Nhất Trịnh Văn Bô, nhì Đỗ Đình Thiện
Những năm 1930 - 1940, giới thương gia Đông Dương đã thuộc làu câu “Nhất Trịnh Văn Bô, nhì Đỗ Đình Thiện” để tôn vinh hai nhà tư sản giàu có của Hà Nội đương thời. Mặt trận Việt Minh từ khi ra đời đã có nhiều dịp quyên tiền của các gia đình hằng tâm hằng sản, trong đó có gia đình thương nhân Trịnh Văn Bô và Hoàng Thị Minh Hồ, chủ hiệu tơ lụa Phúc Thái, 48 phố Hàng Ngang.
Tháng Tám 1945, ngay sau khi Việt Minh giành được chính quyền ở Hà Nội, ông Nguyễn Lương Bằng đã đến đặt vấn đề với bà Hoàng Thị Minh Hồ: “Gia đình anh chị là nơi đảm bảo an toàn nhất, là chỗ dựa mọi mặt của đoàn thể. Xin cho chúng tôi được dời cơ quan thượng cấp về đây”. Từ ngày 24/8/1945, nhà số 48 phố Hàng Ngang đã được đón “ông cụ dưới quê lên chơi”.
Trong những ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ở ngôi nhà 48 Hàng Ngang, bà đều trực tiếp và chỉ đạo nhà bếp nấu ăn phục vụ. “Tôi tự nấu cháo chứ không sai người nhà nấu. Bát cháo tôi tự nấu được chọn từ hạt gạo tám thơm mới, đến nước ninh gà, tim gan tươi ép lấy nước, các gia vị có tính chữa sốt. Tôi để tô cháo vào cái đĩa cổ, đặt trong chiếc khay sơn mài, đậy kín bưng lên gác”.
Hằng ngày vào 9 giờ, ông bà thay nhau bê cháo và hoa quả lên. Mặc dù không biết là ai nhưng bà tự nhủ mình phải tự lĩnh lấy trách nhiệm săn sóc việc ăn uống để ông cụ có sức khỏe vì cụ làm việc rất khuya.
Chiều tối ngày 26/8/1945, phố đã lên đèn, bà Minh Hồ đem thức ăn tối lên mời ông cụ dùng. Bà gõ cửa, không ngờ người mở cửa chính là ông cụ. Bà lễ phép chào và đặt khay thức ăn lên bàn định đi xuống nhà, ông cụ liền chỉ tay vào chiếc ghế mời bà ngồi.
Là chủ nhà nhưng khi tiếp xúc với ông cụ thượng cấp mà bà nghe các đồng chí Khuất Duy Tiến, Nguyễn Lương Bằng, Vũ Đình Huỳnh cứ hỏi nhau: “Khi nào mẹ về”? Cứ tưởng mẹ là phụ nữ, hóa ra lại chính là ông cụ thượng cấp này. Tuy không biết ông cụ giữ chức vụ gì nhưng bà đoán chắc chắn ông cụ phải là người quan trọng. Ông cụ thượng cấp thân thiện nhìn bà rồi hỏi: “Cô tên là gì?”
“Thưa cụ! Cháu là Trịnh Văn Bô ạ”. Nghe bà trả lời vậy, ông cụ niềm nở cười thành tiếng: “Cháu là con gái sao lại là Trịnh Văn Bô, phải là Trịnh Thị... chứ?”.
Bà cũng cười ngượng ngập, tự nhủ mình đã mất bình tĩnh. Tiếng ông cụ thượng cấp vẫn trầm ấm: “Trịnh Văn Bô là tên chú ấy. Tôi muốn được biết tên của cô”.
“Dạ, thưa cụ! Cháu tên là Hoàng Thị Minh Hồ ạ”.
“Họ Hoàng, tên là Minh Hồ!...”, ông cụ cứ nhắc đi nhắc lại mấy lần câu đó rồi lại cất giọng ấm áp: “Cháu còn trẻ và đẹp. Tuổi trẻ nhưng cháu có tấm lòng người mẹ cao cả, cháu giàu của lại giàu lòng thương người nghèo khó, thương người hoạt động vì nước. Cháu là người yêu nước, cháu vẹn toàn cả hai vai: Đảm đang việc nhà, tham gia việc nước...”.
Xúc động quá, ấp úng mãi bà Minh Hồ mới nói thành lời: “Thưa cụ! Được phục vụ cụ, phục vụ cách mạng là niềm vinh dự của gia đình cháu ạ!”
Bẵng đi mấy ngày, tối 1/9/1945, ông Nguyễn Lương Bằng đưa cho bà một tấm thiếp mời của Ban Tổ chức Chính phủ lâm thời - do cụ Hồ Chí Minh làm Chủ tịch ra mắt quốc dân tại vườn hoa Ba Đình. Hôm sau, vào đến khu vực khách mời dự, sát lễ đài, khi Đoàn quân nhạc cử Quốc ca xong, nhìn lên kỳ đài, bà rất bất ngờ vì Chủ tịch Hồ Chí Minh đang dõng dạc đọc Tuyên ngôn Độc lập chính là ông cụ thượng cấp ở trên tầng 2 nhà mình.
Cụ bà Hoàng Thị Minh Hồ (1914 - 2017)
Một tuần sau ngày lễ Tuyên ngôn Độc lập, ông bà Trịnh Văn Bô và Hoàng Thị Minh Hồ được mời lên gặp Hồ Chủ tịch. Trong lòng bà cứ lo lo, không biết mình làm việc gì không phải để Cụ không hài lòng? Đến nơi, không chỉ có Cụ Hồ mà còn cả các đồng chí trong Thường vụ Trung ương Đảng.
Cụ Hồ cầm một chiếc ngà voi, trên có khắc một đàn voi, vòi con nọ quấn lấy con kia. Cụ trao vào tay bà Minh Hồ món quà rồi thân mật nói: “Thay mặt Trung ương Đảng, tặng gia đình cô món quà này, chúc gia đình và cách mạng đoàn kết như đàn voi này”.
Nơi khởi thảo Tuyên ngôn độc lập
Ngôi nhà 48 phố Hàng Ngang cũng chính là nơi Bác Hồ khởi thảo bản Tuyên ngôn Độc lập (2/9/1945). Ngôi nhà 4 tầng, hai mặt phố, bên dưới là cửa hàng buôn bán tơ lụa. Nhà được xây dạng “hình ống”; gồm 3 khối, nối với nhau bởi giếng trời. Mặt tiền phía phố Hàng Ngang rộng chừng 6 m, là cửa hàng. Phía sau là sân và bếp, khu phụ, số 35 phố Hàng Cân.
Tại tầng hai của ngôi nhà, phòng ăn của gia đình chủ nhà đã được dùng làm phòng họp của Chủ tịch Hồ Chí Minh với Ban Thường vụ Trung ương Đảng. Tại căn phòng này, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì cuộc họp với Ban Thường vụ Trung ương Đảng bàn, thông qua 3 nội dung quan trọng là Tuyên ngôn Độc lập; tổ chức lễ Quốc khánh và thành phần thành phần Chính phủ lâm thời nhằm đoàn kết rộng rãi các tầng lớp nhân dân, tổ chức yêu nước, quyết định ngày tuyên bố độc lập.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã viết trong hồi ký “Những năm tháng không thể nào quên” như sau:
“Trong căn buồng nhỏ thiếu ánh sáng của ngôi nhà sâu thẳm, nằm giữa một trong ba mươi sáu phố phường cổ kính của Hà Nội, Bác ngồi làm việc, khi thì viết, khi thì đánh máy. Những người giúp việc trong gia đình không biết ông cụ có cặp mắt sáng, chiếc áo nâu bạc thường đề hở khuy ngực, hay hút thuốc lá, ngồi cặm cụi đó làm gì. Mỗi lần họ tới hỏi cụ có cần gì, cụ quay lại mỉm cười, chuyện trò đôi câu.
Lần nào cụ cũng nói không có gì cần phải giúp đỡ. Họ không biết là mình đang chứng kiến những giờ phút lịch sử. Một buổi sáng, Bác và anh Nhân (Tổng Bí thư Trường Chinh - KMS) gọi anh em chúng tôi tới. Bản Tuyên ngôn lịch sử đã thảo xong, Bác mang đọc để thông qua tập thể. Như lời Bác nói lại sau này - đó là những giờ phút sảng khoái nhất của Người".
Kiều Mai Sơn