Cụ thể, kế hoạch chuyển đổi số ngành Hải quan đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã chính thức được Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan phê duyệt với nhiều tiêu chí rất cụ thể đặt ra. Việc chuyển đổi số theo những tiêu chí này trước tiên hướng tới việc đổi mới căn bản, toàn diện, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về hải quan, nâng cao năng suất lao động của cán bộ công chức hải quan. Đó là tiền đề cải thiện môi trường kinh doanh, tạo thuận lợi, giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp trong quá trình làm thủ tục hải quan.
Với kế hoạch hoàn thành mục tiêu 100% thủ tục hải quan được thực hiện hoàn toàn trên môi trường mạng (phi giấy tờ), việc chuyển đổi số giúp cho việc thực hiện thủ tục hải quan được thực hiện hoàn toàn trên môi trường số, mọi lúc, mọi nơi, mọi phương tiện thông qua hệ thống công nghệ thông tin và nguồn dữ liệu lớn với sự hỗ trợ mạnh mẽ của các công nghệ mới như: Trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data)... Nói cách khác, các hoạt động nghiệp vụ hải quan được quản lý tự động trên môi trường số cả trước thông quan, trong thông quan và sau thông quan, đảm bảo quản lý xuyên suốt từ khâu đầu đến khâu cuối đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh; phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh.
Theo đánh giá của Tổng cục Hải quan, khi “phi giấy tờ” thủ tục hải quan, quá trình thực hiện các hoạt động quản lý hải quan sẽ hiệu quả hơn do năng suất lao động cao hơn; sử dụng các nguồn lực hiệu quả hơn; giảm chi phí cho cả cơ quan hải quan và các đối tác thương mại thông qua thông quan nhanh hàng hoá; thông tin kịp thời và chính xác hơn; khả năng kiểm soát tốt hơn; giảm tình trạng tắc nghẽn tại cảng, sân bay...
Về mặt kỹ thuật, khi hệ thống công nghệ thông tin được cả cơ quan hải quan, các cơ quan pháp luật và các doanh nghiệp sử dụng hiệu quả thì tất cả dữ liệu giao dịch xuất khẩu/nhập khẩu của một lô hàng có thể chuyển tới một hệ thống xử lý tập trung. Như vậy, cơ quan hải quan có thể gửi dữ liệu theo yêu cầu của các đơn vị thông quan tại cửa khẩu biên giới. Đồng nghĩa, cơ chế thông quan “một cửa” nhanh chóng sẽ được hiện thực hóa. Điều này có ý nghĩa rất lớn, không chỉ trong việc thực hiện yêu cầu quản lý nhà nước về hải quan một cách nhất quán, thống nhất, mà còn đảm bảo đối xử ngang bằng với tất cả các đối tác thương mại.
Ngoài lợi ích mang lại cho cơ quan hải quan, đích đến thứ hai của việc chuyển đổi số ngành Hải quan chính là doanh nghiệp. Nếu những mục tiêu đặt ra được thực hiện thành công, doanh nghiệp xuất nhập khẩu sẽ khai báo và thực hiện thủ tục hải quan hoàn toàn thông qua môi trường mạng, mọi lúc, mọi nơi, trên mọi phương tiện. Đặc biệt, chỉ thực hiện khai thông tin hàng hóa một lần để thực hiện nhiều thủ tục hành chính thông qua hệ thống một cửa quốc gia.
Khi mức độ tự động hóa triệt để, thời gian thông quan hàng hóa sẽ tiếp tục được rút ngắn; chi phí logistics, lưu kho bãi cảng tiếp tục được tiết giảm. Hàng hóa lưu thông nhanh, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp theo đó cũng sẽ được nâng cao. Dĩ nhiên, kèm với đó là nâng cao tính minh bạch, phòng chống tham nhũng, doanh nghiệp dễ dàng theo dõi tiến trình xử lý của các cơ quan quản lý nhà nước trong chuỗi cung ứng…
Đối với các bộ, ngành và các bên liên quan, việc chuyển đổi số của ngành Hải quan góp phần nâng cao năng lực quản lý, nâng cao hiệu quả và tính minh bạch trong quản lý của các bộ, ngành, thúc đẩy hình thành Chính phủ điện tử, Chính phủ số ở Việt Nam. Cụ thể, các bộ, ngành và các bên liên quan được chia sẻ thông tin về các lô hàng xuất khẩu, nhập khẩu thông qua hệ thống mà không phải đề nghị cơ quan hải quan cung cấp khi phát sinh, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước nói chung, là cơ sở đế phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số ở Việt Nam.
Các đơn vị cũng có thể cùng với cơ quan hải quan nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với các lô hàng xuất khẩu, nhập khẩu trong quá trình làm thủ tục hải quan, thông quan và sau khi thông quan...
Như vậy, có thể nói, việc đẩy mạnh chuyển đổi số của ngành Hải quan sẽ là một “cú huých” đối với sự phát triển hoạt động thương mại của Việt Nam, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của cả nền kinh tế quốc gia.
Lê Pháp (T/h)