. Năm 2017, doanh thu của Công ty tăng trưởng 5% so với năm 2016; trong đó ngành hàng mì ly, tô, khay có mức tăng trưởng tới 200%. Riêng 6 tháng đầu năm 2018 với sức nóng từ World Cup 2018, doanh thu của Công ty tăng trưởng 12% so với cùng kỳ năm ngoái.

Acecook Việt Nam và công thức thành công

Theo chia sẻ của ông KAJIWARA JUNICHI, thị trường mỳ gói trị giá 1 tỷ USD của Việt Nam như một miếng bánh ngon thu hút hơn 50 doanh nghiệp sản xuất với hàng trăm nhãn hiệu đang có mặt trên thị trường. Sức ép cạnh tranh khốc liệt này cộng với xu thế bão hòa trong tiêu thụ mì gói buộc Acecook Việt Nam phải thay đổi bài toán chiến lược để có thể giữ vững và gia tăng thị phần tiêu thụ. Theo đó Công ty tập trung đẩy mạnh đầu tư cho mì ly với mục tiêu nâng mức tiêu thụ  sản phẩm này từ 5% hiện tại lên 15-20% trong tương lai trên cơ sở vẫn đảm bảo không giảm tỷ lệ tiêu thụ mì gói. Song song đó Acecook quyết định mở rộng kinh doanh sang lĩnh vực nhà hàng thông qua ký kết hợp đồng nhượng quyền thương mại với Công ty CP Ringer Hut để kinh doanh chuỗi nhà hàng ẩm thực tại Việt Nam vào trung tuần tháng 4 vừa qua.

Acecook Việt Nam và công thức thành công

Không chỉ chinh phục người tiêu dùng Việt, các sản phẩm của  Acecook Việt Nam còn vươn đến hơn 40 nước trên thế giới, trong đó có cả những quốc gia nổi tiếng khắt khe về mặt chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm như: Mỹ, Nhật, Úc, Canada, Đức, Pháp, Hàn Quốc… Tuy nhiên hiện nay doanh số xuất khẩu của Công ty còn khá khiêm tốn, mới chỉ chiếm khoảng 7 - 8% trong tổng doanh thu. Với chủ trương toàn cầu hoá, Acecook Việt Nam đang tập trung cho kế hoạch gia tăng mảng xuất khẩu với mục tiêu nâng tỷ trọng doanh thu xuất khẩu lên 20% trong những năm tới.

 PV