Sự cảnh báo này có thể trái chiều đối với sự vận động của nền kinh tế Việt Nam nếu đưa ra trước thời điểm diễn ra dịch Covid-19. Khi đó, quy mô thị trường mua bán, sáp nhập DN (M&A) được coi là một trong những thước đo để đánh giá mức độ hấp dẫn của môi trường đầu tư, kinh doanh. Từ năm 2014 đến 2016, quy mô thị trường M&A luôn ổn định ở mức 6 đến 6,5 tỷ USD và mở ra kỳ vọng sớm cán mốc 10 tỷ USD.

Dòng vốn ngoại đi cùng sự chuyển giao công nghệ mới, quản trị hiện đại sẽ góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh cho DN Việt Nam. Nhưng tình hình hiện nay đã khác, những thương vụ M&A diễn ra tại thời điểm này nhằm vào các DN đang bị “bào mòn” sức lực sẽ chỉ mang tính chất thâu tóm, không đem lại lợi ích cho DN Việt Nam, không làm cho DN mạnh lên.

Công ty TNHH NEO Optical ở huyện Yên Dũng (Bắc Giang)Sản xuất tại Công ty TNHH NEO Optical ở huyện Yên Dũng (Bắc Giang)

Chỉ hai tháng sau khi dịch bệnh bùng phát ở Việt Nam, nhiều DN gỗ và lâm sản đã phải ngừng hoạt động vì quý I năm 2020 đã trả hết đơn hàng năm 2019, từ tháng 4 năm nay không ký thêm được đơn hàng mới. Tình hình còn xấu hơn khi trong quý II một số công ty như Kim Sen, BHL Tân Sơn,... đã phải rao bán nhà máy.

Tại một số địa phương, đã có những nhà hàng, khách sạn, DN hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ cho người lao động nghỉ việc, treo biển rao bán hoặc tìm đối tác chuyển nhượng. Cơ quan quản lý đăng ký kinh doanh lo ngại, nếu tình hình dịch bệnh trên thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, hoạt động M&A trong thời gian tới sẽ diễn ra mạnh mẽ hơn. Nguy cơ các DN tiềm năng của Việt Nam (DN có quy mô vừa và lớn, đã có thị phần nhất định, có vai trò dẫn dắt một số ngành kinh tế quan trọng) sẽ bị thâu tóm bởi các nhà đầu tư nước ngoài với giá rẻ.

Qua nắm bắt tình hình thực tế và phản ánh của cộng đồng DN, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng cảnh báo có tình trạng một số DN, quỹ đầu tư nước ngoài đang xem xét việc mua lại các DN trong ngành bất động sản, bán lẻ,... và kiến nghị Chính phủ có chỉ đạo tạm thời dừng việc mua bán, sáp nhập DN trong giai đoạn dịch bệnh để hạn chế việc DN nước ngoài thâu tóm các DN Việt Nam.

Theo các chuyên gia kinh tế, hơn bao giờ hết, đây là lúc Chính phủ cần tiếp tục đẩy nhanh triển khai các chính sách hỗ trợ và khơi thông cơ chế để tiếp sức cho DN vượt qua thời điểm sinh tử. Ðồng thời tham khảo các giải pháp được nhiều quốc gia trên thế giới áp dụng để bảo vệ DN trong nước như: Kiểm soát dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài qua hoạt động góp vốn, mua cổ phần của DN trong nước, cân nhắc mua cổ phần tại các DN chủ chốt của nền kinh tế…

Bích Ngân