Ngân Sơn là huyện miền núi cao, mùa đông kéo dài, nhiệt độ xuống thấp, thường xuất hiện sương muối, rất ít loài cây ăn quả có thể phát triển được. Tuy nhiên, dẻ là cây bản địa, chống chịu được thời tiết khắc nghiệt, phù hợp với thổ nhưỡng nên phát triển tốt, đặc biệt hạt dẻ Ngân Sơn có giá cao, mang lại thu nhập khá.

Vốn không phải là giống bản địa, song cây dẻ (còn gọi là dẻ ván) đã, đang trở thành một loại cây đặc hữu của Ngân Sơn. Cây dẻ được đưa vào trồng tại địa phương này từ những năm 2000.

Theo thống kê của ngành nông nghiệp, toàn huyện hiện có trên 105ha cây dẻ ván, diện tích cho thu hoạch hơn 27ha, năng suất bình quân đạt 56 tạ/ha, diện tích trồng tập trung tại các xã Bằng Vân, Đức Vân, thị trấn Nà Phặc. Hiện nay hạt dẻ ván đã được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao và là sản phẩm hữu cơ Việt Nam. Cây dẻ ván phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng ở Ngân Sơn, dễ chăm sóc và đem lại hiệu quả kinh tế cao. Theo đó, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2020 – 2025, đặt ra mục tiêu đến năm 2025 trồng thêm mới 100ha cây dẻ ván, mỗi năm 20ha tại 05 xã gồm: Cốc Đán, Thượng Ân, Bằng Vân, Đức Vân và thị trấn Nà Phặc.

Cây dẻ trồng tại Đức vân trở nên ưu việt hơn hẳn một số nơi khác bởi mẫu mã đẹp, hạt to, vị thơm bùi đặc trưng
Cây dẻ trồng tại Đức vân trở nên ưu việt hơn hẳn một số nơi khác bởi mẫu mã đẹp, hạt to, vị thơm bùi đặc trưng.

Phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương nên khi bén rễ tại Đức Vân, cây dẻ trở nên ưu việt hơn hẳn một số nơi khác bởi mẫu mã đẹp, hạt to, vị thơm bùi đặc trưng. Các hộ trồng dẻ cho biết, nếu như bình quân mỗi ki-lô-gam hạt dẻ từ 60 - 65 hạt thì ở Đức Vân khoảng 40 hạt đã đạt trọng lượng 1kg.

Theo các chuyên gia nông nghiệp, cây dẻ ván ở xã Đức Vân có nguồn gốc lai ghép từ cây dẻ Trùng Khánh (Cao Bằng) với mắt cây dẻ ván tỉnh Lạng Sơn. Cây dẻ ván có khả năng thích nghi với nhiều điều kiện tự nhiên. Phát triển tốt ở vùng có khung nhiệt độ từ 8-22 độ C, lượng mưa trung bình hằng năm từ 1.000- 2.000 mm. Là cây ưa sáng.

Cây dẻ ván không kén đất, có thể thích nghi trên nhiều loại đất khác nhau
Cây dẻ ván không kén đất, có thể thích nghi trên nhiều loại đất khác nhau. (Ảnh: Hà Trần)

Cây dẻ ván không kén đất, có thể thích nghi trên nhiều loại đất khác nhau: Đất đồi, sườn đồi, sườn núi, đất nương rẫy cũ… Nhưng để phát triển tốt, cho năng suất cao cần đất có tầng canh tác dày, tơi xốp, thoát nươc tốt. Đất có độ pH hơi chua đến trung tính.

Để trồng, bà con nên chọn giống dẻ ván từ những cây khỏe mạnh, sai quả đã được trồng và thích nghi với khí hậu tại Trùng Khánh (Cao Bằng) để lấy giống. Hiện nay cây dẻ ván có thể nhân giống bằng hạt hoặc bằng cách ghép mắt. Phương pháp ghép mắt thường cây trồng khỏe, sớm ra quả, sản lượng cao, phẩm chất tốt, được áp dụng nhiều nhất.

Hiện nay hạt dẻ Đức Vân chủ yếu được các tiểu thương đến thu mua ngay tại vườn, mặt sàn về giá cũng lên xuống thất thường theo thời điểm đầu vụ và cuối vụ giá cao hơn, giữa vụ thu hoạch rộ hơn giá giảm xuống.

Thực tế thu nhập từ cây dẻ mang lại giá trị kinh tế cao, phù hợp với điều kiện tự nhiên của địa phương nên người dân tập trung phát triển.

Để khơi dậy tiềm năng và phát triển bền vững cây trồng này, huyện Ngân Sơn đang tập trung mở rộng diện tích để đưa cây dẻ ván Đức Vân trở thành cây chủ lực, đem lại giá trị kinh tế cao. Việc nhân rộng diện tích gắn với sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ chính là hướng phát triển bền vững, hiệu quả trong hành trình gây dựng thương hiệu sản phẩm hạt dẻ của Ngân Sơn.

Hà Trần