THCL “Để góp phần xây dựng thương hiệu Thanh Hóa, đến năm 2020, vấn đề ATVSTP cần phải được quan tâm hàng đầu”. Đó là nội dung phát biểu chỉ đạo của Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thanh Hóa, ông Trịnh Văn Chiến, tại HĐND vừa mới diễn ra.
Vẫn còn nhiều vi phạm
Những năm gần đây, Thanh Hóa là tỉnh có tốc độ phát triển kinh tế khá nhanh. Các khu đô thị, khu công nghiệp đã và đang được xây dựng mạnh mẽ. Đi liền với quá trình đó, các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống cũng tăng nhanh.
Sở Y tế cho biết, Thanh Hóa có 12.944 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, gồm: 1.837 cơ sở sản xuất; 6.063 cơ sở kinh doanh; 4.453 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống; hơn 590 cơ sở thức ăn đường phố. Trong đó, có 4.177 cơ sở thuộc thẩm quyền của ngành y tế, các cơ sở còn lại do ngành nông nghiệp và công thương quản lý.
Theo đánh giá của các cơ quan chức năng Thanh Hóa, việc sử dụng phụ gia trong chế biến thực phẩm, sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật, chất kích thích tăng trưởng vẫn diễn ra nhiều, khó kiểm soát, ảnh hưởng đến sức khỏe và gây bức xúc cho nhân dân. Công tác quản lý chưa theo kịp với sự phức tạp của tình hình, nhất là khi việc sản xuất, kinh doanh thực phẩm đang đem lại nguồn lợi không nhỏ cho các gian thương.
Năm 2015, chỉ riêng ngành y tế đã thanh kiểm tra 8.671 lượt cơ sở, trong đó, 1.560 cơ sở vi phạm, phạt tiền 500 cơ sở tổng số tiền 934 triệu đồng.
Tình hình trên dẫn đến một số vụ ngộ độc nghiêm trọng xảy ra trên địa bàn tỉnh như vụ hơn 700 công nhân Công ty Hongfu (Việt Nam) đóng tại huyện Hoằng Hóa phải nhập viện do có triệu chứng ngộ độc…
Nỗ lực để an toàn hơn
Nguyên nhân của tình trạng vi phạm ATVSTP là do sự gia tăng cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhanh chóng, chủ yếu nhỏ lẻ, manh mún nên chưa bảo đảm các điều kiện về ATTP; tâm lý các chủ cơ sở đối phó với các quy định của pháp luật còn khá phổ biến.
Nhận thức, hành vi của người tiêu dùng không hợp vệ sinh còn phổ biến; một bộ phận lớn cộng đồng còn nhu cầu sử dụng thực phẩm giá rẻ, thực phẩm không rõ nguồn gốc, không bảo đảm các quy định về an toàn thực phẩm.
Sự gia tăng số lượng nhà máy, các khu công nghiệp lớn ở Thanh Hóa, tập trung đông người lao động (đặc biệt là Khu kinh tế Nghi Sơn) có tác động trực tiếp tới vấn đề ATVSTP của các bếp ăn tập thể khu công nghiệp và các dịch vụ ăn uống khác, trong khi lực lượng kiểm soát tại các địa phương còn mỏng, công tác quản lý còn nhiều bất cập.
Trước những vấn đề đáng lo ngại trên, tại kỳ họp HĐND mới đây, các cử tri đã đưa ra nhiều biện pháp nhằm cải thiện tình trạng trên. Theo đó, cần đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra chuyên ngành, tăng cường quản lý điều kiện vệ sinh cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, bảo đảm nguồn thực phẩm an toàn.
Cùng với đó là công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, thực hành về ATVSTP cho nhóm đối tượng, cộng đồng dân cư, đồng thời tăng cường các hoạt động giám sát nguy cơ ô nhiễm thực phẩm, ngộ độc, tập trung tại các nơi có nguy cơ cao, để cảnh báo, dự báo, phòng chống khắc phục hậu quả.
Sẵn sàng lực lượng chuyên môn, trang thiết bị giám sát nguy cơ ngộ độc cảnh báo cho cộng đồng, trong đó công tác môi trường thông qua việc quản lý, kiểm tra, giám sát và xử lý nguồn nước, không khí, chất thải có nguy cơ ô nhiễm.
Thanh Huyền (Thương hiệu & Công luận)