Quang cảnh hội thảo
Tham dự, về phía tỉnh Khánh Hoà, có ông Nguyễn Tấn Tuân, Phó bí thư thường trực Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh; ông Nguyễn Đắc Tài, UV Ban thường vụ Tỉnh uỷ, Phó chủ tịch UBND tỉnh; các ông Lê Xuân Thân, Hồ Văn Mừng, Ban thường vụ Tỉnh uỷ; đại diện HĐND, UBND, UBMTTQVN tỉnh Khánh Hòa và nhiều ban, ngành thuộc tỉnh.
Về phía Hội Nhà báo Việt Nam, có các phó chủ tịch Hội Mai Đức Lộc, Nguyễn Bé; về phía đơn vị tổ chức, có Nhà báo Đoàn Minh Long, Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Khánh Hoà, PGS. TS. Nhà báo Nguyễn Thành Lợi, Tổng biên tập Tạp chí Người làm báo.
Chủ trì hội thảo: (từ trái qua phải) các ông Mai Đức Lộc, Nguyễn Thành Lợi, Đoàn Minh Long, Nguyễn Bé.
Hội thảo đã nhận được 23 tham luận của các đại biểu và nhiều ý kiến trao đổi bên lề trong quá trình diễn ra.
Qua các tham luận và ý kiến đại biểu, có thể thấy: Các mạng xã hội như Facebook, Zalo, YouTube… là thành quả tất yếu của sự phát triển công nghệ số, công nghệ thông tin…mang tầm thế giới, có sức lan toả cực nhanh, thu hút sự tham gia của hàng tỷ người, đáp ứng được nhu cầu truyền tải, trao đổi, cung cấp thông tin, nhanh nhạy của nhiều tầng lớp nhân dân, vượt ra ngoài biên giới quốc gia.
Nội dung thông tin trên mạng xã hội đa dạng, phức tạp, có tích cực, có tiêu cực, tác động rất mạnh vào tất cả các mặt đời sống xã hội như chính trị, kinh tế, văn hoá, khoa học - kỹ thuật, pháp luật, đấu tranh chống tội phạm, tâm tư tình cảm, gia đình…
Nhưng mạng xã hội không phải là báo chí, là những kênh truyền dẫn thông tin, được người sử dụng phục vụ vào mục đích cá nhân, nhóm hay tổ chức của họ.
Những người làm báo hiện nay, không thể đứng ngoài các mạng xã hội. Nhiều người sử dụng mạng xã hội để phát hiện nguồn tin, lan toả thông tin của cơ quan báo chí… đã mang lại hiệu quả tốt cho công tác, nhưng vẫn đảm bảo đạo đức của người làm báo. Bên cạnh đó, cũng có người sử dụng mạng xã hội một cách tiêu cực: Đạo tin, đạo văn, đạo ảnh, tiếp nhận thông tin sai không xác minh, thể hiện sự lập lờ 2 mặt, gây hoang mang cho công chúng…
PGS TS. Nguyễn Thành Lợi tham luận tại hội thảo
Nhiều đại biểu có ý kiến theo hướng: Trong thời đại hiện nay, người làm báo phải biết sử dụng mạng xã hội để phát hiện thông tin, nhưng sử dụng thông tin trên mạng phải kiểm tra tính xác thực, chỉ sử dụng thông tin đã kiểm chứng xác định là chính xác. Phải biết dùng mạng xã hội để đưa thông tin của cơ quan báo chí đến với bạn đọc, phải làm cho thông tin chính thống từ cơ quan báo chí đủ sức đánh bại và đẩy lùi các thông tin của các thế lực thù địch, tội phạm, tiêu cực. Hoạt động của các nhà báo trong cơ quan báo chí hay trên mạng xã hội, đều phải thực hiện đúng đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà Nước, quy định của cơ quan báo chí, quy định về đạo đức của người làm báo.
Nhiều đại biểu đề nghị: Phải kiên quyết xử lý các cơ quan báo chí, nhà báo vi phạm đường lối, chính sách, pháp luật, đạo đức người làm báo khi hoạt động thông tin trên mạng xã hội, làm ảnh hưởng xấu đến uy tín của Đảng, Nhà Nước, các tổ chức đoàn thể, xâm phạm lợi ích tập thể, cá nhân.
Việc tham gia đấu tranh chống tiêu cực của các cơ quan báo chí và người làm báo không có vùng cấm, nhưng các thông tin chống tiêu cực nếu không đựơc cơ quan báo chí sử dụng, người làm báo thấy cần phải công khai trên mạng xã hội, không được lấy danh nghĩa cơ quan báo chí (nhà báo, phóng viên, biên tập viên), phải tự chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Đây là hội thảo đầu tiên đề cập đến vấn đế “Báo chí và mạng xã hội”, nhưng đi đúng điểm nóng của báo chí và người làm báo hiện nay.
Nhiều đại biểu đề nghị: Phát huy kết quả đã đạt được từ hội thảo này, cần tổ chức nhiều hội thảo ở các vùng, miền trong cả nước, làm cho người làm báo biết sử dụng tốt những tính năng, hiệu ứng của mạng xã hội phục vụ công tác, đồng thời tích cực tham gia đấu tranh đẩy lùi các thông tin của các thế lực thù địch, tội phạm, tiêu cực.
Hội thảo đã thành công tốt đẹp.
Trần Minh Ngọc