Khi bầu Đức quyết định phá cây cao su để lấy đất làm Học viện bóng đá, nhiều người giật mình.
Rất trùng hợp: Cây cao su từ lúc trồng đến lúc thu hoạch được mủ cũng mất khoảng 5-6 năm, bằng thời gian đào tạo một lứa cầu thủ, để có thể bán được trên thị trường chuyển nhượng.
Khác nhau là ở chỗ, cây cao su cho những khoản tiền chắc chắn hơn, đều đặn hơn trong khi quá trình “trồng” cầu thủ lại tiềm ẩn nhiều rủi ro. Nhưng bầu Đức vẫn ươm và trồng lứa cầu thủ trẻ này thay cho vạt cao su ấy bởi ông biết rằng khoản lãi mà bóng đá mang lại lớn gấp nhiều, rất nhiều so với cây cao su.
Tin chắc vào thành công
Trong mọi câu chuyện kinh doanh, tưởng chừng bầu Đức chơi ngông, nhưng phía sau lại là sự cẩn trọng, tính toán từng bước một.
Bầu Đức không ngại tuyên bố: “Trong kinh doanh cần phải có các phương án dự phòng, chúng tôi luôn chuẩn bị cho mình kịch bản để đối phó với tình huống xấu nhất có thể xảy ra. Nói tóm lại là tôi chưa bao giờ sống trên mây mà luôn luôn chuẩn bị cho mình những tình huống xấu nhất rằng khủng hoảng có thể đang ở sau lưng mình...”
Bầu Đức tin chắc vào thành công của Học viện HAGL-Arsenal JMG
Nên nhớ trong câu chuyện trồng và khai thác cao su, khoáng sản, bất dộng sản và thủy điện..., bầu Đức đều có những phương án dự phòng để chuẩn bị cho những tình huống xấu mà thị trường có thể mang lại.
Thế nhưng, riêng câu chuyện đào tạo trẻ thì bầu Đức không hề có bất kỳ phương án dự phòng nào cả. Hoặc là thành công, hoặc là thất bại. Tất nhiên, bầu Đức tin chắc vào hai chữ “Thành Công”.
Liệu có phải một người lọc lõi trên thương trường như bầu Đức lại ngây thơ tin vào bài toán: bỏ ra 2 triệu USD, cộng với 2 triệu cho Arsenal và một khoản chi phí khác, sau 7 năm sẽ ra lò một lứa cầu thủ có thể bán ra thị trường Châu Âu với mức từ 500.000 USD đến 1.000.000 USD mỗi em?
Phải nói ngay đó là bài toán không khả thi, khá viễn vông.
Trong tư duy của bầu Đức, một mặt đào tạo cầu thủ để bán nhưng điều quan trọng mà các cầu thủ Học viện HAGL- Arsenal phải mang trọng trách là tiếp tục nâng cao hình ảnh HAGL. Chính điều ấy tác động một cách trực tiếp vào từng cổ phiếu của HAGL trên thị trường chứng khoán.
Thành công của U19 Việt Nam với nòng cốt là Học viện HAGL-Arsenal JMG từ giải Đông Nam Á tới giải Châu Á đã mang tới sự lạc quan không ngờ đối với nhà đầu tư. Mã cổ phiếu HAG của HAGL trong vòng 1 tháng qua đã tăng giá khá đều, với những phiên tăng liên tiếp.
Giới phân tích nhận định, cùng thành công của U19 Việt Nam trong vòng 1 tháng, tính từ ngày 23/9 tới hiện tại, giá mỗi cổ phiếu của HAGL tăng gần... 2.000 đồng (từ 20.5 lên 22.4 chốt phiên 18.10). Nên nhớ, bầu Đức nắm 260 triệu cổ phiếu HAG. Chỉ một phép tính nhỏ cho thấy, tài sản vốn hóa của bầu Đức chỉ trong tháng U19 thăng hoa cũng tăng thêm... 500 tỷ đồng.
Xin nhắc lại là 500 tỷ đồng. Tất nhiên không thể nói những tích cực ấy đều do bóng đá mang lại nhưng rõ ràng hình ảnh HAGL “sáng sủa” hơn rất nhiều so với bức tranh chung ảm đạm của thị trường.
Lãi ngầm từ U19
Xung quanh thành công của đội U19, người ta thấy bầu Đức không hề mất gì mà chỉ có được thêm. Cái thêm dễ nhìn thấy nhất, cụ thể nhất là khoản tài trợ của một hãng chuyên về dinh dưỡng lên tới 20 tỷ.
Nhưng khoản ấy nhỏ, rất nhỏ với với cái lãi ngầm mà U 19 mang lại.
Có chuyên gia makerting nhận định: “Bình thường một doanh nghiệp có chấp nhận bỏ ra hàng trăm tỷ nhưng chưa chắc hiệu quả bằng một đợt PR rầm rộ của bầu Đức thông qua đội U19”.
Một trong những sự kiện thể thao lớn được quan tâm trong năm nay là Arsenal sang Việt Nam. Để có được sự xuất hiện của đội bóng này, các nhà tài trợ phải bỏ ra không dưới 50 tỷ. Sự kiện ấy có sự góp mặt của hai thương hiệu lớn: Eximbank và HAGL. Thế nhưng thương hiệu Arsenal quá lớn đã “đè bẹp” thương hiệu của các nhà tài trợ trên các phương tiện truyền thông. Xét về makerting, thương vụ Arsenal không thể gọi là thành công.
Một sự kiện khác: Anh chàng tật nguyền nhưng là biểu tượng khát vọng sống Nick Vujicic sang Việt Nam. Tôn Hoa Sen tài trợ cho chuyến đi này, chi phí tổng cộng là hơn 30 tỷ. Đổi lại nhà tài trợ có vài chương trình trên sóng Đài quốc gia.
Đưa ra 2 ví dụ để thấy, về mặt chiến lược và makerting, bầu Đức xứng đáng là bậc thầy.
Bầu Đức chỉ bỏ ra một khoản vốn là 50 tỷ từ 6 năm trước và bây giờ số vốn ấy vẫn còn nguyên, cầu thủ vẫn là của HAGL Arsenal, thậm chí giá trị của họ đã tăng lên khá cao sau màn trình diễn ở giải U19 Châu Á.
Cái lãi ngầm của ông bầu Đoàn Nguyên Đức chính là Học viện HAGL- Arsenal, tập đoàn HAGL và chính bầu Đức là trung tâm của sự chú ý, trung tâm của truyền thông trong hơn 1 tháng trời. Ngày nào cũng có những bài báo, bản tin truyền hình về U19, về HAGL Arsenal JMG.
Có thể nói, bầu Đức không mất một xu nào nhưng có được những điều mà người khác phải mất cả trăm tỷ mà chưa hy vọng được truyền thông săn đón đến thế.
Bầu Đức nói: “Tôi không tiếc tiền. Đào tạo cầu thủ là dành cho bóng đá Việt Nam chứ không phải để đội lớn H.A Gia Lai chơi ở V-League đâu. Suốt mấy năm qua, tôi đâu có tốn tiền mua cầu thủ mà xác định có sao chơi vậy, chủ yếu đầu tư cho lứa trẻ.
Thế nên tương lai tôi muốn bọn nhỏ bây giờ vô địch khu vực một cách đàng hoàng, tự tin bằng chính năng lực thật sự của mình chứ không cần nhờ vào ông thần may mắn nào cả. Mấy năm nay, tôi có một niềm vui đơn giản là sau mỗi đợt công tác, tự mình chạy xe lên Hàm Rồng xem bọn nhỏ đá banh, thế là bao nhiêu phiền muộn bay hết”.
Nghe xong câu ấy thì giới doanh nhân làm ăn chỉ biết cúi đầu thán phục: bầu Đức làm bóng đá trẻ như thú chơi, như để giải khuây xả stress mà vẫn được tiếng là vì bóng đá, vì quốc gia và điều quan trọng là vẫn... ra tiền.
Thời buổi này, làm như bầu Đức, thực sự là đỉnh cao của sự kết hợp giữa kinh doanh và bóng đá.
Theo Thể Thao Văn Hóa