Chủ tịch Hồ Chí Minh (1890 - 1969)
“Phải có tinh thần hăng hái”…
Bác Hồ muôn vàn kính yêu của chúng ta đã trải qua bao nỗi nhọc nhằn, khổ cực. Năm 1911, Bác qua Paris, làm một người lao động bình thường: Làm thợ, làm công, làm thuê, học nghề…, không từ nan bất cứ công việc nặng nhọc nào.
Tại “117 chuyện kể về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh (Ban Tuyên giáo Trung ương, Nxb CTQG - 2007) ghi:
“Ở khu an toàn, trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, mặc dù xa địch, nhưng mỗi lần chuyển địa điểm, ngoài việc làm lán trại, Bác cháu còn phải đào hầm, hố. Bác thường giúp đỡ các chiến sỹ bảo vệ vẽ mẫu hầm, cách cầm xẻng, phá đất đá, nện “choòng”… Ngay trong mỗi nhà, mỗi lán, Bác đều cho đào công sự đề phòng máy bay tập kích bất ngờ, cây rừng đổ xuống. Cứ mỗi ngày Bác đào một ít, sau giờ làm việc, vài ba buổi là xong. Ai muốn đến giúp, Bác ngăn lại, không đồng ý và nói “Đây là quyền lao động của Bác”…”.
Người khẳng định:
“Nước ta nghèo, mỗi người, muốn sung sướng thì phải cần cù lao động, coi lao động là nghĩa vụ thiêng liêng, là nguồn sống, là nguồn tạo nên hạnh phúc cho mình và cho cả thế hệ mai sau. Cán bộ, công nhân, viên chức đã hiểu như vậy và cố gắng làm việc tốt; nhưng vẫn còn một số chưa hiểu đúng như thế - trở nên lười biếng lao động”.
Bác lưu ý:
“Nếu ai cũng hăng hái làm, mà có một số công nhân lười, cũng không được. Muốn giữ kỷ luật lao động, phải có tinh thần hăng hái, có tính sáng tạo. Tính hăng hái, sáng tạo tỏ ra ở chỗ thi đua. Thi đua - không phải là tranh đua. Mọi người phải cố gắng tiến bộ, không giấu nghề, người đi trước hiểu biết, dẫn người đi sau, làm cho mọi người cùng tiến bộ”.
Trong bài viết “Đạo đức lao động” (đăng trên Báo Cứu quốc số 2.092, ngày 4/6/1952), Người viết:
“Trước kia, người ta cho rằng, lao động là việc nặng nề, xấu hổ. Ngày nay, lao động là sự nghiệp quang vinh, vẻ vang, vui thú và anh dũng”.
Người nói: “Phải có tinh thần hăng hái”.
Trong lao động, Bác đặc biệt nhấn mạnh vai trò của phong trào thi đua. Theo Người:
“Phong trào thi đua - làm cho người ta thay đổi thái độ đối với lao động. Phong trào thi đua, giúp cho người lao động còn chưa tốt, chưa hiệu quả do chưa bố trí, sắp xếp thời gian khoa học, hợp lý, có hướng phấn đấu hiệu quả hơn, có mục tiêu phấn đấu, định hướng rõ ràng. Những người nổi bật trong lao động - sẽ là nguồn động lực khuyến khích những ai còn chưa đạt được hiệu quả, lấy đó làm dấu mốc để phấn đấu”.
Lời dạy của Bác “Lao động là sự nghiệp quang vinh, vẻ vang, vui thú và anh dũng” - có ý nghĩa to lớn, không chỉ động viên, cổ vũ tinh thần hăng say lao động của đồng bào cả nước, mà còn khẳng định giá trị của lao động là cao quý, thiêng liêng; lao động vừa tạo ra của cải vật chất, vừa phát triển con người toàn diện.
Hãy làm việc hết sức mình!
Ngày 19/5/1955, thăm Nhà máy Xe lửa Gia Lâm (Hà Nội), Người căn dặn cán bộ, công nhân phát huy truyền thống cách mạng của đơn vị, ra sức thi đua xây dựng miền Bắc, ủng hộ cuộc đấu tranh của đồng bào miền Nam.
Nói chuyện với công nhân Nhà máy diêm Thống Nhất (16/8/1956), Bác đã khéo nhắc nhở về mối quan hệ giữa cống hiến và hưởng thụ chính đáng của người lao động.
- Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Nhà máy Xe lửa Gia Lâm (tháng 5/1955)
Người nói thật giản dị:
“Lợi ích của công nhân đi đôi với lợi ích chung của nhà máy. Nếu đời sống được cải thiện và mọi người khỏe mạnh, sẽ phấn khởi thi đua sản xuất làm cho nhà máy thu được nhiều kết quả”.
Ngày 24/4/1957, thăm và nói chuyện với công nhân Nhà máy Liên hợp dệt Nam Định, Bác nhấn mạnh:
“Mình là chủ, phải làm thế nào cho xứng đáng là chủ. Cái gì lợi cho nhà máy - là ích lợi cho mình; cái gì hại cho nhà máy - là hại cho nhà mình. Đó là thái độ của người làm chủ, làm chủ nhà máy, làm chủ nước nhà”.
Nói chuyện với cán bộ, công nhân Nhà máy Xi măng Hải Phòng (30/5/1957), Chủ tịch Hồ Chí Minh nói:
“Hiện nay, trong tư tưởng của một số cán bộ, công nhân chỉ thích đỗ đạt bằng cấp, thăng quan tiến chức, ngồi bàn giấy mà coi thường lao động chân tay, lao động sản xuất. Ta học để làm gì? Cũng để mà lao động. Đã là lao động, thì lao động chân tay hay lao động trí óc cũng đều quý”.
Ngày 8/1/1959,lần lượt đi thăm từng phân xưởng sản xuất, nhà ăn tập thể, nhà trẻ công nhân - Xí nghiệp May 10 (nay là Tổng công ty May 10, Hà Nội), Người nhắc nhở:
“Sản xuất mà không tiết kiệm, thì như “gió vào nhà trống”. Các cô, các chú hãy chú ý đến cải tiến trang thiết bị; máy móc dù có tối tân đến đâu, nếu ta cố gắng suy nghĩ, thì có thể cải tiến cho tốt được…”.
Thăm Nhà máy Dệt kim Đông Xuân (15/5/1959), Bác đã căn dặn:
“Các cháu là những người đã tham gia kháng chiến, được Nhà nước giao cho phụ trách máy móc, cần phải học hỏi để nhanh chóng nắm được khoa học - kỹ thuật, sản xuất được nhiều sản phẩm năng suất chất lượng tốt nhất, giá thành rẻ nhất, phục vụ Nhân dân, làm giàu cho đất nước”.
Ngày 8/3/1965, về thăm Nhà máy Dệt 8/3 trong ngày khánh thành (công trình xây dựng có phần vốn đóng góp của phụ nữ và hiện đại nhất miền Bắc vào thời điểm đó), Người nhắc nhở:
“Nhà máy Dệt 8/3 hình thành - là thành quả đổi bằng mồ hôi, xương máu của bao chiến sỹ, đồng bào đã ngã xuống trong sự nghiệp đấu tranh vì độc lập, tự do, lại được mang tên Ngày Quốc tế phụ nữ. Vì vậy, mỗi cán bộ, công nhân, viên chức nhà máy phải làm việc hết sức mình để xứng với niềm vinh dự và trách nhiệm lớn lao đó”.
Thấm nhuần lời dạy của Bác
- Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Nhà máy diêm Thống Nhất (1956)
Đối với giai cấp công nhân, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có một tình cảm yêu thương đặc biệt, dành nhiều thời gian cho việc xây dựng giai cấp công nhân và tổ chức công đoàn.
Chính vì thế, dù bận trăm công, nghìn việc hay lúc tuổi đã cao, sức đã yếu, Bác vẫn thường xuyên đi đến các công trường, nhà máy, hầm mỏ để chuyện trò, giáo dục, hướng dẫn, dìu dắt giai cấp công nhân, tổ chức công đoàn. Đó là tình cảm yêu thương bao la, là những mong muốn mãnh liệt của Người trong việc xây dựng một giai cấp tiên phong, tiên tiến, hiện đại, tiêu biểu cho đất nước, dân tộc.
Cho đến phút cuối đời, Bác vẫn dành trọn vẹn niềm tin sắt đá vào bản lĩnh, sức mạnh của giai cấp công nhân. Bởi vì, hơn ai hết, Người hiểu sâu sắc rằng: Tương lai và tiền đồ dân tộc, phụ thuộc phần lớn vào giai cấp tiên phong này.
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, muốn phát huy vai trò lãnh đạo, muốn thực hiện quyền làm chủ, người công nhân - lao động phải ra sức học tập văn hóa, khoa học - kỹ thuật, học quản lý, học nghề, học ở nhà trường, học trong thực tiễn, học hỏi chuyên gia nước ngoài, học hỏi cán bộ, học hỏi lẫn nhau.
Đảng, Nhà nước và bộ máy quản lý các cấp cần coi trọng đào tạo những người lao động một cách toàn diện và chú trọng xây dựng phát triển đội ngũ cán bộ khoa học - kỹ thuật, đội ngũ công nhân lành nghề...
Kỷ niệm Ngày Quốc tế lao động (1/5), giai cấp công nhân và Nhân dân lao động nước ta đoàn kết, sát cánh cùng công nhân và Nhân dân lao động trên toàn thế giới trong cuộc đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội; không quên tiếp tục học tập tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh với lời dạy “Lao động là vinh quang”.
Hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nhân dân cả nước đã nêu cao truyền thống cần cù, sáng tạo và nhờ những đức tính đó mà dân tộc ta, mỗi chúng ta không ngại khó khăn, gian khổ, luôn nỗ lực trong học tập, lao động sản xuất.
Trong những năm qua, việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh - đã trở thành phong trào thi đua sôi nổi trong cán bộ, đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động trên cả nước, góp phần tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức và việc làm của mỗi cá nhân, đồng thời góp phần cùng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao…
Ngày nay, trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, lời dạy của Bác vẫn còn nguyên giá trị, là tư tưởng chỉ đạo, động viên, cổ vũ toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta nêu cao tinh thần tự lực, tự cường, lao động sáng tạo, tiếp thu khoa học kỹ thuật tiên tiến, đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước.
Ngày 1/5 - những dấu ấn của Người:
Ngày 1/5/1920, báo cáo của mật thám ghi nhận Nguyễn Ái Quốc tham dự mít tinh kỷ niệm Ngày Lao động quốc tế cùng Nhóm đảng viên Xã hội Pháp và tham luận trên diễn đàn đòi ngưng gửi người sang thuộc địa.
Ngày 1/5/1924, theo lời mời của Thành ủy Moscow và Ban Thư ký của quốc tế cộng sản, Nguyễn Ái Quốc tham gia và phát biểu trong cuộc mít tinh Kỷ niệm Ngày Quốc tế Lao động, tại Hồng trường (Moscow).
Ngày 1/5/1925, cùng với những nhà cách mạng Trung Quốc, Nguyễn Ái Quốc tham gia tổ chức Đại hội lần thứ Nhất của nông dân tỉnh Quảng Đông, tiến tới thành lập Hội Nông dân.
Ngày 1/5/1943, trên Báo Việt Nam Độc lập xuất bản tại Cao Bằng, đăng bài “Kỷ niệm Trần Hưng Đạo” của Bác với lời kết “Chuyện Trần Hưng Đạo để lại cho ta một bài học đó là muốn đánh quân xâm lấn nước ta, cần 2 điều:Toàn dân đoàn kết; khéo dùng lối du kích”.
Ở Việt Nam, ngày 1/5/1930, lần đầu tiên trong lịch sử phong trào công nhân ở Đông Dương, giai cấp công nhân nước ta, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, đã biểu tình ngoài đường phố để biểu dương tình đoàn kết cách mạng với công nhân quốc tế, đồng thời đấu tranh trực diện với bọn đế quốc thực dân Pháp, đòi chúng phải cải thiện điều kiện làm việc, tăng lương và thực hiện luật lao động ngày làm việc 8 giờ.
Ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, nước nhà được độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 22c NV/CC ngày 18/2/1946 về những ngày nghỉ Tết, kỷ niệm lịch sử và lễ tôn giáo. Trong đó,công bố: 1/5 là một trong những ngày lễ chính thức và công nhân, lao động cả nước được nghỉ 1 ngày có hưởng lương. Kể từ đây, ngày 1/5 được coi là một trong những ngày lễ chính thức hàng năm của nước ta.
Ngày 1/5/1946, lần đầu tiên trong lịch sử nước ta, Ngày Quốc tế lao động được tổ chức kỷ niệm mít tinh trọng thể tại Thủ đô Hà Nội với sự tham dự của 20 vạn Nhân dân lao động. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc lời kêu gọi: “Cùng đồng bào toàn quốc! Cùng anh chị em lao động! 1/5 là một ngày Tết chung cho tất cả các nước trên thế giới. Đó là một ý nghĩa đoàn kế trất sâu xa...”.
Ngày 1/5/1948, Bác Hồ ra Lời kêu gọi thi đua yêu nước: “Nước ta kinh tế lạc hậu, nhưng lòng yêu nước và chí quật cường của Nhân dân chẳng kém ai. Nay muốn tự cung, tự cấp, tự túc, đi kịp người, thì chúng ta phải đi mau. Vì vậy, sỹ - nông – công – thương – binh - gái trai già trẻ, toàn thể quốc dân, vô luận ở địa vị nào, làm công việc gì, phải ra sức tham gia cuộc Thi đua yêu nước, tức là tăng gia sản xuất”.
Ngày 1/5/1951, Bác Hồ xác định: “Quân đội thi đua giết giặc lập công; Công nhân thi đua tăng gia sản xuất; Nông dân thi đua sản xuất lương thực; Trí thức thi đua sáng tác, phát minh; Cán bộ thi đua cần, kiệm, liêm, chính. Toàn dân thi đua - tích cực tham gia kháng chiến”.
Ngày 1/5/1954, Báo Nhân Dân đăng bài “Mấy khuyết điểm của báo chí ta” của Bác, đi đến kết luận: “Nói tóm lại, để làm trọn nhiệm vụ tuyên truyền, tổ chức, hướng dẫn, thì báo chí cần phải gần gũi quần chúng hơn nữa, đi sâu vào công việc thực tế hơn nữa, cách làm việc cải thiện hơn nữa”.
Ngày 1/5/1958, Bác nêu: “Cùng với Nhân dân lao động toàn thế giới, chúng ta nhiệt liệt chào mừng Ngày 1/5 trong lòng đầy tin tưởng và phấn khởi quyết tâm vượt mọi khó khăn, tiến lên làm tròn những nhiệm vụ mới...”.
Ngày 1/5/1964, Bác gửi điện khen ngợi thanh niên trên công trường khôi phục đường sắt Thanh Hóa – Vinh, trong đó có việc xây lại cầu Hàm Rồng.
Tối 1/5/1966, sau buổi xem Đoàn Văn công tỉnh Quảng Bình từ tuyến lửa về biểu diễn trong Phủ Chủ tịch, Bác bày tỏ: “Nhân dân ta thật Anh hùng, chiến đấu ác liệt như thế, gian khổ như thế, mà vẫn lạc quan ca hát. Một dân tộc như thế, thì không một thế lực hung bạo nào có thể khuất phục được”.
Xuân Phong