Theo người dân địa phương, cá voi xanh xuất hiện nhiều nhất là ở vùng biển khu vực Vũng Bồi - Đề Gi, thuộc xã Cát Khánh, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định. Khu vực này nằm cách TP. Quy Nhơn khoảng 40km.
Theo đó, khoảng gần một tháng nay, tại khu vực Vũng Bồi - Đề Gi xuất hiện 8 con cá voi xanh. Trong số này, con cá voi lớn có chiều dài khoảng 17m, nặng trên 20 tấn; con nhỏ có chiều dài khoảng 10m. Theo quan sát, nhiều khi cá voi xanh vào rất gần bờ, có lúc chỉ cách bờ 500m

Đáng lưu ý, tại vùng biển khu vực Vũng Bồi - Đề Gi, thi thoảng những chú cá voi xanh lại nhảy lên đớp mồi liên tục,tạo nên những hình cảnh kỳ thú, án tượng hiếm có trên biển. Vì vậy, không chỉ có người dân Cát Khánh, Phù Cát, mà cả nhiều du khách từ TP. Quy Nhơn, tỉnh Bình Định và khu vực lân cận cùng tìm đến thưởng ngoạn, nhất là các tay máy săn ảnh…
Theo các chuyên gia Chi cục Thủy sản Bình Định thì: Cá voi xanh là một trong những loài động vật có vú lớn nhất trên trái đất. Chúng thường sống ở những vùng biển nước lạnh nhưng đến mùa sinh sản thì chúng lại di chuyển đến phía Nam, nơi có vùng biển ấm hơn. Cá voi nuôi con bằng sữa mẹ. Riêng cá voi xanh, ở dưới nước chúng có màu xanh lam, nhưng trên bề mặt nước, cá lại có nhiều màu xanh xám lốm đốm.

Đặc biệt, cũng như ngư dân ở các địa phương, ngư dân Bình Định có tín ngưỡng thờ cá voi (còn gọi là Ông Nam Hải). Bởi lẽ, người ngư dân quan niệm ÔNg Nam Hải là thần cứu khổ, cứu nạn cho họ khi gặp bão tố, sóng to, gió lớn. Thậm chí, người nào nhìn thấy cá voi chết dạt vào bờ (gọi là Ông Lụy) thì phải tổ chức chôn cất Ông chu đáo và phải để tang Ông như để tang cha mẹ mình…
Viết Hiền