"Thương hiệu phân phối bán lẻ mỹ phẩm chính hãng"
Đó là lời quảng cáo của Beauty Garden, sở hữu hệ thống cửa hàng trải rộng khắp 3 miền đất nước, có mặt tại các tỉnh – Thành phố lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, TP. HCM, ĐăkLăk, Gia Lai, Đồng Nai, Cần Thơ.
Beauty Garden có website là beautygarden.vn. Theo đó, website này thuộc quyền của Công ty cổ phần Beauty Garden, đăng kí kinh doanh số 0314635748, d Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. HCM cấp ngày 21/09/2017.
“Thành lập từ 2014, Beauty Garden đã khẳng định được uy tín của mình và nhận được tin yêu - ủng hộ của hàng triệu khách hàng, trở thành điểm đến mua sắm mỹ phẩm yêu thích của rất nhiều bạn trẻ. Với mục tiêu mang đến cơ hội trải nghiệm các sản phẩm làm đẹp chất lượng tốt – giá tốt nhất thị trường, góp phần đắp đầy những vẻ đẹp khuyết thiếu, truyền cảm hứng dùng mỹ phẩm và giúp vẻ đẹp Việt tỏa sáng, Beauty Garden luôn không ngừng nỗ lực để hoàn thiện chất lượng dịch vụ của chính mình”, lời quảng cáo của Beauty Garden viết.
![](https://media.thuonghieucongluan.vn/uploads/2024/03/21/z5267321289446-22e69034c9f349e4c2da141f96356b7a-1710997425.jpg)
Tiếp đó, thương hiệu này quảng cáo: “Tại Beauty Garden, bạn sẽ tìm thấy thế giới mỹ phẩm bạt ngàn: Hơn 10.000 sản phẩm luôn có sẵn, đến từ hơn 200 thương hiệu mỹ phẩm nổi tiếng trong và ngoài nước, cùng hàng trăm mẫu thử sẵn sàng chờ khách hàng trải nghiệm. Beauty Garden cam kết phân phối mỹ phẩm chính hãng có xuất xứ nguồn gốc rõ ràng. Tất cả đều là hàng nhập khẩu từ Mỹ, Pháp, Anh, Nhật, Hàn, Thái Lan,... Sản phẩm đa dạng: trang điểm, chăm sóc da, chăm sóc tóc, thực phẩm chức năng, phụ kiện làm đẹp,... đảm bảo phục vụ nhu cầu làm đẹp của chị em”.
![](https://media.thuonghieucongluan.vn/uploads/2024/03/21/z5267321278327-f428cc401ae594c228c286752919cb45-1710997440.jpg)
Beauty Garden tự hào là cánh cửa kết nối - đưa thế giới mỹ phẩm chất lượng, chính hãng, giá tốt nhất đến với cho các bạn khách hàng yêu quý.
Tên facebook của thương hiệu này (https://www.facebook.com/BeautyGardenHN) có ghi, hệ Thống cửa hàng hiện nay của Beauty Garden gồm 165C Xuân Thủy, Quận Cầu Giấy, Hà Nội; 79 Hai Bà Trưng, Diên Hồng, Pleiku, Gia Lai; 154 Nguyễn Việt Hồng, Ninh Kiều, Cần Thơ.
Bày, bán sản phẩm nước ngoài không tem nhãn phụ Tiếng Việt
Theo quy định của pháp luật về tem nhãn hàng hoá bày bán tại thị trường Việt Nam, sản phẩm bày bán phải có nhãn hàng hóa. Nhãn hàng hoá bao gồm hai loại là nhãn gốc và nhãn phụ. Nhãn gốc: Đây là nhãn được thể hiện lần đầu được gắn trên bao bì, hàng hóa do các cá nhân, tổ chức sản xuất hàng hóa tự gắn lên đó (được quy định tại khoản 3, Điều 3, Nghị định 43/2017/NĐ-CP).
Nhãn phụ cũng tương tự như nhãn gốc được gắn lên trên hàng hóa hoặc bao bì thương phẩm nhưng ngôn ngữ sử dụng phải là tiếng Việt, trên đó nêu rõ những nội dung bắt buộc trên nhãn gốc luật định các cá nhân, tổ chức phải dịch từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt hoặc là những nội dung mà nhãn gốc còn thiếu theo quy định của pháp luật Việt Nam cần phải bổ sung (được quy định tại khoản 4, Điều 3, Nghị định 43/2017/NĐ-CP).
Mục sở thị tại cửa hàng Beauty Garden tại số 165C Xuân Thuỷ, Cầu Giấy, Hà Nội, phóng viên lại thấy tại đây đang bày bán nhiều loại mỹ phẩm của các hãng mỹ phẩm nổi tiếng như: Avène, Balance, Clio, DHC, Dr.Ci Labo, Eglips, Eucerin, Gucci, Innisfree, La Roche-Posay, MAC, Nars, Obagi, Vichy, Olay, Cell Fusion C, Centella Skin 1004…. Trong số đó, có một số sản phẩm có tem nhãn phụ Tiếng Việt như Mascara Maybelline, son MAC, kem nền CLIO…
Tuy nhiên, phần nhiều là các sản phẩm không có tem nhãn phụ Tiếng Việt theo quy định, khiến người tiêu dùng không biết sản phẩm này là gì, có công dụng ra sao, đối tượng sử dụng là ai, sản xuất tại đâu, nhập khẩu bởi công ty nào, thành phần sản phẩm ra sao… Điều này khiến khách hàng rất “mất công” trong việc tìm hiểu sản phẩm, xem sản phẩm nào cũng phải “hỏi” nhân viên.
Theo quy định của pháp luật, tại Điều 10, Nghị định số 43/2017/NĐ-CP quy định nhãn hàng hóa bắt buộc phải thể hiện các nội dung về tên hàng hóa; tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa và xuất xứ hàng hóa.
Theo đó, trường hợp không thể thể hiện tất cả nội dung bắt buộc trên nhãn thì các nội dung: Tên hàng hóa; Tên tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa; Định lượng; Ngày sản xuất; Hạn sử dụng; Xuất xứ hàng hóa... phải được ghi trên nhãn. Những nội dung bắt buộc khác phải được ghi trong tài liệu kèm theo và trên nhãn hàng hóa phải chỉ ra nơi ghi các nội dung đó.
Dưới đây là những ghi nhận của phóng viên Thương hiệu và Công luận:
![Sản phẩm mặt nạ Sản phẩm mặt nạ](https://media.thuonghieucongluan.vn/uploads/2024/03/21/z5267214094273-41740d9a59a87bdee3d1a2a1b474cf33-1710998054.jpg)
![Sản phẩm sữa tắm toàn chữ nước ngoài trên bao bì, không có dán tem nhãn phụ Tiếng Việt Sản phẩm sữa tắm toàn chữ nước ngoài trên bao bì, không có dán tem nhãn phụ Tiếng Việt](https://media.thuonghieucongluan.vn/uploads/2024/03/21/z5267441861445-b3a38725396ca3fc39c005be7b087ea1-1710998087.jpg)
![Sản phẩm dung dịch vệ sinh phụ nữ, sản xuất tại Ba Lan, không hề có tem nhãn phụ Tiếng Việt nào, dù bày bán tại thị trường Việt Nam... Sản phẩm dung dịch vệ sinh phụ nữ, sản xuất tại Ba Lan, không hề có tem nhãn phụ Tiếng Việt nào, dù bày bán tại thị trường Việt Nam...](https://media.thuonghieucongluan.vn/uploads/2024/03/21/z5267442141236-f98c1662cf2e38df8fc0d90a82461ca1-1710998116.jpg)
![Sản phẩm son của Hàn Quốc, phóng viên cũng không tìm thấy tem nhãn phụ Tiếng Việt ở đâu để nắm bắt thông tin sản phẩm Sản phẩm son của Hàn Quốc, phóng viên cũng không tìm thấy tem nhãn phụ Tiếng Việt ở đâu để nắm bắt thông tin sản phẩm](https://media.thuonghieucongluan.vn/uploads/2024/03/21/z5267443419757-127894de1f469577187d58061ff5a4a7-1710998154.jpg)
![Sản phẩm sữa tắm của Nhật Bản, khách hàng phải rất vất vả để tìm hiểu về thông tin trên bao bì. Sản phẩm sữa tắm của Nhật Bản, khách hàng phải rất vất vả để tìm hiểu về thông tin trên bao bì.](https://media.thuonghieucongluan.vn/uploads/2024/03/21/z5267452522601-f58de83939ebfa898e3e39bd20ce8727-1710998199.jpg)
![Sản phẩm bông tẩy trang cũng tương tự như các sản phẩm khác vì không có tem nhãn phụ Tiếng Việt Sản phẩm bông tẩy trang cũng tương tự như các sản phẩm khác vì không có tem nhãn phụ Tiếng Việt](https://media.thuonghieucongluan.vn/uploads/2024/03/21/z5267453328185-3aa4a1773b8b606d1c11dce64e0b7b04-1710998254.jpg)
Theo Nghị định số 43/2017/NĐ-CP và Nghị định số 98/2020/NĐ-CP quy định về thông tin in trên nhãn phụ và quy định về tem nhãn hàng hóa nhập khẩu, quy định về xử phạt hành vi vi phạm trong buôn bán hàng hóa nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc, hàng trôi nổi, hàng có dấu hiệu làm nhái, làm giả có thể phạt tiền đến 200 triệu đồng tùy vào mức độ vi phạm đối với tổ chức, cá nhân kinh doanh.
Thế nhưng nhiều sản phẩm bày bán tại Beauty Garden chỉ thấy có chữ nước ngoài trên bao bì, không thấy có tem nhãn phụ Tiếng Việt theo như quy định. Việc này khiến người tiêu dùng không có thông tin khi tìm hiểu về sản phẩm, vừa vi phạm quy định của pháp luật, vừa khiến dư luận đặt ra câu hỏi về nguồn gốc hàng hoá này như thế nào mà lại không có tem nhãn phụ theo quy định?
![Sản phẩm toàn chữ tiếng Nhật khiến người tiêu dùng lạc vào ma trận thông tin, hỏi gì cũng phải tìm nhân viên? Sản phẩm toàn chữ tiếng Nhật khiến người tiêu dùng lạc vào ma trận thông tin, hỏi gì cũng phải tìm nhân viên?](https://media.thuonghieucongluan.vn/uploads/2024/03/21/z5267444691953-ffdccb3661f3aabcf3bd1f19e298a6c4-1710998281.jpg)
![Thậm chí nhiều sản phẩm còn không biết là gì, công dụng ra sao, cách dùng thế nào? Thậm chí nhiều sản phẩm còn không biết là gì, công dụng ra sao, cách dùng thế nào?](https://media.thuonghieucongluan.vn/uploads/2024/03/21/z5267447682842-22fcc113de1b9131ee0afee7cd975605-1710998352.jpg)
Thương hiệu và Công luận sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.
Trúc Mai – Hồng Nhung