Đi cùng đoàn còn có bà: Alexandra Bhattacharya, Cán bộ chương trình, Văn phòng Phó Tổng giám đốc; Yaning Zhang, Chuyên gia dự án, Văn phòng Phó Tổng giám đốc. Về Phía Bộ KH&CN có bà Lê Thị Việt  Lâm, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế; ông Trần Lê Hồng, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ (SHTT) và đại diện một số đơn vị liên quan của Bộ KH&CN.

Hai bên chụp ảnh lưu niệm
Hai bên chụp ảnh lưu niệm.

Tại buổi tiếp, ông Hasan Kleib cho biết, WIPO sẽ làm việc với một số cơ quan hữu quan của Việt Nam về chương trình/hoạt động cụ thể của WIPO nhằm tăng cường hợp tác, hỗ trợ Việt Nam trong việc sử dụng SHTT như một công cụ thúc đẩy đổi mới sáng tạo vì mục tiêu phát triển đất nước và mang lại lợi ích cho người dân. Theo đó, WIPO sẽ phối hợp với Bộ KH&CN (đầu mối là Cục SHTT) tổ chức các hội thảo nhằm thúc đẩy sự hiểu biết, nhận thức về SHTT cho một số nhóm đối tượng được WIPO dành nhiều sự quan tâm là phụ nữ, giới trẻ và doanh nghiệp.

Nhấn mạnh tầm quan trọng của SHTT trong thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia và Việt Nam không là ngoại lệ, ông Hasan Kleib cho rằng mối quan hệ giữa WIPO và Bộ KH&CN đang rất tốt đẹp và tin rằng sự hợp tác song phương giữa hai bên sẽ tiếp tục được tăng cường hơn nữa để đạt được mục tiêu hai bên đề ra. WIPO cũng cam kết sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam nâng cao hiệu quả hoạt động SHTT của Việt Nam trong thời gian tới, nhất là sau chuyến thăm cấp cao của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tại WIPO vào tháng 11/2021 và đoàn công tác của Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt tham dự Phiên họp Đại hội đồng WIPO tháng 7/2022.

Ông Hasan Kleib cũng bày tỏ ấn tượng mạnh mẽ với tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong thời gian qua, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch vẫn đạt mức độ tăng trưởng dương cao. Trong bảng xếp hạng Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) nhiều năm trở lại đây, Việt Nam luôn giữ vị trí đứng đầu trong nhóm 34 quốc gia có thu nhập trung bình thấp. Đặc biệt Việt Nam là một trong số ít quốc gia đầu tiên trong WIPO nghiên cứu chuyển hóa chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu để tính toán chỉ số đổi mới sáng tạo cấp tỉnh. WIPO sẵn sàng tăng cường hợp tác, hỗ trợ Việt Nam trong việc sử dụng quyền sở hữu trí tuệ như một công cụ thúc đẩy đổi mới sáng tạo vì mục tiêu phát triển đất nước.

Thực hiện các cam kết với Việt Nam, WIPO mong muốn hỗ trợ thành lập một viện đào tạo về sở hữu trí tuệ tại Việt Nam. Hiện nay, viện này đã được thành lập ở 12 quốc gia. Trong những năm đầu, WIPO sẽ hỗ trợ viện phát triển, sau đó chuyển giao hoàn toàn cho nước sở tại và sẵn sàng tư vấn nếu có đề nghị.

Toàn cảnh buổi làm việc
Toàn cảnh buổi làm việc.
Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Giang chuyển quà lưu niệm của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và quà lưu liệm của Bộ KH&CN tới ông Hasan Kleib
Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Giang chuyển quà lưu niệm của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và quà lưu liệm của Bộ KH&CN tới ông Hasan Kleib.

Thứ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Hoàng Giang bày tỏ vui mừng được đón tiếp Ngài Phó Tổng giám đốc và các đồng nghiệp sang thăm và làm việc tại Việt Nam. Đặc biệt trong thời gian gần đây, hai Bên đã tổ chức nhiều cuộc gặp cấp cao. Điều này cho thấy Lãnh đạo cấp cao của Việt Nam dành sự quan tâm lớn đến hoạt động đổi mới sáng tạo và SHTT cũng như khẳng định quan hệ hợp tác gắn bó, sâu sắc giữa Việt Nam và WIPO.

Thứ trưởng cho biết, thời gian qua, do ảnh hưởng đại dịch Covid-19, nền kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn nhưng kinh tế Việt nam vẫn đạt được mức tăng trưởng tốt. Thành tựu này xuất phát từ rất nhiều nguyên nhân nhưng một trong các yếu tố chính là sự đóng góp của SHTT và ĐMST.

Chuyến thăm lần này của ông Hasan Kleib vừa là cơ hội để WIPO và các cơ quan hữu quan của Việt Nam thảo luận chi tiết hơn nhằm triển khai thành công kết quả chuyến thăm của Chủ tịch nước Việt Nam tại WIPO, đồng thời vừa nhằm thúc đẩy sự hiểu biết, nhận thức về SHTT cho công chúng của Việt Nam, đặc biệt là một số nhóm đối tượng dành được nhiều sự quan tâm là giới trẻ, phụ nữ và doanh nghiệp. Bộ KH&CN cũng đánh giá cao việc WIPO và Học viện Ngoại giao sẽ ký kết Bản ghi nhớ về Chương trình đào tạo SHTT dành cho cán bộ ngoại giao và nhà đám phán thương mại trong khuôn khổ chuyến thăm lần này.

Liên quan đến việc triển khai kết quả chuyến thăm của Chủ tịch nước, WIPO và Cục SHTT đã ký kết Bản ghi nhớ hợp tác về việc triển khai Chiến lược SHTT quốc gia bên lề Phiên họp Đại hội đồng WIPO, vào tháng 7/2022 tại Giơ-ne-vơ, trong đó quy định nhiều nội dung hợp tác đã được lãnh đạo cấp cao của hai Bên thống nhất. Bộ KH&CN đề nghị WIPO và Cục SHTT tiếp tục phối hợp chặt chẽ để triển khai thành công Bản ghi nhớ này, đóng góp vào sự phát triển chung của hệ thống SHTT và hệ sinh thái ĐMST của Việt Nam, trong đó ưu tiên việc triển khai các hoạt động liên quan phổ biến và thi hành pháp luật về SHTT trong bối cảnh Luật sửa đổi, bổ sung Luật SHTT vừa được Quốc hội thông qua vào tháng sau vừa qua.

Thứ Bộ KH&CN Nguyễn Hoàng Giang gửi lời cảm ơn tới WIPO đã hỗ trợ kỹ thuật, cử chuyên gia giúp xây dựng năng lực phân tích, đo lường, đánh giá kết quả đổi mới sáng tạo của Việt Nam. Thứ trưởng cho rằng, với sự trợ giúp của WIPO, hiện nay, Bộ KH&CN đang tiến hành xây dựng bộ chỉ số đo lường năng lực đổi mới sáng tạo cấp địa phương (PII). Dự kiến trên cơ sở bộ chỉ sối này, báo cáo lần đầu tiên về hoạt động đổi mới sáng tạo cấp địa phương của Việt Nam sẽ công bố vào cuối năm 2022.

Thay mặt Bộ KH&CN, Thứ trưởng đề nghị trong thời gian tới, WIPO ưu tiên các hoạt động đào tạo cho cán bộ Việt Nam thông qua các khóa đào tạo ngắn hạn, thực tập sinh và làm việc tại WIPO. Bên cạnh đó, Bộ KH&CN cũng mong muốn Ngài Phó Tổng Giám đốc, với vai trò là lãnh đạo phụ trách lĩnh vực phát triển quốc gia và khu vực của WIPO, có thể đưa ra những tư vấn, gợi ý cho Việt Nam nhằm hỗ trợ cho sự phát triển của hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và SHTT của Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh thế giới đang phục hồi sau đại dịch Covid-19.

Việt Nam gia nhập WIPO vào năm 1976. Kể từ khi gia nhập, Việt Nam nhận được sự giúp đỡ quý báu của WIPO trong việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật sở hữu trí tuệ, đào tạo nguồn nhân lực và tuyên truyền nâng cao nhận thức của công chúng về sở hữu trí tuệ. Có thể khẳng định WIPO là đối tác quan trọng hàng đầu trong hợp tác quốc tế về sở hữu trí tuệ của Việt Nam.

Hằng năm, Việt Nam đều cử đại diện tham dự các phiên họp thường trực của các Cơ quan điều hành của WIPO như Đại hội đồng WIPO, Ủy ban Điều phối WIPO (CoCo), hay các Ủy ban thường trực như Ủy ban Chương trình và Ngân sách (PBC), Ủy ban Phát triển và Sở hữu trí tuệ (CDIP)... Đặc biệt, Việt Nam đã được bầu giữ chức Chủ tịch Ủy ban CoCo năm 2014 và Chủ tịch Đại hội đồng WIPO nhiệm kỳ 2018-2019. Trong năm 2019, Việt Nam được bầu làm thành viên của CoCo và PBC nhiệm kỳ 2019-2021.

Tính đến nay, Việt Nam đang là thành viên của 14 điều ước quốc tế về sở hữu trí tuệ do WIPO quản lý. Việt Nam cũng tích cực theo dõi, tham gia các phiên thảo luận một số văn kiện quốc tế mới về sở hữu trí tuệ, như Hiệp ước Luật kiểu dáng công nghiệp, Văn kiện quốc tế về Nguồn gen, Tri thức truyền thống, Văn hóa dân gian.

Hằng năm, WIPO đều triển khai nhiều hoạt động hợp tác kỹ thuật dành cho Việt Nam theo hướng xây dựng chính sách, pháp luật về sở hữu trí tuệ, nâng cao năng lực và hiện đại hóa hệ thống quản lý sở hữu trí tuệ, phát triển tài sản trí tuệ, đào tạo nguồn nhân lực và nâng cao nhận thức về sở hữu trí tuệ. Đặc biệt, kể từ sau chuyến thăm Việt Nam của Tổng giám đốc WIPO vào tháng 3/2017, các hoạt động hợp tác giữa hai bên càng được thúc đẩy mạnh mẽ hơn.

WIPO đã hỗ trợ tổ chức Cuộc thi sáng chế vào các năm 2013, 2014, 2018, qua đó giúp tìm ra các giải pháp thiết thực, hữu ích để giải quyết các vấn đề trong cuộc sống hằng ngày của cộng đồng, đồng thời nâng cao nâng nhận thức của công chúng về sáng chế, công nghệ phù hợp.

Thời gian qua, WIPO đã hỗ trợ kỹ thuật, cử chuyên gia giúp xây dựng năng lực phân tích, đánh giá kết quả đổi mới sáng tạo của Việt Nam, hỗ trợ Việt Nam trong việc cải thiện Chỉ số GII hàng năm.

Minh Anh