Nhiều mặt hàng tăng trưởng ấn tượng
Theo Bộ Công Thương, có 5 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 5 tỷ USD, chiếm 59,8% trong tổng số 19 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, tiêu biểu như: Điện thoại và linh kiện có giá trị xuất khẩu lớn nhất, đạt 18,4 tỷ USD, chiếm 17,7% tổng kim ngạch xuất khẩu, tăng 19,4% so với cùng kỳ năm trước; điện tử, máy tính và linh kiện đạt 15,9 tỷ USD, tăng 30,8%; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 12 tỷ USD, tăng 76,9%; hàng dệt may đạt 9,5 tỷ USD, tăng 9%; giày dép đạt 6,4 tỷ USD, tăng 18,7%; gỗ và sản phẩm gỗ đạt 5 tỷ USD, tăng 50,5%; phương tiện vận tải và phụ tùng đạt 3,5 tỷ USD, tăng 28%; thủy sản đạt 2,4 tỷ USD, tăng 6,1%...
Tính chung 4 tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp chế biến đạt 89,73 tỷ USD, tăng 31,2% so với cùng kỳ, chiếm 86,4% tổng kim ngạch xuất khẩu chung của cả nước. Trong nhóm hàng này, kim ngạch xuất khẩu nhiều mặt hàng chủ lực đạt mức tăng trưởng 2 con số như: Điện thoại các loại và linh kiện; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng; gỗ và sản phẩm gỗ; sắt thép các loại…
Xuất khẩu các mặt hàng may mặc, giày dép vốn bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19 cũng cho thấy sự phục hồi tốt trong 4 tháng đầu năm 2021. Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt và may mặc tăng 9% so với cùng kỳ năm 2020, đạt 9,5 tỷ USD; giày dép các loại tăng 18,7%, đạt 6,39 tỷ USD; xơ, sợi dệt các loại tăng 43,4%, đạt 1,64 tỷ USD; nguyên phụ liệu dệt may, da giày tăng 14,1%, đạt 642 triệu USD. Như vậy, hầu hết mặt hàng kể trên đều đã bằng hoặc lấy lại đà tăng trưởng so với thời điểm trước khi xảy ra đại dịch Covid-19.
Ngoài ra, kim ngạch xuất khẩu thủy sản và hàng rau quả ghi nhận tăng 6,1% và 9,5% so với cùng kỳ năm 2020, đạt 2,39 tỷ USD và 1,35 tỷ USD. Đặc biệt, xuất khẩu cao su trong 4 tháng đầu năm 2021 tăng tới 79,6% về lượng và tăng 111,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020, đạt 486 nghìn tấn, trị giá 817 triệu USD. Xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn cũng tăng 13,9% về lượng và tăng 23,9% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.
Tuy nhiên, Bộ Công Thương cũng cho biết, kim ngạch xuất khẩu nhóm nông, lâm, thủy sản tháng 4/2021 ước đạt 2,167 tỷ USD, giảm 10,6% so với tháng 3/2021 và giảm 6,4% so với cùng kỳ năm 2020.
Tính chung 4 tháng qua, nhiên liệu và khoáng sản là nhóm hàng duy nhất có kim ngạch xuất khẩu giảm, với mức giảm 21,6%, đạt 922 triệu USD. Nhóm hàng này ghi nhận sự sụt giảm kim ngạch so với cùng kỳ năm ngoái ở các mặt hàng như: Dầu thô giảm 16,7%, xăng dầu các loại giảm 37,9%.
Như vậy, hầu hết các mặt hàng kể trên đều đã bằng hoặc lấy lại đà tăng trưởng so với thời điểm trước khi xảy ra đại dịch Covid-19. Điều này sẽ góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy xuất khẩu chung của Việt Nam trong năm 2021.
Không chủ quan trước tình hình mới
Để bền vững trong tháng 5/2021 và những tháng tiếp theo, Bộ Công Thương đề xuất, lãnh đạo các đơn vị quán triệt và kiên định thực hiện “mục tiêu kép”, tuyệt đối không chủ quan với dịch bệnh, chủ động theo dõi, bám sát tình hình, chuẩn bị các kịch bản, tình huống, giải pháp để ứng phó hiệu quả với diễn biến dịch bệnh.
Tiếp tục thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong công tác phòng, chống dịch Covid-19.Đồng thời thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động sản xuất, kinh doanh trên các lĩnh vực, địa bàn, tạo khí thế phấn khởi ngay từ năm đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Thúc đẩy xuất khẩu, tổ chức khai thác, tận dụng cơ hội từ các FTA để tìm giải pháp phát triển thị trường và tháo gỡ rào cản để thâm nhập các thị trường mới. Tiếp tục theo dõi sát sao diễn biến của đại dịch Covid-19 trên thế giới để có các biện pháp ứng phó kịp thời. Củng cố và mở rộng thị trường xuất khẩu, tận dụng tối đa lợi thế từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã có hiệu lực.Đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, nhập khẩu. Đa dạng hoá cơ cấu sản phẩm xuất khẩu, nâng cao năng lực cạnh tranh sản phẩm xuất khẩu, phát triển thương hiệu.
Mặc dù đạt được những kết quả khả quan, song theo Bộ Công Thương nhận định, nhìn chung, tốc độ tăng trưởng sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại của Việt Nam 4 tháng đầu năm đã phản ánh quá trình phục hồi đang diễn ra trong nền kinh tế. Tuy nhiên, chưa đồng đều trong các lĩnh vực và vẫn đang rất mong manh khi thời điểm hiện nay, tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp ở các nước láng giềng cũng như ở trong nước.
Vì vậy, theo Bộ Công Thương, chúng ta phải tiếp tục nỗ lực rất cao trong việc thực hiện nghiêm các giải pháp vừa phòng chống dịch vừa thúc đẩy, tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh nhằm đạt được các mục tiêu kế hoạch đề ra.
Quán triệt sự chỉ đạo của Chính phủ kiên định thực hiện “mục tiêu kép”. Tục tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho sản xuất, kinh doanh bằng thể chế, cơ chế, chính sách phù hợp, hiệu quả.
Đặc biệt, trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát trở lại như hiện nay, Bộ Công Thương đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc bám sát tình hình sản xuất công nghiệp trên địa bàn toàn quốc, đảm bảo vừa thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 vừa phát triển sản xuất, kinh doanh.
Ngoài ra, theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả các mặt hàng thiết yếu để có biện pháp điều tiết kịp thời, đảm bảo phân phối hàng hóa hợp lý giữa các vùng miền, ổn định cung cầu - giá cả và lưu thông hàng hóa trên địa bàn cả nước. Đẩy mạnh công tác phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng góp phần bảo vệ sản xuất kinh doanh và tiêu dùng trong nước.
Bùi Quyền