Buôn lậu, hàng giả diễn biến phức tạp

Các lực lượng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn tỉnh đã triển khai và thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia và UBND tỉnh về tăng cường công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả trên địa bàn tỉnh, đã kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi để hàng hóa lưu thông trên thị trường, đặc biệt là hàng hóa trong nước sản xuất; thị trường không xảy ra tình trạng đầu cơ, găm hàng, tăng giá quá mức. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật được các lực lượng chức năng đẩy mạnh thực hiện, đã góp phần nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của các tổ chức, cá nhân trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Mặc dù các lực lượng chức năng đã tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, tuy nhiên tình hình buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất buôn bán hàng giả, hàng cấm và xâm phạm sở hữu trí tuệ còn diễn biến phức tạp, trên một số tuyến, địa bàn, lĩnh vực, mặt hàng trọng điểm. Phương thức, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng thường sử dụng chủ yếu các loại phương tiện giao thông đường bộ để hoạt động vận chuyển hàng hóa vào những giờ cao điểm, ngày nghỉ, đêm khuya; khi hoạt động thì liên tục thay đổi phương thức, thủ đoạn, tuyến đường và phương tiện vận chuyển... để trốn tránh việc kiểm tra, kiểm soát của các lực lượng chức năng, có trường hợp quay vòng hóa đơn để hợp thức hóa cho việc vận chuyển, gây khó khăn cho công tác kiểm tra, phát hiện vi phạm để xử lý. Hiện nay, nổi lên tình trạng các đối tượng còn sử dụng cả đường vận chuyển bưu chính nhưng thường chia nhỏ số lượng hàng hóa, gửi về nhiều địa chỉ khác nhau, khai sai tên hàng, chủng loại hàng hóa.

Cơ quan chức năng tỉnh Bình Thuận tăng cường kiểm tra, xử lý các vi phạ về hàng giả, gian lận thương mại
Cơ quan chức năng tỉnh Bình Thuận tăng cường kiểm tra, xử lý các vi phạm về hàng giả, gian lận thương mại

Hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại về xăng dầu, gas, phân bón thuốc trừ sâu diễn biến phức tạp trên địa bàn thị xã La Gi, thành phố Phan Thiết, Tánh Linh, tuyến Quốc lộ 1A, tuyến Quốc lộ 55 và các khu vực giáp ranh với các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu. Đặc biệt, tình hình mua bán, tàng trữ, sử dụng trái phép chất ma túy có chiều hướng gia tăng, diễn biến phức tạp.

Trên tuyến biển, hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa, thông qua hệ thống cảng biển diễn ra phức tạp, nhất là tại Cảng Quốc tế Vĩnh Tân; kho trung chuyển xăng dầu Hòa Phú, bến cảng xăng dầu LPG Tuy Phong. Tại các địa bàn Tuy Phong, và La Gi, mặt hàng chủ yếu là xăng, dầu; các thiết bị, hàng hóa để thi công Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 1, Vĩnh Tân 2, Vĩnh Tân 4; các loại hàng hóa là khoáng sản, quặng titan, cát.

Tội phạm sản xuất buôn bán hàng giả, xâm phạm sở hữu trí tuệ cũng đang diễn ra phức tạp với nhiều thủ đoạn tinh vi. Các đối tượng ứng dụng khoa học kỹ thuật, sự phát triển mạnh mẽ của internet, sự thiếu thông tin của người tiêu dùng để sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ hàng giả (nhất là hóa giả nhãn mác, xuất xứ Việt Nam) một cách tràn lan, khó kiểm soát ở những địa bàn Đức Linh, Tánh Linh, Bắc Bình, Tuy Phong; tuyến giáp ranh với tỉnh Đồng Nai, Vũng Tàu. Các đối tượng nhập hàng từ nước ngoài vào Việt Nam không có nguồn gốc hợp pháp bằng các đường chính ngạch và tiểu ngạch, sau đó gắn nhãn mác xuất xứ Việt Nam để đánh lừa người tiêu dùng. Các mặt hàng chủ yếu là phân bón, thuốc trừ sâu, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm.

Tăng cường kiểm tra, xử lý

Bước sang giai đoạn mới, Cục Quản lý thị trường Binh Thuận với vai trò là lực lượng chuyên trách sẽ đẩy mạnh tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên khâu lưu thông và trên địa bàn tỉnh. Cục sẽ tập trung kiểm tra các mặt hàng thiết yếu như: xăng dầu, khí dầu mỏ hóa lỏng, thực phẩm, thuốc lá, rượu, đồ chơi trẻ em, đồ điện gia dụng, hoạt động bán hàng đa cấp, hoạt động thương mại điện tử... kịp thời kiểm tra xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật, bảo đảm ổn định thị trường không để xảy ra tình trạng đầu cơ, găm hàng, tăng giá đột biến.

Tăng cường công tác kiểm tra các hoạt động khai thác, vận chuyển, tàng trữ, mua bán khoáng sản không có nguồn gốc hợp pháp; đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại trong kinh doanh xăng dầu; chống buôn lậu thuốc lá trên địa bàn tỉnh.

Tăng cường công tác quản lý địa bàn, nắm chắc diễn biến tình hình thị trường và tiếp tục tham gia phối hợp với các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát việc vận chuyển lợn, sản phẩm thịt lợn không rõ nguồn gốc trên địa bàn, đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển trái phép lợn, sản phẩm lợn nhập lậu, không có nguồn gốc hợp pháp vào địa bàn tỉnh.

Chủ trì các Đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh và các huyện, thị xã, thành phố kiểm tra thị trường trước, trong và sau Tết Nguyên đán Canh Tý năm 2020 theo Kế hoạch của UBND tỉnh.

Thực hiện Thông báo số 278/TB-VPCP ngày 25 tháng 10 năm 2021 của Văn phòng Chính phủ về Kết luận của Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh tại Hội nghị giao ban quý III năm 2021 và nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia. Để chủ động kiểm soát tình hình, phát hiện, ngăn chặn kịp thời các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng cấm, hàng kém chất lượng, nhất là từ nay đến Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022, Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tỉnh Bình Thuận xây dựng Kế hoạch cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trước, trong và sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022 trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, Ban Chỉ đạo tỉnh giao Cục Quản lý thị trường tỉnh tăng cường kiểm tra, phát hiện xử lý hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng giả, hàng cấm, hàng kém chất lượng, hàng hóa gian lận nguồn gốc xuất xứ; hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; hành vi vi phạm trong lĩnh vực thương mại điện tử, an toàn thực phẩm, lĩnh vực giá…; tập trung kiểm tra đối với các mặt hàng lương thực, thực phẩm, phân bón, xăng dầu, đường, thuốc lá lậu, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, hàng tiêu dùng kém chất lượng ảnh hưởng đến đời sống nhân dân; các mặt hàng liên quan đến công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Ban Chỉ đạo tỉnh cũng yêu cầu Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố - Tăng cường công tác quản lý địa bàn, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng, kịp thời phát hiện, ngăn chặn hoặc phối hợp ngăn chặn các hành vi buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ. Xây dựng và chỉ đạo triển khai thực hiện Kế hoạch kiểm tra, kiểm soát thị trường trước, trong và sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022 trên địa bàn quản lý. Thường xuyên theo dõi tình hình thị trường, rà soát cung, cầu hàng hóa, nhất là các mặt hàng thiết yếu phục vụ dịp Tết Nguyên đán, không để xảy ra tình trạng đầu cơ, tăng giá đột biến hoặc tung tin thất thiệt, gây thiệt hại cho người tiêu dùng. Chỉ đạo các Đài Phát thanh - Truyền hình ở địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Ngọc Khánh