Bãi bỏ, bổ sung một số điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực đường thủy nội địa - Hình 1

Ảnh minh họa

Cụ thể, Nghị định số 128/2018/NĐ-CP đã bãi bỏ Điều 5 về điều kiện kinh doanh vận tải đường thủy nội địa; Điều 7 về điều kiện kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng chuyến; Điều 8 về điều kiện kinh doanh vận chuyển khách du lịch; Điều 9 về điều kiện kinh doanh vận tải hành khách ngang sông; Điều 10 về điều kiện kinh doanh vận tải hàng hóa tại Nghị định số 110/2014/NĐ-CP ngày 20/11/2014 của Chính phủ quy định về điều kiện kinh doanh vận tải đường thủy nội địa.

Ngoài ra, trong Nghị định này đã sửa đổi, bổ sung tại Điều 6. Nếu như trước đây để có thể kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định, theo hợp đồng chuyến và vận chuyển khách du lịch đơn vị kinh doanh vận tải phải đáp ứng các điều kiện về: Nhân viên, người điều hành, nơi neo đậu, bộ phận quản lý và theo dõi các điều kiện về an toàn giao thông…thì này chỉ cần đáp ứng một điều kiện duy nhất là đơn vị kinh doanh vận tải phải thành lập doanh nghiệp hoặc hợp tác xã theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Theo đó, cơ sở đóng mới, hoán cải, sửa chữa phục hồi phương tiện thủy nội địa phải thành lập doanh nghiệp hoặc Hợp tác xã theo quy định của pháp luật Việt Nam; có cơ sở vật chất, trang thiết bị, quy trình công nghệ và năng lực thi công phù hợp với chủng loại, kích cỡ phương tiện thủy nội địa được sản xuất, kinh doanh dịch vụ theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành; có nhân lực đáp ứng yêu cầu hoạt động sản xuất, kinh doanh. 

Ngoài ra, Nghị định số 128/2018/NĐ-CP cũng sửa đổi bổ sung điều kiện về phòng học chuyên môn, phòng thi, kiểm tra; xưởng thực hành; khu dạy thực hành lái và vận hành máy; nội dung, chương trình đào tạo thuyền viên, người lái phương tiện thủy nội địa; đội ngũ giáo viên quy định tại Nghị định số 78/2016/NĐ-CP ngày 1/7/2016 của Chính phủ.

Hằng Vương