Ông Vũ Văn Phúc, Phó Chủ tịch Hội đồng khoa học các cơ quan Đảng Trung ương cho biết, Quy định 96 gắn chặt với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, với công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực hiện nay. Bởi vì việc lấy phiếu tín nhiệm nhằm xây dựng đội ngũ lãnh đạo quản lý các cấp đủ phẩm chất, năng lực, uy tín ngang tầm nhiệm vụ theo đúng tinh thần Nghị quyết Trung ương 7 khóa XII. Nên, việc bỏ phiếu tín nhiệm cán bộ lãnh đạo thể hiện trách nhiệm với Đảng, với dân chứ không phải là lá phiếu của cá nhân mang cảm tính chủ quan.
Bên cạnh đó, việc lấy phiếu tín nhiệm góp phần đánh giá đúng uy tín và kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ mà cán bộ được giao. Thông qua kết quả phiếu tín nhiệm cao, tín nhiệm, tín nhiệm thấp giúp cán bộ tự soi, tự sửa để tiếp tục phấn đấu rèn luyện trong quá trình công tác.
Quan trọng nhất là phiếu tín nhiệm sẽ là cơ sở quan trọng để cấp ủy, tổ chức đảng tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng, giới thiệu ứng cử hoặc đề bạt bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo.
Thông qua việc lấy phiếu tín nhiệm cũng sẽ thực hiện tốt hơn nguyên tắc Đảng thống nhất lãnh đạo, quản lý đội ngũ cán bộ, đồng thời giám sát công việc của cán bộ.
Năm 2014, Bộ Chính trị cũng đã từng ban hành quy định 262 về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với cán bộ lãnh đạo. Theo ông, Quy định 96 lần này có nhiều điểm mới so với trước?
Ông Vũ Văn Phúc: So với quy định 262 năm 2014 thì Quy định 96 có nhiều điểm mới nổi bật sau.
Thứ nhất, theo Quy định 262, việc lấy phiếu tín nhiệm đối cán bộ là một trong những kênh thông tin tham khảo trong việc đánh giá cán bộ; còn Quy định 96 thì việc lấy phiếu tín nhiệm là một nội dung quan trọng trong đánh giá cán bộ.
Điểm mới thứ hai là việc lấy phiếu tín nhiệm gắn với công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực hiện nay.
Điểm mới thứ ba là trong tiêu chí về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, ý thức tổ chức kỷ luật của cán bộ có tiêu chí về sự gương mẫu của bản thân, của vợ hoặc chồng, con trong việc chấp hành chính sách pháp luật của Nhà nước.
Ông vừa nhắc tới một trong những điểm mới đó chính là xem xét cả sự gương mẫu của bản thân và vợ, chồng, con của người được lấy phiếu tín nhiệm. Trên thực tế, có không ít trường hợp người thân của cán bộ đã lợi dụng sức ảnh hưởng, vị trí của cán bộ lãnh đạo để trục lợi, thưa ông?
Ông Vũ Văn Phúc: Đây là điểm mới và cũng là điểm nhấn của Quy định 96 lần này. Việc bỏ phiếu tín nhiệm không phải chỉ đánh giá bản thân cán bộ đó mà còn xem xét đến việc vợ hoặc chồng, con trong việc chấp hành chính sách pháp luật của Nhà nước.
Tôi cho rằng, tiêu chí này đưa ra rất đúng và rất trúng trong bối cảnh hiện nay. Bởi thực tế thời gian qua cho thấy, rất nhiều cán bộ từ chức hoặc bị miễn nhiệm, bị kỷ luật, thậm chí bị truy tố đều do sự không gương mẫu của bản thân, trong đó có nhiều người do sự không gương mẫu của vợ hoặc chồng, con của họ. Từ sự không gương mẫu trong việc chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật Nhà nước dẫn đến có sự tham nhũng, tiêu cực.
Để thực hiện tốt tiêu chí này trong việc bỏ phiếu tín nhiệm theo Quy định 96, theo tôi Ban Tổ chức Trung ương cần có hướng dẫn cụ thể trong việc xác định tiêu chí vợ hoặc chồng, con có biểu hiện tiêu cực như thế nào.
Đồng thời phải có một cơ chế, tiêu chí để khi có dư luận hoặc có dấu hiệu vợ hoặc chồng, con của cán bộ mà chưa gương mẫu, tiêu cực thì đề nghị cán bộ đó phải giải trình trước khi lấy phiếu tín nhiệm.
Nếu giải trình có dấu hiệu không trung thực, không chuẩn xác thì các cơ quan chức năng cần công bố những tư liệu, tài liệu cần thiết đối với việc không gương mẫu của vợ, chồng hoặc con cán bộ đó trước khi lấy phiếu tín nhiệm.
Lá phiếu trách nhiệm với Đảng, với dân
Có một thực tế là những cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám va chạm có thể bị “tín nhiệm thấp”, ngược lại, những người ít va chạm lại được “tín nhiệm” cao. Điều này có đáng lo ngại không, thưa ông?
Ông Vũ Văn Phúc: Đúng là có thực tế như vậy. Những người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung nhiều khi va chạm nhiều, cho nên tỷ lệ tín nhiệm thấp có khi lại chiếm đa số; ngược lại, người vo tròn, dĩ hòa vi quý, quan hệ tốt thì tỷ lệ tín nhiệm thấp lại ít hơn. Đó cũng là điều đáng lo ngại.
Tuy nhiên, tôi cho rằng, việc lấy phiếu tín nhiệm chỉ là một kênh đánh giá cán bộ. Song song với việc thực hiện Quy định 96, chúng ta phải thực hiện tốt Kết luận 14 của Bộ Chính trị về khuyến khích bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung.
Theo ông, lần này việc lấy phiếu tín nhiệm cần được triển khai như thế nào để đạt hiệu quả?
Ông Vũ Văn Phúc: Thực tế các lần lấy phiếu tín nhiệm trước đúng là chưa đạt được như mong muốn. Tuy nhiên, Quy định 96 chặt chẽ, chi tiết, cụ thể, rõ ràng, đặc biệt nâng tầm từ "kênh thông tin tham khảo" trở thành "nội dung quan trọng để đánh giá cán bộ", tôi tin rằng trong năm 2023 việc lấy phiếu tín nhiệm sẽ thực chất hơn, sẽ đánh giá đúng chất lượng và mức độ tín nhiệm của từng cán bộ.
Để việc lấy phiếu thực sự hiệu quả, chúng ta phải thực hiện đúng, nghiêm minh, khách quan, công tâm, công khai, minh bạch Quy định 96. Đặc biệt phải có một quyết tâm chính trị rất cao trong Đảng và phải có trách nhiệm rất cao của các cấp ủy Đảng, các tổ chức Đảng, tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị, địa phương tổ chức lấy phiếu tín nhiệm theo quy định.
Đồng thời phải nâng cao tính chịu trách nhiệm của cơ quan tham mưu về công tác tổ chức cán bộ. Bởi từ trước đến nay, nhiều cán bộ sai phạm nhưng chúng ta chưa xử lý một tổ chức hay cá nhân tham mưu về công tác tổ chức cán bộ.
Bên cạnh đó, người được lấy phiếu tín nhiệm phải có trách nhiệm cung cấp đầy đủ, trung thực, chính xác mọi thông tin và khi có vấn đề đặt ra thì phải giải trình trung thực, khách quan, đầy đủ.
Những người bỏ phiếu tín nhiệm phải xác định đây là lá phiếu trách nhiệm với Đảng, với dân chứ không phải là lá phiếu của cá nhân mang cảm tính chủ quan. Do vậy, người bỏ phiếu tín nhiệm phải nghiên cứu một cách kỹ lưỡng, đánh giá khách quan, thận trọng, trung thực, công tâm vì sự nghiệp chung của Đảng đối với người được lấy phiếu tín nhiệm.
Trân trọng cảm ơn ông!
Theo VOV.vn