Theo Cục Thống kê Bình Định, hiện tại đời sống sinh hoạt của người dân trở lại trạng thái bình thường, hoạt động mua sắm trực tiếp đang có dấu hiệu phục hồi tốt sau đại dịch Covid-19; cùng với đó, giao dịch thương mại điện tử tiếp tục tăng, nhu cầu du lịch tăng mạnh cùng với các sự kiện mới lạ, hấp dẫn du khách đã làm cho hoạt động thương mại dịch vụ trở nên nhộn nhịp và sôi động, tác động tích cực đến tăng trưởng của tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 07/2022 ước đạt 8.143,3 tỷ đồng, tăng trên 32% so với cùng kỳ năm 2021; trong đó, doanh thu hàng hóa bán lẻ ước tính đạt gần 6.394 tỷ đồng, tăng gần 15% so với cùng kỳ năm 2021.
Đáng lưu ý, tháng Bảy là tháng cao điểm của du lịch hè, kết hợp nhiều sự kiện nổi bật được tổ chức, trong đó có Vòng Chung kết Miss World Vietnam 2022, thu hút hàng vạn khách du lịch đến với Quy Nhơn - Bình Định. Nhờ vậy, trong tháng 07/2022, hầu hết các ngành dịch vụ trên địa bàn tỉnh có tốc độ tăng trưởng khá.Theo đó, doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống tháng 07/2022 ước đạt gần 1.272 tỷ đồng, tăng gần237% so với cùng kỳ năm 2021; Doanh thu dịch vụ lữ hành và hoạt động hỗ trợ du lịch ước đạt gàn 51 tỷ đồng, tăng gần 37% so với tháng trước; Ngành dịch vụ khác ước đạt gần 427 tỷ đồng, tăng gần102% so cùng kỳ…
Cũng theo Cục Thống kê Bình Định, tính chung 07 tháng đầu năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ toàn tỉnh Bình Định ước đạt trên 53.197 tỷ đồng, tăng gần 17% so cùng kỳ năm 2021. Xét theo ngành hoạt động, doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt gần 43.452 tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó: lương thực, thực phẩm đạt 20.872 tỷ đồng, tăng gần 11%; Đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình đạt gần 5.205 tỷ đồng, tăng trên 11%; Gỗ và vật liệu xây dựng đạt trên 2.992 tỷ đồng, tăng gần 12%; Xăng, dầu đạt gần 5.704 tỷ đồng, tăng 24,2%; Nhiên liệu khác đạt 1.136,4 tỷ đồng, tăng 17,4%; Đá quý, kim loại quý đạt 903 tỷ đồng, tăng gần 12%; Hàng hoá khác đạt gần 1.676 tỷ đồng, tăng trên 12%...
Đặc biệt, 07 tháng đầu năm 2022, du lịch Bình Định đã có sự phát triển mạnh mẽ, luôn nằm trong nhóm những địa phương có tốc độ phục hồi du lịch nhanh nhất, đồng thời trở thành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, thúc đẩy các ngành dịch vụ khác tăng trưởng theo. Cụ thể, theo thống kê, doanh thu dịch vụ lưu trú và ăn uống toàn tỉnh 07 tháng đầu năm 2022 đạt 6.988,4 tỷ đồng, tăng gần 47% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, ngành ăn uống chiếm tỷ trọng cao nhất, ước đạt trên 6.365 tỷ đồng tăng 41,3%; Ngành Dịch vụ lữ hành đạt doanh thu gần 129 tỷ đồng, tăng 582%; Nhóm ngành dịch vụ khác đạt gần 2.629 tỷ đồng, tăng gần 32% so với cùng kỳ năm 2021.
Viết Hiển