Theo đó, mục tiêu của Đề án nhằm xây đựng nền nông nghiệp hàng hóa, phát triển nhanh, bền vững, hiệu quả, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia, quy mô sản xuất hàng hóa nông sản ngày càng lớn, bảo đảm an toàn thực phẩm, môi trường sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu. 

UBND tỉnh Bắc Giang yêu cầu các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị, địa phương tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, cơ giới hóa, thực hiện các quy trình kỹ thuật tiên tiến, biện pháp thâm canh bền vững
UBND tỉnh Bắc Giang yêu cầu các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị, địa phương tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, cơ giới hóa, thực hiện các quy trình kỹ thuật tiên tiến, biện pháp thâm canh bền vững.

Chuyển mạnh tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông nghiệp gắn với nhu cầu thị trường. Phát huy lợi thế từng vùng, miền, địa phương, tổ chức sản xuất kinh doanh nông nghiệp theo chuỗi giá trị, dựa trên nền tảng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Phấn đấu có thêm từ 2 - 3 mặt hàng nông sản xuất khẩu chính ngạch.

Đến năm 2030, toàn tỉnh Bắc Giang có khoảng 350 sản phẩm OCOP, trong đó có 04 sản phẩm đạt 5 sao và khoảng 90% sản phẩm OCOP thuộc doanh nghiệp và hợp tác xã tham gia chương trình OCOP. Tốc độ tăng trưởng GRDP ngành nông lâm thủy sản bình quân đạt 2 - 3%/năm; thu nhập bình quân của người dân nông thôn năm 2030 phấn đấu tăng gấp 3 lần so với năm 2020. Tỷ trọng lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội giảm xuống còn 18%; bình quân hằng năm đào tạo nghề cho khoảng 15.000 lao động nông thôn. Phấn đấu đến năm 2030, có 95% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó khoảng 60% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 30% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu…

Để thực hiện được mục tiêu trên, UBND tỉnh Bắc Giang yêu cầu các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị, địa phương đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền, đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao nhận thức, năng lực, trình độ, học vấn cho nông dân và cư dân nông thôn. Đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu lao động nông nghiệp sang làm việc ở khu  vực công nghiệp, dịch vụ; đồng thời, thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn, tạo nhiều việc làm tại chỗ, nâng cao thu nhập cho cư dân nông thôn.

Đồng thời, các cấp, ngành phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, quy mô lớn, tổ chức sản xuất theo chuỗi đối với các sản phẩm chủ lực; đồng thời, khuyến khích phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao đáp ứng nhu cầu của thị trường và phục vụ du lịch. Đẩy mạnh phát triển trồng, chế biến, tiêu thụ và xây dựng nhãn hiệu tập thể cây dược liệu bản địa có lợi thế như: Ba kích tím, trà hoa vàng, sâm Nam núi Dành... trên đất đồi rừng tại các huyện: Sơn Động, Lục Ngạn, Lục Nam, Yên Thế, Tân Yên... 

Hỗ trợ xây dựng, cấp và quản lý mã số vùng trồng với các cây trồng chính (rau, cây ăn quả), đặc biệt là những cây trồng có có tiềm năng xuất khẩu khoảng trên 50.000 ha; song song với việc hỗ trợ xây dựng các cơ sở sơ chế, đóng gói, chế biến sản phẩm và hệ thống kho bảo quản nông sản, đáp ứng yêu cầu kỹ thuật của doanh nghiệp xuất khẩu và thị trường các nước nhập khẩu.

Đẩy mạnh công tác quảng bá giới thiệu sản phẩm chủ lực, đặc trưng, tiềm năng thế mạnh của của tỉnh trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên các trang Web của UBND tỉnh; phát triển thương mại điện tử để quảng bá giới thiệu sản phẩm và bán hàng trực tuyến trên các sàn thương mại điện tử, qua Zalo, qua facebook… 

Bá Đoàn