Theo đó, phấn đấu đến năm 2030 cơ bản xây dựng và đi vào vận hành hệ thống quan hệ lao động mới phù hợp với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, cơ bản đáp ứng các tiêu chuẩn lao động quốc tế mà Việt Nam đã cam kết đảm bảo sự tiến bộ, hài hòa và ổn định; duy trì, đảm bảo đầy đủ quyền và lợi ích của người lao động, người sử dụng lao động trong quan hệ lao động, giữ vững an ninh, trật tự xã hội.
Các đơn vị quản lý Nhà nước về quan hệ lao động ở cấp tỉnh, cấp huyện đều được củng cố, kiện toàn về tổ chức và hoạt động; trong đó, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Ban Quản lý các Khu Công nghiệp tỉnh mỗi cơ quan bố trí được ít nhất 1 cán bộ chuyên trách về quan hệ lao động; 100% cán bộ quản lý Nhà nước về quan hệ lao động được đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng quản lý và hỗ trợ quan hệ lao động phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ mới.
Hoàn thành việc phân công và tổ chức thực hiện chức năng đầu mối tiếp nhận yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động, đảm bảo các cơ chế tiếp nhận, phân công và hỗ trợ giải quyết tranh chấp lao động diễn ra hiệu quả.
Đảm bảo khoảng từ 65% đến 80% cán bộ ban chấp hành, ban lãnh đạo tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở được tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng quan hệ lao động trong vòng 1 năm sau khi được bầu vào ban chấp hành, ban lãnh đạo.
Hoàn thành việc kiện toàn hội đồng trọng tài lao động, đảm bảo 100% trọng tài viên lao động được tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ về quan hệ lao động, giải quyết tranh chấp lao động.
Củng cố, kiện toàn đội ngũ hòa giải viên lao động; đảm bảo 100% hòa giải viên lao động được đào tạo, bồi dưỡng và thực hiện tốt đồng thời hai chức năng: Hòa giải tranh chấp lao động và hỗ trợ quan hệ lao động.
Do đó, Đề án đã đề ra 7 nhóm giải pháp thực hiện, bao gồm: Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và hỗ trợ quan hệ lao động của cơ quan Nhà nước ở cả cấp tỉnh và cấp huyện.
Nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ chức Công đoàn trong quan hệ lao động. Thúc đẩy các hoạt động đối thoại và thương lượng tập thể.
Nâng cao năng lực và hiệu quả các thiết chế giải quyết tranh chấp lao động. Nâng cao hiệu quả truyền thông thông qua mạng xã hội.
Đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động. Xây dựng và thực hiện hiệu quả cơ chế phối hợp, tham vấn ba bên trong giải quyết các vấn đề liên quan đến quan hệ lao động.
Đồng thời, UBND tỉnh giao Sở Lao động - Thương binh và Xã hội là cơ quan chủ trì, phối hợp các sở, ban, ngành, đơn vị, doanh nghiệp liên quan triển khai thực hiện các giải pháp của Đề án.
Bên cạnh đó, UBND các huyện, thành phố có trách nhiệm chỉ đạo cơ quan chuyên môn phối hợp triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp của Đề án; bố trí đầy đủ các nguồn lực theo quy định để thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp của Đề án tại địa phương.
Đặc biệt, là tổ chức tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật lao động, trong đó tập trung vào những nội dung liên quan trực tiếp đến quyền lợi, nghĩa vụ và trách nhiệm của người sử dụng lao động và người lao động.
Ngoài ra, chủ động nắm tình hình và kịp thời giải quyết các vướng mắc, mâu thuẫn phát sinh trong quan hệ lao động, không để tranh chấp lao động kéo dài dẫn đến đình công.
Thuận Yến (t/h)